Cơ hội nào khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng?
Khi trở thành thị trường mới nổi, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có cơ hội thu hút hàng chục nghìn tỷ đồng vốn ngoại từ các định chế tài chính nước ngoài.
Hệ thống công nghệ thông tin mới (KRX) là hệ thống quản lý và điều hành giao dịch trên TTCK Việt Nam, được HoSE ký kết với Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc vào năm 2012, dự kiến vận hành chính thức vào cuối năm 2023.
Triển khai KRX tạo tiền đề giải quyết các nút thắt hiện nay của thị trường chứng khoán Việt Nam, để tiến tới được nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi.
Theo các nghiên cứu, khi một thị trường được nâng hạng từ cận biên sang mới nổi, chỉ số MSCI của thị trường đó (trong trường hợp này là MSCI Vietnam Index) sẽ tăng trung bình 23,2% từ ngày thông báo đến ngày có hiệu lực. Chỉ số MSCI Vietnam Index là chỉ số mô tả diễn biến cổ phiếu của các DN có giá trị vốn hóa thị trường lớn và vừa, đại diện cho 85% vốn hóa TTCK Việt Nam.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho biết, nếu được nâng hạng lên thành thị trường mới nổi, tác động rõ ràng nhất là TTCK Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn lớn hơn, ổn định và đa dạng hơn từ những nhà đầu tư nước ngoài.
“Thông thường, các quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ sẽ ưu tiên phân bổ tỷ trọng đầu tư lớn vào thị trường phát triển và mới nổi vì các thị trường này có tính ổn định cao, sản phẩm đa dạng, quy mô giao dịch lớn hơn so với thị trường cận biên.
"Do đó, việc được nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ thu hút thêm một lượng lớn nguồn vốn đầu tư trung - dài hạn. Hiện nay, các quỹ đầu tư theo phương pháp thụ động như ETFs (thường tập trung vào các thị trường mới nổi) sẽ tự động phân bổ một phần nguồn vốn vào các thị trường được nâng hạng. Thực tế, theo Bộ Tài chính, các quỹ đầu tư thụ động chỉ dành tối đa 2 - 3% nguồn vốn vào các thị trường cận biên”, TS. Cấn Văn Lực nói.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng đầu tư và phát triển (BSC) tính toán, trong trường hợp nếu MSCI và FTSE nâng hạng Việt Nam lên TTCK mới nổi sẽ có khoảng 3,5 - 4 tỷ USD mua mới các cổ phiếu Việt Nam. Dòng vốn này được kỳ vọng sẽ giúp tăng lực cầu đối với nhiều mã cổ phiếu, kéo theo đó là giá cổ phiếu có thể tăng lên.
Đồng quan điểm, ông Đặng Hồng Quang, Giám đốc kiêm Trưởng đại diện văn phòng Hà Nội của VinaCapital, cho rằng, việc nâng hạng TTCK Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước nói chung và của các DN niêm yết nói riêng.
Việc TTCK Việt Nam được nâng hạng sẽ thu hút thêm lượng lớn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài từ cả các quỹ đầu tư chủ động và các quỹ chỉ số (ETF). Thu hút vốn sẽ giúp tăng cường nguồn lực cho các DN niêm yết để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế.
Ông Đặng Hồng Quang dẫn chứng, theo thống kê, hiện tại có 860 quỹ đầu tư trên thế giới sử dụng chỉ số chứng khoán thị trường mới nổi làm chỉ số tham chiếu, với tổng giá trị tài sản ròng lên tới 705 tỷ USD.
Trong đó, có 844 quỹ đầu tư sử dụng chỉ số thị trường mới nổi của MSCI làm tham chiếu, với tổng giá trị tài sản ròng khoảng 615 tỷ USD và 16 quỹ đầu tư sử dụng chỉ số thị trường mới nổi của FTSE Russell làm tham chiếu, với tổng giá trị tài sản ròng khoảng 90 tỷ USD. Có thể thể đến tên một số quỹ đầu tư lớn như: Vanguard FTSE Emerging Markets ETF (71 tỷ USD), iShares Core MSCI Emerging Markets ETF (69 tỷ USD), iShares MSCI Emerging Markets ETF (19 tỷ USD).
“Chúng tôi ước tính trong trường hợp thị TTCK Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng từ 0,7 - 1,2% trong chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và FTSE Russell. Như vậy, dòng vốn nước ngoài đổ thêm vào TTCK Việt Nam có thể đạt 5 - 8 tỷ USD”, ông Quang chia sẻ.