Cơ hội nhận tài trợ dành cho startup và sinh viên trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng

Dự án 'Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng' (AIS4EE) chính thức mở đơn đăng ký tham gia cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) và nhóm học sinh, sinh viên.

Dự án thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam.

Dự án thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam.

Dự án AIS4EE, thuộc Chương trình Chuyển dịch năng lượng bền vững Việt Nam – EU (SETP) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ cho Bộ Công Thương, là chương trình tăng tốc khởi nghiệp lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam dành riêng cho lĩnh vực hiệu quả năng lượng.

Dự án AIS4EE được đồng tài trợ và thực hiện bởi Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) - một tổ chức quốc tế liên chính phủ được thành lập dựa trên hiệp ước nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh trên phạm vi toàn cầu. Các hoạt động của chương trình tăng tốc khởi nghiệp do quỹ đầu tư Touchstone Partners thực hiện.

Trong khuôn khổ của Hợp phần 1, chương trình Tăng tốc khởi nghiệp thuộc dự án AIS4EE do Touchstone Partners tổ chức nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển của các giải pháp năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam. Chương trình sẽ đào tạo và huấn luyện các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhóm học sinh, sinh viên đủ điều kiện để chuẩn bị cho việc huy động đầu tư.

Các bạn trẻ tham gia chương trình tập huấn về Phát triển bền vững do Dear Our Community tổ chức

Các bạn trẻ tham gia chương trình tập huấn về Phát triển bền vững do Dear Our Community tổ chức

Chương trình bao gồm hai phần được triển khai song song dành cho các startup và nhóm học sinh, sinh viên.

Phần một dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp từ giai đoạn tiền hạt giống (pre-seed stage) đến giai đoạn hạt giống (seed stage) đã đăng ký tại Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài với kế hoạch hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp cần có một sản phẩm thử nghiệm (minimum viable product) tập trung vào các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả cho công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải tại Việt Nam.

Phần hai được thiết kế riêng cho nhóm các học sinh, sinh viên trong độ tuổi từ 15 đến 25, có ý tưởng về các giải pháp hiệu quả năng lượng trong ngành công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải, phù hợp với bối cảnh tại Việt Nam.

Các đội được chọn sẽ tham gia chương trình huấn luyện và đào tạo trong vòng 9 tuần, với sự dẫn dắt của các chuyên gia, cố vấn trong lĩnh vực khởi nghiệp và năng lượng.

Tổng giá trị giải thưởng của chương trình lên đến 35.000 USD cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và 10.000 USD cho nhóm học sinh sinh viên.

Bên cạnh đó, các đội còn có cơ hội tham gia các sự kiện gọi vốn trong nước và quốc tế từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, bao gồm khoản đầu tư lên đến 1 triệu USD từ quỹ Touchstone Partners và các khoản đầu tư tiềm năng từ quỹ đầu tư đối tác.

Học viên chương trình Ươm mầm phát triển bền vững chia sẻ ý tưởng về phát triển bền vững.

Học viên chương trình Ươm mầm phát triển bền vững chia sẻ ý tưởng về phát triển bền vững.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (EE) được coi là vấn đề rất quan trọng, khi Chính phủ đặt mục tiêu đạt mức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 8-10% vào năm 2030 và 15-20% vào năm 2050 so với kịch bản phát triển thông thường, theo Quy hoạch Điện Quốc gia.

Bên cạnh đó, Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) quy định đến năm 2030, có 150 tòa nhà được chứng nhận công trình xanh và 90% khu công nghiệp áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có thể tránh được đầu tư mới tới 11 GW công suất nguồn phát điện vào năm 2030, bằng cách thực hiện đầu tư toàn diện vào hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Hiệu quả năng lượng không chỉ là việc sử dụng ít năng lượng hơn, mà còn là sử dụng năng lượng một cách thông minh và tối ưu. Trong bối cảnh tài nguyên năng lượng ngày càng khan hiếm và biến đổi khí hậu đe dọa, việc nâng cao hiệu quả năng lượng trở thành một nhiệm vụ cấp bách đối với mọi quốc gia và cá nhân.

Chương trình VNEEP3 đã được triển khai là một phần không thể thiếu trong Chiến lược phát triển bền vững quốc gia, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng.

Để tận dụng hết tiềm năng sử dụng năng lượng, cần có các giải pháp chuỗi cung ứng sáng tạo và chuyển giao công nghệ, trong đó các công ty khởi nghiệp được dự đoán sẽ đóng vai trò then chốt.

Tuy nhiên, môi trường của các doanh nghiệp khởi nghiệp về lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở địa phương vẫn còn non trẻ, phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm khả năng tiếp cận tài chính hạn chế, thiếu khung chính sách phù hợp và năng lực kỹ thuật của các doanh nghiệp khởi nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn yếu.

Thông qua việc thúc đẩy đầu tư, AIS4EE sẽ đóng góp vào mục tiêu chung của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP3) do Bộ Công Thương đang triển khai, với mục tiêu phấn đấu đạt mức tiết kiệm từ 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 đến năm 2030.

Việc đẩy mạnh các giải pháp sáng tạo về hiệu quả năng lượng cũng sẽ góp phần vào quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, hướng tới đạt được các mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam đã tham gia.

Chương trình Tăng tốc khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng tiếp nhận hồ sơ đăng ký trực tuyến thông qua cổng thông tin của dự án AIS4EE. Thời hạn nộp hồ sơ là trước 9 giờ sáng ngày 25/9/2024.

Ngọc Linh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/co-hoi-nhan-tai-tro-danh-cho-startup-va-sinh-vien-trong-linh-vuc-hieu-qua-nang-luong-33113.html