Cơ hội nhiều hơn thách thức

Đó là nhận định của ThS. Nguyễn Bình Minh, Giảng viên chính Bộ môn Thương mại điện tử, Trường Đại học Thương mại. Với dấu hiệu căn bản của nền kinh tế thế giới nói chung, hành lang pháp lý đã được chuẩn hóa, thương mại điện tử năm 2024 sẽ tăng trưởng cao hơn năm 2023 khoảng 25 - 30%.

Năm 2024 sẽ tăng trưởng cao hơn

- Ông đánh giá như thế nào về bức tranh tăng trưởng và phát triển của thương mại điện tử năm 2023?

- Dù kinh tế thế giới và trong nước đối diện nhiều khó khăn, thách thức song 2023 vẫn là năm phát triển rất thành công của thương mại điện tử. Quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam dự kiến đạt 20,5 tỷ USD; tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Với kết quả đó, Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Năm qua, số lượng các nền tảng công nghệ mới, lĩnh vực mới, xu hướng mới của thương mại điện tử tiếp tục nở rộ. Đơn cử, các hoạt động livestream trực tuyến ngày càng phổ biến. Đây cũng là năm đầu tiên, một số sàn thương mại điện tử ghi nhận sự tăng trưởng với mức cao và có lợi nhuận.

- Nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, yếu tố nào giúp mang đến thành công đó, thưa ông?

- Năm 2023, Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Hai luật này ảnh hưởng nhiều đến hoạt động thương mại điện tử. Bởi lẽ, với tốc độ tăng trưởng cao thì cũng có nhiều hoạt động có thể dẫn đến sai phạm. Việc có hành lang pháp lý mới đã giúp thương mại điện tử phát triển ổn định hơn.

Bên cạnh đó, hoạt động quản lý thuế trên các sàn thương mại điện tử cũng được cải thiện rất nhiều. Ngoài ra, các tổ chức quốc tế, hiệp hội ngành nghề cũng có can thiệp mạnh mẽ bằng các việc đóng góp phổ biến bộ quy tắc, cũng như các định hướng về giao dịch thương mại điện tử an toàn, bền vững, phát triển xanh. Đó là những phạm trù mới và đang được đẩy mạnh ứng dụng, các doanh nghiệp thương mại điện tử hưởng ứng, có thay đổi theo hướng tích cực.

- Theo ông, cơ hội tăng trưởng của thương mại điện tử năm nay như thế nào?

- Dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế thế giới đang xuất hiện, lạm phát bắt đầu giảm ở các nền kinh tế lớn có thể khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh khởi sắc trở lại. Vì vậy, cung - cầu của Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt, kéo theo thương mại điện tử có thêm dư địa để phát triển, duy trì tốc độ tăng trưởng thậm chí cao hơn năm 2023.

Mặc dù nguy cơ về các cuộc chiến toàn cầu khó có thể đoán định được, vì nếu xảy ra nhiều cuộc chiến thì sẽ ảnh hưởng đến thương mại điện tử. Tuy nhiên, với dấu hiệu căn bản của nền kinh tế thế giới nói chung, hành lang pháp lý đã được chuẩn hóa, thương mại điện tử năm 2024 sẽ tốt hơn năm 2023 ở mức từ 25 - 30%.

Hướng tới sự bền vững

-Đâu là những yếu tố thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững trong thời gian tới?

- Các yếu tố thúc đẩy sự bền vững của thương mại điện tử là “ổn định - cân bằng- phát triển xanh - niềm tin - nhân lực”.

Thời gian tới, thương mại điện tử cần phải duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực và ổn định. Quan trọng là hành lang pháp lý, các chính sách phát triển cũng cần được xây dựng và triển khai. Cùng với đó, cân bằng và hài hòa lợi ích các bên liên quan, từ doanh nghiệp sản xuất, nền tảng thương mại điện tử đơn vị dịch vụ chuyển phát, thanh toán, người tiêu dùng... Thu hẹp dần khoảng cách, tiến tới cân bằng sự phát triển thương mại điện tử, giữa các vùng miền. Đặc biệt, các Hiệp hội, ngành nghề phải tích cực trợ giúp doanh nghiệp để họ mạnh mẽ ứng dụng chuyển đổi số, tiến hóa số trong lĩnh vực thương mại điện tử để tăng trưởng ổn định không bị lệch hướng.

Thực tế, thương mại điện tử có thể đóng góp nhiều vào việc tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu rác thải độc hại cho môi trường. Do đó, trong giai đoạn tiếp theo vẫn phải có những biện pháp để định hướng thị trường theo hướng lành mạnh, chuyển dần theo hướng “xanh”, bền vững giúp thương mại điện tử chuyển dịch dần từ giai đoạn bùng nổ sang phát triển bền vững một cách hiệu quả.

Tiếp đến cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật cạnh canh trên môi trường thương mại điện tử; hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm; xây dựng các quy tắc, chuẩn mực kinh doanh trên môi trường mạng để tăng niềm tin cho khách hàng.

Cuối cùng, phải quan tâm nhiều hơn đến nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại điện tử. Bởi hiện nay, chỉ có 30% nhân lực tại các công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử được đào tạo chính quy.

- Ông kỳ vọng gì về cơ chế chính sách phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới?

- Đương nhiên chúng ta phải cụ thể hóa quy định của luật pháp hơn nữa vì có rất nhiều mảng mới xuất hiện trong thương mại điện tử và có nhiều quy định luật pháp sẽ bị bất cập. Việc liên tục xây dựng các quy định mới đôi khi sẽ tạo ra rào cản cho doanh nghiệp nhưng cũng là cách điều chỉnh thị trường tốt hơn, tránh tình trạng các doanh nghiệp phát triển quá nóng, dẫn đến bị lệch hướng, không bền vững.

- Xin cảm ơn ông!

Hạnh Nhung thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/co-hoi-nhieu-hon-thach-thuc-i357438/