Cơ hội phát triển từ lợi thế logistics
Nỗ lực khai thác
Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết cấu hạ tầng công nghiệp - đô thị, hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics được chú trọng phát triển đồng bộ và toàn diện. Trong đó, hệ thống các trung tâm logistics, cảng thủy nội địa, hệ thống kho, bãi… được quy hoạch xây dựng phát triển hợp lý, có khả năng kết nối với các cảng biển, cảng sông, nhà ga, sân bay quốc tế trong khu vực.
Là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư ở trong và ngoài nước, đã tạo điều kiện cho các DN kinh doanh dịch vụ logistics của Bình Dương phát triển khá nhanh về cả số lượng lẫn chất lượng. Hệ thống kho, bãi, phương tiện vận chuyển liên tục được đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa của các DN trong tỉnh.
Tập đoàn Warburg Pincus (Hoa Kỳ) đã chọn Bình Dương đầu tư và xây dựng các dự án với nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai, nhất là dự án có quy mô 75 ha tại thành phố mới Bình Dương gồm các khu nhà xưởng công nghệ cao, kho hàng không nối dài, kho thương mại điện tử xuyên biên giới - kho phân đôi, kho ngoại quan… liên doanh. Việc phát triển kho bãi và logistics của liên doanh giữa Tập đoàn Warburg Pincus và Tổng Công ty Becamex IDC đã góp phần đắc lực vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp của tỉnh.
Việc tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng logistics là một trong những nhiệm vụ được tỉnh ưu tiên hàng đầu. Trong ảnh: Vận chuyển hàng hóa tại Công ty Cổ phần ICD Tân Cảng Sóng Thần
Ông Charles R.Kaye, Tổng Giám đốc toàn cầu Tập đoàn Warburg Pincus, chia sẻ đến nay dự án đã phát triển thành công vược bậc. Hiện với 1,5 triệu m2 sàn đã được xây dựng, là cơ sở để Tập đoàn Warburg Pincus cùng với Becamex IDC tiếp tục hợp tác triển khai thêm dự án mới về sàn thương mại điện tử xuyên biên giới và một số dự án khác.
Theo các nhà đầu tư nước ngoài, khi dịch chuyển đầu tư phải tính toán nhiều đến việc vị trí mới đó có thay đổi quá lớn chuỗi cung ứng của họ không. Sẽ khó để các DN chấp nhận một địa điểm mới không thuận lợi cho vận chuyển nguyên liệu sản xuất. Hệ thống logistics để vận chuyển hàng hóa đã sản xuất đòi hỏi tối ưu hóa chi phí trên đường xuất khẩu.
Tại lễ khởi công nhà máy thứ 6 trên thế giới vào tháng 11-2022 tại Bình Dương, ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch kiêm lãnh đạo dự án của Tập đoàn LEGO tại Việt Nam, cũng chia sẻ bên cạnh thị trường hấp dẫn, LEGO chọn Bình Dương còn bởi những lợi thế về logistics, đây cũng là một thế mạnh để tập đoàn tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Đông Nam Á và xuất khẩu sang các khu vực khác.
Tháo gỡ những “điểm nghẽn”
Đến nay, Bình Dương đã hình thành hệ thống giao thông đường bộ hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, bao gồm cả hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ cấp quốc gia và hạ tầng giao thông đường bộ cấp tỉnh, như: Tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, các phân đoạn chính thuộc tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 đi qua địa bàn, tuyến đường kết nối với tỉnh Tây Ninh, ĐT741 kết nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Bình Phước, Quốc lộ 13, cầu Bạch Đằng 2… Các công trình này đã và sẽ tạo nên một hệ thống giao thông mang tính kết nối cao với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bảo đảm tính liên thông và chuyển tiếp liên tục của hàng hóa trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành logistics của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế chưa được khơi thông để phát triển, số lượng các đơn vị đủ khả năng cung cấp các loại hình dịch vụ logistics chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn, như: Chuỗi dịch vụ logistics, e-logistics chưa nhiều và chưa hình thành các trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp và đô thị. Nhiều DN chỉ cung cấp được dịch vụ 1PL, 2PL, số lượng trung tâm lớn cung cấp được dịch vụ 3PL, 4PL, 5PL còn hạn chế. Cùng với đó, bài toán về hạ tầng giao thông, giải quyết tình trạng tắc đường, kẹt xe... vẫn chưa được xử lý hiệu quả
Theo dự thảo kế hoạch phát triển dịch vụ logistics tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh xác định mục tiêu phát triển hệ thống logistics dựa trên quan điểm coi dịch vụ logistics là một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn trong chiến lược phát triển ngành dịch vụ và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương; là yếu tố động lực thúc đẩy phát triển, đặc biệt là xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết để khai thác tối ưu những lợi thế của Bình Dương trong phát triển dịch vụ logistics, Sở Công thương đã đề xuất tỉnh các nhóm giải pháp cụ thể, mang tính trọng tâm, trọng điểm để thực hiện. Quyết liệt triển khai, bám sát quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, phù hợp với phát triển ngành dịch vụ logistics; đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là thu hút các DN có năng lực về hoạt động logistics tới nghiên cứu đầu tư; đầu tư hạ tầng, nâng cao năng lực DN và chất lượng dịch vụ logistics; đào tạo phát triển nguồn nhân lực logistics…
Mục tiêu cụ thể trong kế hoạch phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh: Giai đoạn 2022-2025: 100% trung tâm lớn sẽ đạt cấp độ trên mức 5PL (ELogistics - Logistics trên nền thương mại điện tử). Hình thành hệ thống các cảng trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Thị Tính kết nối với tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4. Đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm vệ tinh của khu vực Đông Nam bộ, là nơi tập kết hàng, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp; hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trong nước và nước ngoài...
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/co-hoi-phat-trien-tu-loi-the-logistics-a291324.html