Cơ hội quảng bá, hút khách du lịch trong những ngày lễ lớn

Những kỳ nghỉ lễ như Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4, 1/5 hay các dịp kỷ niệm lịch sử trọng đại đang mở ra cơ hội vàng để ngành du lịch quảng bá điểm đến, thu hút những dòng khách mới, đồng thời lan tỏa giá trị truyền thống, góp phần phát triển du lịch bền vững.

Những ngày lễ lớn - chất liệu tuyệt vời cho du lịch

Người lao động cả nước chuẩn bị bước vào hai kỳ nghỉ lễ là Giỗ Tổ Hùng Vương và kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 - Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á nhận định: “Đây là cơ hội vàng để lồng ghép tour du lịch với các ngày hội lớn của dân tộc để tạo nên những trải nghiệm văn hóa độc đáo cho du khách”. Theo ông Quỳnh, mô hình này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng hiệu quả. Với kho tàng di sản phong phú, Việt Nam hoàn toàn có thể biến những sự kiện lịch sử, văn hóa thành chất liệu tuyệt vời cho hành trình du lịch khám phá.

Điển hình, Điện Biên - vùng đất anh hùng - đã có bước chuyển mình ngoạn mục. Từ một điểm đến mang tính “trưng bày tĩnh”, nơi du khách chỉ ghé qua tham quan rồi rời đi, giờ đây, Điện Biên trở thành điểm đến hấp dẫn gắn với hành trình kể chuyện lịch sử sống động. Dịp Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 2024), Điện Biên thu hút hơn 52.000 lượt du khách, doanh thu đạt gần 400 tỷ đồng.

Những ngày lễ lớn là cơ hội vàng để quảng bá hình ảnh và hấp dẫn du khách, cần phải được tận dụng tốt. Tuy nhiên, du lịch là ngành kinh tế 365 ngày. Muốn phát triển bền vững, cần có kế hoạch kinh doanh dài hạn, đầu tư vào sản phẩm, thị trường mục tiêu và xúc tiến quảng bá bài bản. Muốn du lịch bứt phá, không thể chỉ trông chờ vào những dịp lễ, mà cần biến mỗi ngày là một cơ hội để kể câu chuyện Việt Nam ra thế giới.

- Ông Vũ Quốc Trí, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Tiếp nối thành công đó, Điện Biên tiếp tục đầu tư mạnh cho hạ tầng, dịch vụ và truyền thông. Nhờ đó, tỉnh đã đón được hơn 50.000 lượt du khách trong 4 ngày diễn ra Lễ hội Hoa ban năm 2025 (từ 13 - 16/3/2025). Những con số biết nói đó đã chứng minh, nếu đầu tư bài bản, gắn kết ngày kỷ niệm lớn của dân tộc và lễ hội với du lịch sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm nay, TP.HCM cũng có những bước đi đầy năng động. Cuộc thi thiết kế tour chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã kích thích sự sáng tạo của doanh nghiệp, mở ra loạt sản phẩm mới đa dạng, từ city tour, diễu binh, đến team building kết hợp hội nghị...

Các doanh nghiệp du lịch đã nhanh nhạy nắm bắt cơ hội. Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc

Vietravel cho hay: “Vietravel tung ra chuỗi tour từ nửa ngày đến 9 ngày, đưa du khách đi từ vĩ tuyến 17 về TP.HCM cũng như khai thác các tuyến du lịch nội đô gắn liền với lịch sử và văn hóa, phục vụ nhu cầu đa dạng của khách nội địa và quốc tế trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 đặc biệt năm nay”.

Còn tại Công ty Truyền thông Du lịch Việt, từ đầu tháng 3, lượng khách đặt tăng khoảng 70% so với công suất dự kiến và cao hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Phạm Anh Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty Truyền thông Du lịch Việt chia sẻ, dịp lễ 30/4 năm nay, du khách đặc biệt quan tâm đến các tour gắn với sự kiện, lễ hội như city tour kết hợp trải nghiệm diễu binh, chương trình văn nghệ.... Ngoài ra, các hoạt động văn hóa nghệ thuật đường phố và tour kết hợp hội nghị, khen thưởng, team building cũng được nhiều khách lựa chọn.

Những bài học cho tương lai

Theo ông Phạm Hải Quỳnh, để phát triển sản phẩm du lịch hiệu quả trong các dịp lễ lớn, doanh nghiệp lữ hành cần xác định kịch bản xuyên suốt từ đầu - giữa - cuối chương trình, kết hợp truyền thông hiệu quả và sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương. Truyền thông đa kênh, đặc biệt qua mạng xã hội, fanpage, kênh YouTube, TikTok… giúp lan tỏa hình ảnh điểm đến, thu hút sự quan tâm của khách hàng.

Bên cạnh đó, các tour cần đa dạng về thời lượng, giá cả, phù hợp với nhiều phân khúc. Điều quan trọng hơn cả là nội dung tour phải độc đáo, truyền cảm hứng và có chiều sâu.

Ông Quỳnh nhấn mạnh: “Du khách đi là để trải nghiệm và chi tiêu, nếu đến nơi mà không biết tiêu gì thì rất đáng tiếc. Các hoạt động phụ trợ như ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật, hội chợ, làng nghề... cần được tổ chức bài bản để giữ chân khách và mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng”.

Một vấn đề khác cũng cần được lưu tâm là chất lượng dịch vụ. Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Điện Biên, chia sẻ: “Do lượng khách tăng quá nhanh, vào cao điểm có ngày lên tới gần 20.000 người, nên công tác đón tiếp, thuyết minh bị quá tải. Nhiều đoàn chỉ có thể tham quan tự do, không có người thuyết minh chuyên nghiệp”. Đây là bài học đắt giá, cho thấy sự cần thiết của việc đào tạo nhân lực và chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng, dịch vụ.

Không thể phủ nhận, các sự kiện lớn đã mang lại nguồn lực lớn cho cộng đồng địa phương. Bà Nguyễn Thị Thanh Chuyên, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết: “Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã giúp chúng tôi thu hút nhiều nguồn lực và du khách từ các tỉnh bạn. Điều này tạo điều kiện để người dân nghèo có cơ hội đổi đời, phát triển các dịch vụ ăn uống, lưu trú, vui chơi giải trí… góp phần nâng cao thu nhập và kỹ năng làm du lịch”.

Tuy nhiên, bà Chuyên cũng lưu ý, muốn phát triển bền vững, địa phương phải có lộ trình dài hạn: “Không thể chỉ dựa vào vài ngày lễ lớn để phát triển du lịch. Phải có chiến lược rõ ràng, chỉnh trang hạ tầng, phân vùng sản phẩm, tổ chức truyền thông bài bản và liên kết các bên để tạo thành hệ sinh thái du lịch gắn kết”.

Theo ông Phạm Hải Quỳnh, từ bài học thành công của Điện Biên, các địa phương hoàn toàn có thể tận dụng sự kiện các ngày lễ lớn để xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, nhưng cần chuẩn bị sớm, bài bản, có kịch bản truyền thông dài hạn và đặc biệt chú trọng chất lượng dịch vụ.

Năm 2025 là dấu mốc đặc biệt với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Nếu biết tận dụng tốt, đây sẽ là cú huých đưa du lịch lịch sử, cách mạng trở thành dòng sản phẩm chủ lực. Tuy nhiên, điều cốt lõi vẫn là chiến lược tổng thể, từ đào tạo nhân lực đến nâng cấp dịch vụ, từ đa dạng hóa trải nghiệm đến nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc trong từng hành trình. Đó cũng chính là con đường mà du lịch Việt Nam cần kiên định theo đuổi, nếu muốn phát triển bền vững và bứt phá trong tương lai

Hạnh Phúc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/co-hoi-quang-ba-hut-khach-du-lich-trong-nhung-ngay-le-lon-d261915.html