Để Bình Định tỏa sáng trên bản đồ du lịch Việt - Bài cuối: Hướng tăng trưởng cho du lịch địa phương

'Mỗi điểm đến, mỗi danh lam thắng cảnh cần có câu chuyện riêng và các dịch vụ tăng trải nghiệm. Đây là yếu tố sống còn của các sản phẩm du lịch. Không có câu chuyện thì không hấp dẫn du khách, không có trải nghiệm thì không níu chân được du khách'.

Trên đây là khẳng định của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang, cũng là yêu cầu của lãnh đạo tỉnh đối với ngành du lịch tỉnh Bình Định khi xây dựng sản phẩm du lịch mới hấp dẫn và làm mới những sản phẩm du lịch đang khai thác trên địa bàn tỉnh, hướng đến mục tiêu thúc đẩy ngành "công nghiệp không khói" phát triển hơn.

Đường đi bộ ven biển dẫn du khách khám phá Eo Gió. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN

Đường đi bộ ven biển dẫn du khách khám phá Eo Gió. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN

Còn nhiều tiềm năng cần khai thác

Trải dài qua địa phận thành phố Quy Nhơn, các huyện Tuy Phước và Phù Cát của tỉnh Bình Định, Thị Nại là đầm lớn thứ hai trong hệ thống các đầm, phá ở Việt Nam. Với tổng diện tích mặt nước hơn 5.000 ha cùng hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, phong phú, khu vực đầm có nhiều điểm đặc sắc như: Cồn Chim, cầu Thị Nại, bán đảo Phương Mai, Tháp Thầy Bói - điểm tâm linh đậm nét riêng có của địa phương.

Từ trung tâm thành phố Quy Nhơn di chuyển khoảng 10 - 15 phút về hướng cầu Thị Nại là đến bến Du thuyền Cửu Long Gia. Từ đây, du khách sẽ lên thuyền để tham quan đầm Thị Nại trong khoảng thời gian từ 2 - 3 giờ đồng hồ. Ngồi trên thuyền, du khách thưởng thức đặc sản của Bình Định, phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh cây cầu dài thứ 2 Đông Nam Á, lên Tháp Thầy Bói tìm hiểu văn hóa tâm linh của địa phương hoặc ngắm nhìn những đàn chim lưu trú (tùy thời gian trong năm và thời điểm trong ngày). Dọc hành trình, hướng dẫn viên địa phương sẽ giúp du khách ngược dòng lịch sử giới thiệu những trận thủy chiến bi tráng giữa Champa và Đại Việt, giữa Tây Sơn và nhà Nguyễn (Nguyễn Ánh) trong suốt 5 thế kỷ.

Tour nửa ngày tham quan đầm Thị Nại là sản phẩm du lịch mới tại Quy Nhơn. Ảnh: Ngọc Bích/TTXVN

Tour nửa ngày tham quan đầm Thị Nại là sản phẩm du lịch mới tại Quy Nhơn. Ảnh: Ngọc Bích/TTXVN

Tour đầm Thị Nại nửa ngày đang được khai thác với mức giá khoảng hơn 200.000 đồng/khách. Chị Đào Thị Kim Lan (Du lịch Royal Tour) nhận xét, đây là gói sản phẩm có nhiều yếu tố hấp dẫn du khách muốn có trải nghiệm sâu lắng, nhẹ nhàng tại Quy Nhơn. Điểm hạn chế của tour tham quan này là chưa có sản phẩm lưu niệm, dịch vụ ăn, uống trên thuyền đã bao gồm trong vé, không có hoạt động tương tác nên ấn tượng du khách lưu lại chỉ là cảm xúc và những bức ảnh chụp.

Bên cạnh đó, Tháp Thầy Bói có diện tích nhỏ, khi khai thác làm điểm dừng chân trên hành trình, đơn vị khai thác cần tính toán kỹ để đảm bảo an toàn, trải nghiệm cho khách. Đồng thời, vấn đề về rác thải, vệ sinh tại đây phải được cải thiện trước khi đưa vào khai thác rộng, tránh việc khách phản hồi rồi mới khắc phục sẽ để lại ấn tượng không tốt, ảnh hướng đến du lịch.

Du khách tham quan khu vực tháp Thầy Bói - điểm tâm linh đặc biệt nằm trên đầm Thị Nại. Ảnh: Ngọc Bích/TTXVN

Du khách tham quan khu vực tháp Thầy Bói - điểm tâm linh đặc biệt nằm trên đầm Thị Nại. Ảnh: Ngọc Bích/TTXVN

Ông Nguyễn Công Chính, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định cho biết: Với những ưu ái được thiên nhiên ban tặng cùng những công trình nhân tạo, khu vực đầm Thị Nại có nhiều tiềm năng, lợi thế để khai thác du lịch sinh thái, góp phần thúc đẩy ngành du lịch địa phương phát triển. Bảo đảm an toàn cho du khách là ưu tiên hàng đầu, các doanh nghiệp tham gia khai thác tour phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn đường sông. Hiệp hội Du lịch tỉnh đang tìm kiếm thêm các hoạt động bổ sung trải nghiệm cho du khách phù hợp với điểm đến này.

Tham quan Chùa Phước Long - ngôi chùa nổi danh “Đệ nhất võ học”, nơi đang lưu giữ và phát triển võ cổ truyền Tây Sơn, du khách không khỏi trầm trồ trước những màn biểu diễn võ thuật, quyền thế của các thế hệ võ sinh tại đây. Tour “khám phá tinh hoa võ thuật” trong 1 ngày đang được các doanh nghiệp khai thác có thêm phần trải nghiệm để du khách khoác lên mình bộ trang phục võ thuật truyền thống để check-in và trải nghiệm học các thế võ tự vệ. Đây chính là cơ hội để tìm hiểu và thực hành các kỹ năng võ thuật cơ bản, từ đó không chỉ nâng cao sức khỏe, còn trải nghiệm cảm giác trở thành một chiến binh thực thụ trên mảnh đất võ thuật. Tuy nhiên, nhiều du khách khi đến đây cho rằng nghệ thuật võ nổi tiếng ở Bình Định cần được đầu tư nghiên cứu để xây dựng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn, có thể kéo dài sự lưu trú của du khách hơn là chỉ là một nội dung chiếm khoảng 1 - 2 giờ tham quan.

Làm mới sản phẩm cũ

Tháp Bánh Ít toát lên vẻ đẹp của kiến trúc Chăm cổ kính. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Tháp Bánh Ít toát lên vẻ đẹp của kiến trúc Chăm cổ kính. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Tại Bình Định hiện có 8 cụm tháp Chăm. Cụm Tháp Đôi nằm ngay trong Thành phố Quy Nhơn thuận tiện để du khách tham quan, tìm hiểu văn hóa, chụp ảnh check-in được bảo tồn rất tốt. Tại đây đã có dịch vụ thuê trang phục Chăm với mức giá chỉ 40.000 đồng/lần rất hợp lý để du khách hòa mình trải nghiệm văn hóa. Đến tham quan tháp Chăm, du khách được hướng dẫn viên tận tình chia sẻ những câu chuyện lịch sử huyền bí nơi đây.

Ông Vũ Văn Chương, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Huế cho biết, Quy Nhơn, Bình Định nổi tiếng nhất là du lịch biển, trong đó Eo Gió, Kỳ Co… đang là điểm nhấn hút khách. Bên cạnh đó, ẩm thực của Quy Nhơn, Bình Định cũng nổi tiếng. Mảnh đất này cũng là cái nôi của võ thuật truyền thống. Với những sản phẩm đang khai thác, việc xây dựng tour 3 ngày - 2 đêm đưa khách đến Quy Nhơn Bình Định là hợp lý. Tuy nhiên, tất cả các dịch vụ phục vụ du lịch biển, ẩm thực, trải nghiệm võ thuật… cần được thiết kế tinh xảo hơn, có tâm, có tầm, có hồn hơn để lưu lại những nét khác biệt về du lịch Quy Nhơn, Bình Định trong lòng du khách. Có như vậy, thương hiệu du lịch Quy Nhơn, Bình Định gắn với thương hiệu “Thành phố hạnh phúc” mới được du khách lựa chọn đến, ở lại lâu và tìm hiểu sâu hơn.

Du khách mặc trang phục của dân tộc Chăm chụp hình lưu niệm tại cụm Tháp Đôi Chăm ở thành phố Quy Nhơn. Ảnh: Ngọc Bích/TTXVN

Du khách mặc trang phục của dân tộc Chăm chụp hình lưu niệm tại cụm Tháp Đôi Chăm ở thành phố Quy Nhơn. Ảnh: Ngọc Bích/TTXVN

Việc phát triển các sản phẩm du lịch mới là một trong những yếu tố làm đa dạng, tăng sức hấp dẫn của ngành du lịch Bình Định. Trong bối cảnh vé máy bay tăng cao, du lịch bằng tàu hỏa là một trong những sản phẩm mới được tỉnh quan tâm phát triển để gắn kết giữa hai ngành đường sắt và du lịch. Tuyến đường sắt từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đến ga Quy Nhơn hoặc ga Diêu Trì khá thuận tiện với quãng đường và thời gian di chuyển không quá dài. Tuy nhiên, từ đầu Hà Nội, khách cần hơn 20 giờ đến 24 giờ để di chuyển. Điều này đặt ra nhiều thách thức không nhỏ với việc kết nối du lịch đưa khách từ đầu phía Bắc đến Quy Nhơn, Bình Định bằng tàu hỏa.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam khẳng định, hợp tác phát triển các tour du lịch đường sắt là giải pháp hiệu quả không chỉ cho du lịch các địa phương, doanh nghiệp, còn giúp ngành Đường sắt tồn tại, phát triển trong giai đoạn hiện nay. Ngành du lịch Bình Định cần tham khảo kinh nghiệm, xây dựng chính sách hợp lý để triển khai hiệu quả những chuyến tàu charter, những toa tầu riêng phục vụ khách du lịch.

Du lịch là ngành dịch vụ "làm dâu trăm họ". Do vậy, đáp ứng được càng nhiều nhu cầu, thỏa mãn được càng nhiều đòi hỏi của khách, giá trị mang về cho các hoạt động du lịch càng cao. Yêu cầu này đã, đang và sẽ tiếp tục đặt ra những bài toán để lãnh đạo tỉnh, cơ quan quản lý du lịch, sở, ngành, hiệp hội và các doanh nghiệp, đơn vị khai thác du lịch tại Bình Định tìm lời giải.

Ngọc Bích (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/du-lich/de-binh-dinh-toa-sang-tren-ban-do-du-lich-viet-bai-cuoi-huong-tang-truong-cho-du-lich-dia-phuong-20250405130806842.htm