Cơ hội rộng mở cho vật liệu xanh

Là một trong những ngành công nghiệp quan trọng, góp phần tạo nên kết cấu hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, ngành vật liệu xây dựng (VLXD) đã có những bước tiến vượt bậc về năng lực sản xuất, sản phẩm chất lượng.

Nâng cao chất lượng công trình, tiết kiệm chi phí

Hiện nay, ngành công nghiệp VLXD đã đáp ứng được nhu cầu xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng trên phạm vi toàn quốc. Nhiều sản phẩm đã tham gia thị trường xuất khẩu như clanhke, kính tiết kiệm năng lượng, gạch ốp lát, đá ốp lát, sứ vệ sinh... Phát triển VLXD đã từng bước chú trọng hơn theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Khách hàng xem các sản phẩm kính của Viglacera. Ảnh: Thành Luân

Khách hàng xem các sản phẩm kính của Viglacera. Ảnh: Thành Luân

Cho đến nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, VLXD cũng ngày càng được nghiên cứu nhiều hơn và đã sản xuất được nhiều chủng loại với các đặc tính mới ưu việt hơn, thân thiện với môi trường và có độ bền cao như: bê tông tự khôi phục, bê tông xanh, bê tông tính năng siêu cao; đá ốp lát nhân tạo...

Ví như, kính tiết kiệm năng lượng có thể giúp tiết kiệm 52% chi phí hệ thống sưởi, giảm thiểu 53% công suất hệ thống điều hòa, ngăn cản tới 99% tia UV gây hại. Công nghệ phủ PVD sen vòi có nhiều tính năng vượt trội như tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường, an toàn với sức khỏe người sử dụng, độ bền vượt trội, dễ dàng vệ sinh và đa dạng sắc màu.

Tiếp đó, những loại VLXD ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao như sản xuất sơn nước hay phụ gia cho xi măng và bê tông. Công nghệ in 3D giúp giảm thiểu lãng phí vật liệu và tiết kiệm chi phí lao động. Đồng thời, in 3D được sử dụng để tạo ra các mô hình kiến trúc chi tiết, giúp các nhà thầu và kiến trúc sư dễ dàng hình dung và điều chỉnh thiết kế trước khi triển khai xây dựng.

Vật liệu làm vách ngăn bên trong công trình (tường ngăn, vách ngăn...) cũng có xu hướng chuyển từ xây tường bằng các loại gạch sang các loại tấm bê tông rỗng, tấm compact, tấm phẳng xi măng sợi, kính, tấm thạch cao, tấm sợi khoáng tiêu âm... Vật liệu này có nhiều ưu điểm như rút ngắn thời gian thi công, linh hoạt trong sử dụng cũng như nâng cao tính thẩm mỹ, tiết kiệm được diện tích xây dựng, cách âm, cách nhiệt tốt hơn VLXD truyền thống.

KS Lê Cao Chiến - Phó Giám đốc Trung tâm thiết bị, môi trường và an toàn lao động, Viện VLXD cho biết, trên thế giới có 6 xu hướng sử dụng vật liệu xanh bao gồm: hiệu quả năng lượng trong công trình; tái chế và tái sử dụng VLXD; sử dụng vật liệu từ nguồn tài nguyên tái tạo; vật liệu thân thiện với sức khỏe con người; công nghệ sinh học và vật liệu phân hủy sinh học; sử dụng công nghệ và vật liệu thông minh.

Với sự phát triển của công nghệ sinh học và vật liệu thông minh, tương lai của ngành xây dựng xanh sẽ ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, trong bối cảnh hiện nay, VLXD xanh ngày càng thay thế dần cho VLXD truyền thống và đứng trước cơ hội phát triển rộng mở.

Về hành lang pháp lý, Việt Nam đã ban hành một hệ thống các văn bản, như Luật Bảo vệ môi trường với quy định về sản phẩm thân thiện với môi trường, mua sắm xanh và trái phiếu xanh; Quyết định số 889/2020/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định 1658/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1266/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050…

Ngoài ra, VLXD được lựa chọn là 1 trong 4 lĩnh vực đề xuất sẽ được tiếp cận, vay vốn ưu đãi xanh (nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp; năng lượng tái tạo và VLXD) nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất và phát triển bền vững của ngành, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang có nhu cầu xây dựng hạ tầng và các công trình dân dụng tương đối lớn.

Tập trung đầu tư đào tạo và phát triển nhân lực

Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển ngành VLXD xanh nhờ vào nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, tiềm năng tái chế các loại vật liệu và nhu cầu tăng cao từ xu hướng toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả các cơ hội này, cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, chính sách hỗ trợ và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của VLXD xanh.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thiếu bộ tiêu chí nhãn xanh/nhãn sinh thái/VLXD xanh, dẫn đến tồn tại không ít sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến người tiêu dùng.

Mặc dù trên thế giới đã có khoảng 465 nhãn xanh tại 199 quốc gia và bao phủ 25 ngành công nghiệp, tuy nhiên, chương trình dán nhãn xanh đều là các chương trình tự nguyện, do một tổ chức cấp giấy chứng nhận trên sản phẩm để biểu thị sự thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, chưa có hệ thống định mức về sản xuất, sử dụng VLXD xanh trong công trình xây dựng; cơ chế chính sách ưu đãi đối với việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm VLXD được gắn nhãn xanh Việt Nam/vật liệu xanh và chất lượng còn hạn chế; nguồn nhân lực từ khâu sản xuất vật liệu xanh cho đến khâu tư vấn lập dự án, thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình sử dụng vật liệu xanh chưa đáp ứng được nhu cầu.

Giám đốc Công ty TNHH Hòa Thành Building Trần Văn Hòa chia sẻ, thông thường thì một gói công trình xây dựng thi công dân dụng phần thô chiếm 30%, phần hoàn thiện thô chiếm khoảng 30 - 40% phần nội thất. Như vậy VLXD chiếm 70 - 80% tổng chi phí xây dựng một công trình, nếu sử dụng VLXD chất lượng sẽ giúp chủ thầu tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cho công tác sửa chữa, bảo trì nhờ vào việc sử dụng điện mặt trời, hệ thống thông gió tự nhiên và các giải pháp tối ưu hóa năng lượng.

Tuy nhiên, nhiều DN, chủ đầu tư chưa thực sự nhận thức đầy đủ lợi ích cơ bản dài hạn của vật liệu xanh là giảm tiêu hao năng lượng, cải thiện chất lượng không khí trong nhà, hay giảm thiểu tác động đến môi trường, việc tìm kiếm các VLXD tiết kiệm năng lượng khó khăn và thiếu nguồn nhân lực. Vì vậy, để công trình xanh tại Việt Nam được đẩy mạnh về số lượng, cũng như bảo đảm về chất lượng, việc tìm ra các giải pháp khắc phục các lo ngại trên là rất quan trọng.

"Vì vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, DN trong ngành VLXD cần chú trọng đến việc cung cấp chuỗi cung ứng hiệu quả đáp ứng nhu cầu vật liệu của công trình, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công và giảm thiểu rủi ro chi phí phát sinh.

Bên cạnh đó, đội ngũ lao động phải được đào tạo bài bản, có kỹ năng chuyên môn cao để có thể thực hiện công việc với chất lượng tốt nhất. Điều này đòi hỏi đầu tư vào đào tạo và phát triển nhân lực" - ông Trần Văn Hòa chia sẻ.

Đến nay, Việt Nam có 559 công trình với 13,6 triệu m2 diện tích sàn được chứng nhận xanh. Trong đó, Chứng chỉ EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies) chiếm tỷ lệ lớn nhất (41,80%) tổng số lượng công trình xanh. Tiếp đó là Chứng chỉ LEED (Leadership in Energy and Environmental Design) và Chứng nhận Green Mark.

Thành Luân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/co-hoi-rong-mo-cho-vat-lieu-xanh.html