Cơ hội tăng trưởng bứt phá cho hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng và sản phẩm dừa Bến Tre
Bến Tre có lợi thế và tiềm năng rất lớn để sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm dừa thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Nhằm giúp các doanh nghiệp, người kinh doanh, nguồn nhân lực trẻ của Bến Tre có thể nhanh chóng nắm bắt những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đưa sản phẩm đến với thị trường toàn cầu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, ngày 24/8, tại Bến Tre, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Amazon Global Selling Việt Nam và Sở Công Thương tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị “Thương mại điện tử xuyên biên giới cho ngành hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng và sản phẩm dừa - Cơ hội tăng trưởng bứt phá”.
Hệ sinh thái xuất khẩu xuyên biên giới
Phát biểu tại hội nghị, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm trong mấy năm qua, được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới, quy mô nền kinh tế số Việt Nam đạt 23 tỷ USD năm 2022 và dự báo đạt 49 tỷ USD vào năm 2025.
Đáng chú ý, thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn - đây là lĩnh vực tiềm năng được ưu tiên phát triển theo chủ trương của Chính phủ. Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên Amazon tăng trên 45% năm 2022. Doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới (B2C) của Việt Nam dự kiến đạt 11,1 tỷ USD vào năm 2026
Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho hay, theo Sách trắng thương mại điện tử 2022 do Cục công bố, doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình ứng dụng thương mại điện tử còn gặp nhiều trở ngại về chi phí vận hành, các quy định và năng lực hạn chế.
Với vai trò đồng hành cùng các doanh nghiệp đưa hàng Việt vươn tầm quốc tế thông qua nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, Chính phủ đã ban hành chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, mở rộng thị trường thông qua hình thức xuất khẩu trực tuyến được thể hiện tại Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 về việc hỗ trợ 50% chi phí cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử quốc tế.
Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 về việc phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử Quốc gia giai đoạn 2021-2025 đưa ra giải pháp xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng thông qua các sự kiện thương mại điện tử thường niên nhằm kích cầu thị trường trong nước và mở rộng hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, tạo môi trường cho các tổ chức, doanh nghiệp trình diễn công nghệ mới giúp nhà bán hàng và người tiêu dùng trải nghiệm mua sắm online, nâng cao kỹ năng và mở rộng quy mô thị trường thương mại điện tử.
Cùng với đó, Quyết định 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022 về việc phê duyệt Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2030” đặt mục tiêu hỗ trợ 5.000 lượt doanh nghiệp xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới…
“Nhằm hiện thực hóa cơ chế, chính sách này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua Hệ sinh thái xuất khẩu xuyên biên giới bởi việc cung cấp cơ hội giao thương, báo cáo thị trường trên Cổng thông tin thị trường xuất khẩu (www.vietnamexport.com); Nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu www.ECVN.com; Hệ thống hội chợ triển lãm thực tế ảo www.IFAIR.vn và phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp khai form xuất xứ điện tử www.Vsign.vn” - bà Oanh cho hay.
Đồng thời, ngày 8/6/2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã cùng Amazon Global Selling ký thỏa thuận hợp tác triển khai Sáng kiến “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” với mục tiêu hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử xuyên biên giới cho doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026, từ đó nâng cao năng lực và mở ra cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp địa phương thông qua thương mại điện tử.
Kết quả, trong năm 2022, đã có 1300 doanh nghiệp tham gia chương trình và được chia sẻ thông tin, kiến thức thông qua 9 khóa đào tạo do Amazon Global Selling và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với các Sở Công Thương đồng tổ chức.
Mục tiêu, trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Amazon Global Selling sẽ tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo và hoạt động thực tế nhằm nâng cao kỹ năng cho các doanh nghiệp Việt Nam tự tin gia nhập thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới một cách hiệu quả.
“Trong những năm tới, sẽ có một loạt các sự kiện với các chủ đề tập trung vào các ngành tiềm năng, chia sẻ những câu chuyện thành công và kiến tạo chuỗi phân phối toàn cầu. Các hoạt động này hứa hẹn sẽ mang đến những kiến thức và thông tin cụ thể về thương mại điện tử xuyên biên giới cho các doanh nghiệp Việt Nam” - bà Oanh nói.
Cơ hội cho doanh nghiệp Bến Tre
Báo cáo hoạt động 2022 của Amazon dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam cũng công bố danh mục, nhóm sản phẩm bán chạy hàng đầu trên Amazon từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bao gồm: Đồ gia dụng, dụng cụ nhà bếp, sản phẩm dệt may và đồ chăm sóc sức khỏe… Trong năm 2022, hơn 10 triệu sản phẩm của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam được bán cho khách hàng Amazon trên toàn cầu như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh, Bến Tre với lợi thế là quê hương của dừa, nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa của Bến Tre rất phát triển với nhiều cơ sở làng nghề quy mô từ nhỏ tới lớn. Vận dụng kỹ thuật ngày càng tân tiến, hiện đại, sản phẩm mỹ nghệ từ dừa của Bến Tre đã ngày một khẳng định vị trí trên thị trường trong nước và quốc tế.
“Hội nghị này sẽ giúp doanh nghiệp và nhà bán hàng tại Bến Tre tìm hiểu sâu hơn về định hướng kinh doanh, nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu toàn cầu, tối ưu trải nghiệm khách hàng và marketing trong thương mại điện tử xuyên biên giới, nhanh chóng nắm bắt những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đưa sản phẩm Việt Nam đến với thị trường toàn cầu thông qua Amazon” - bà Oanh khẳng định.
Bàn về những thế mạnh của thương mại điện tử xuyên biên giới, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre cho rằng, thương mại điện tử xuyên biên giới tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là khi các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp cận loại hình thương mại này, các doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, thương mại điện tử xuyên biên giới còn khá mới mẻ với nhiều quy trình, quy định phức tạp về mặt pháp lý, thủ tục và tài chính của nước xuất khẩu, nước nhập khẩu và các nền tảng thương mại điện tử quốc tế, cũng như những khó khăn trong vận chuyển, bảo quản hàng hóa, khâu thông quan hàng hóa... Đây chính là những vấn đề mà các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu, nắm bắt cụ thể.
Tại Hội nghị, các được nghe đại diện Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ tổng quan về thương mại điện tử xuyên biên giới và cơ hội cho doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ, quà tặng của Việt Nam; hành trình bán hàng trên Amazon; những lưu ý quan trọng khi kinh doanh trên Amazon; xây dựng và bảo vệ thương hiệu toàn cầu cùng Amazon; giải pháp hoàn thiện đơn hàng và những lưu ý khi kinh doanh trên Amazon. Đồng thời chia sẻ các câu chuyện thực tế trong quá trình đồng hành cùng doanh nghiệp khi kinh doanh trên Amazon…