Cơ hội tăng trưởng xuất khẩu nông sản vùng Tây Nguyên

Chỉ còn mấy ngày nữa là bước sang năm mới Ất Tỵ. Với những người nông dân gắn cả đời mình với nương rẫy, ruộng đồng thì năm âm lịch với những mùa, tiết, thời vụ, chuyện nước-phân-giống… luôn là điều không thể quên.

 Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Trong năm Giáp Thìn 2024, giữa bao nhiêu thuận lợi, khó khăn đan xen về khí hậu, thời tiết, sản lượng, giá cả, thị trường… nông dân Tây Nguyên vẫn biết cách chọn cho mình một hướng đi có lợi nhất, tận dụng cơ hội khi các nước nhập khẩu lớn thay đổi chính sách để hạn chế thiệt hại, mở rộng quy mô sản xuất, đưa sản phẩm thế mạnh của địa phương ra thế giới.

Năm qua, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường nhập khẩu tiềm năng của một số mặt hàng nông sản Việt Nam như cao su, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, rau quả, tổ yến cùng các loại dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, nấm linh chi đỏ, đinh lăng, hà thủ ô, đương quy, hoa hòe…

Những thế mạnh ấy đang phát huy tại Tây Nguyên khi nơi đây sở hữu 5 triệu ha đất nông nghiệp (hơn 1/3 là đất bazan), cùng những lợi thế riêng về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng chủ lực của cả nước, đưa kim ngạch xuất khẩu cả vùng trong 3 năm trở lại đây luôn đạt từ 3,7 đến gần 4 tỷ USD.

Cao su, cà phê, hồ tiêu, sầu riêng được giá trong năm 2024 đem đến hy vọng tăng trưởng mạnh xuất khẩu cho các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng. Hiện Gia Lai có hơn 100 ngàn ha cà phê với sản lượng hơn 315 ngàn tấn/năm (chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh); hơn 7.700 ha hồ tiêu với sản lượng hơn 23.300 tấn/năm; hơn 84 ngàn ha cao su với sản lượng mủ khô hơn 79 ngàn tấn/năm; hơn 30 ngàn ha cây ăn quả các loại; gần 80 ngàn ha mì với sản lượng hơn 1,6 triệu tấn/năm… cùng nhiều loại nông sản khác là nguồn nguyên liệu phong phú cho chế biến và xuất khẩu.

Trong 3 năm gần đây, xuất khẩu trái cây của Gia Lai đạt kim ngạch bình quân 120-150 triệu USD/năm. Toàn tỉnh có 227 mã số vùng trồng với diện tích gần 9.670 ha và 38 mã số cơ sở đóng gói với tổng công suất 1.500-1.700 tấn quả tươi/ngày, chủ yếu là trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ...

Một số loại trái cây tươi của Gia Lai như: sầu riêng, chuối, chanh dây… đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường lớn, thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản. Xuất khẩu nông sản được xác định là thế mạnh của tỉnh.

Ðề án “Phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả đến năm 2030, định hướng đến năm 2040” của tỉnh đặt mục tiêu mở rộng diện tích cây ăn quả lên khoảng 100 ngàn ha vào năm 2040; khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm chế biến sâu phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu sang các thị trường phát triển như EU, Mỹ, Australia và Nhật Bản.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 5,5 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với kỷ lục cũ dù sản lượng giảm là nhờ giá cà phê tăng mạnh từ 2.500 USD/tấn lên hơn 4.000 USD/tấn, kéo giá trong nước lên 100-134 ngàn đồng/kg. Đây là một năm bội thu cho nông dân Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng.

Việc một số thị trường lớn như Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu chính ngạch 15 loại trái cây đã giúp xuất khẩu rau quả năm 2024 của Việt Nam đạt mức cao lịch sử với 7,12 tỷ USD, trong đó, sầu riêng đóng góp hơn 3 tỷ USD.

Dự báo năm 2025, ngành nông nghiệp có thể gặp khó khăn do biến động kinh tế toàn cầu, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và thặng dư thương mại cao với Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, tiềm năng sản xuất và năng lực xuất khẩu của Việt Nam vẫn sẽ giúp duy trì tốc độ tăng trưởng, nếu chúng ta chủ động nắm bắt thời cơ, thích ứng với thị trường.

Xác định xuất khẩu nông sản là thế mạnh với tỷ trọng chiếm hơn 83% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, Gia Lai tập trung phát triển các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cà phê, hồ tiêu, hạt điều, mủ cao su, hoa quả đóng hộp, nước ép trái cây, các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3-4 sao…

“Từ trang trại tới bàn ăn” là chiến lược phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, nhất là với nông sản xuất khẩu. Tuy nhiên, nói thì dễ, làm lại khó. Vì thế, việc thành lập các trang trại lớn hoặc hiệp hội sản xuất rau quả liên vùng là cần thiết để hình thành vùng chuyên canh, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp cải thiện khả năng cạnh tranh và cung cấp sự đảm bảo cho khách hàng khi mua và tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, cần tổ chức tốt khâu sản xuất và chế biến theo hướng hữu cơ, đảm bảo chất lượng nông sản; đồng thời, canh tác các loại cây trồng chủ lực theo các tiêu chuẩn GlobalGAP, 4C, Organic, FLO… mà thị trường đặt ra.

ĐÌNH CƯƠNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/co-hoi-tang-truong-xuat-khau-nong-san-vung-tay-nguyen-post308758.html