Cần sớm xét nghiệm chất Vàng O để gỡ ách tắc cho sầu riêng xuất sang Trung Quốc

Việc sầu riêng gặp khó khi xuất khẩu sang Trung Quốc khiến kim ngạch xuất khẩu tháng đầu năm 2025 từ dự báo tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái trở thành sụt giảm. Trong khi đó, Việt Nam lại chưa có cơ quan nào được chỉ định xét nghiệm chất Vàng O.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ trái cây lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: Trung Chánh

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ trái cây lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: Trung Chánh

Việc Trung Quốc kiểm soát chất Vàng O (*) trên trái sầu riêng - loại trái cây “vua” trong xuất khẩu của ngành rau quả Việt Nam hiện nay - đã lập tức có những tác động kém tích cực đến toàn ngành.

Từ dự báo tăng trở thành sụt giảm trong thực tế

Trong một báo cáo của Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) năm 2024 đã chỉ ra một chi tiết, đó là tỷ trọng xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng gia tăng, mức độ phụ thuộc vào thị trường này ngày càng lớn.

Theo đó, nếu năm 2022, tỷ trọng rau quả Việt Nam xuất sang Trung Quốc chiếm 45,5% toàn ngành, thì năm 2023 chiếm 65%. Trong khi đó, một số thị trường cao cấp khác đang có xu hướng ngược lại, bao gồm Mỹ từ 7,4% năm 2022 giảm xuống còn 4,6%; Hàn Quốc 5,4% giảm còn 4%; Nhật Bản từ 4,9% giảm còn 3,1%.

Riêng năm 2024, báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, tỷ trọng kim ngạch rau quả Việt Nam xuất sang Trung Quốc chiếm trên 65% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước (xuất khẩu rau quả cả nước đạt khoảng 7,1 tỉ đô la Mỹ năm 2024). Đây là con số cho thấy Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu rau quả quan trọng nhất của Việt Nam.

Nếu xét về sản phẩm, sầu riêng là loại trái cây có giá trị xuất khẩu lớn nhất của ngành rau quả Việt Nam. Năm 2024, sầu riêng mang về cho Việt Nam khoảng 3,2 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu, trong đó Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất với tỷ trọng chiếm hơn 90% giá trị.

Trao đổi với KTSG Online, TS Lương Ngọc Trung Lập, chuyên gia phân tích thị trường ngành rau quả nhấn mạnh, nhu cầu thị trường Trung Quốc đối với rau Việt Nam quả là rất lớn. “Dịp Tết này, nhu cầu của họ rất cao, giá cũng tăng, nhưng do mình không đáp ứng được yêu cầu nên gặp khó”, ông nhấn mạnh và nói rằng, sầu riêng Việt Nam vẫn còn tiềm năng lớn hơn ở thị trường Trung Quốc chứ không dừng ở mức 3 tỉ đô la.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) cũng xác nhận, nhu cầu rau quả của Trung Quốc, nhất là sầu riêng đang rất lớn, nhưng nguồn cung khan hiếm do vướng quy định kiểm soát chất Vàng O.

Việc xuất khẩu mặt hàng có kim ngạch lớn nhất trong ngành hàng rau quả sang thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc “có vấn đề”, khiến kim ngạch xuất khẩu tháng đầu năm 2025 từ dự báo tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái trở thành sụt giảm. “Vinafruit tính toán sơ bộ tháng 1-2025 chỉ đạt 420 triệu đô la Mỹ, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Nguyên dẫn chứng và cho rằng, sầu riêng không xuất khẩu được sang Trung Quốc chính là lý do dẫn đến sụt giảm.

Sầu riêng gặp khó sau khi Trung Quốc kiểm soát chất Vàng O. Ảnh: Trung Chánh

Sầu riêng gặp khó sau khi Trung Quốc kiểm soát chất Vàng O. Ảnh: Trung Chánh

Cần sớm chỉ định cơ quan kiểm nghiệm chất Vàng O

Ông Lập cho biết, xuất phát từ vụ việc lô hàng sầu riêng của Thái Lan bị Trung Quốc phát hiện chất Vàng O. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có bất cứ cơ quan/đơn vị nào được chỉ định xét nghiệm, cấp giấy chứng nhận chất Vàng O, trong khi sầu riêng muốn xuất sang Trung Quốc phải có giấy xác nhận, khiến xuất khẩu bị đình trệ.

Ông Nguyên của Vinafruit cũng xác nhận, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có đơn vị được chỉ định kiểm nghiệm cấp giấy xác nhận chất Vàng O. “Dù chúng ta không sử dụng, nhưng không có giấy xác nhận thì phía Trung Quốc cũng đâu có tin”, ông nhấn mạnh.

Phía Trung Quốc đưa ra thông báo kiểm soát chất Vàng O và áp dụng ngay, khiến doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng Việt Nam không có thời gian chuẩn bị. “Điều này, làm nhiều lô hàng xuất khẩu không xử lý không kịp nên có hàng loạt xe container phải nằm chờ hoặc quay đầu vì không thể tiếp tục chờ”, ông Lập giải thích.

Song song với tình trạng nêu trên, Việt Nam đang vào giai đoạn của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ cộng với chính sách tinh giảm biên chế và những khó khăn trong vận tải do áp dụng quy định mới, khiến giá sầu riêng giảm mạnh. “Tất cả những yếu tố này cộng lại gây ảnh hưởng rất lớn cho giá sâu riêng”, ông Lập giải thích và cho biết, sầu riêng Ri6 loại 1 (tại vựa) hiện chỉ còn 70.000-75.000 đồng/kg, giảm 50.000-60.000 đồng/kg so với mức giá hồi đầu tháng 1-2025.

Ông Nguyên của Vinafruit cũng xác nhận, giá sầu riêng vụ nghịch ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đã giảm giá rất mạnh do chủ yếu chỉ được bán nội địa, xuất khẩu rất hạn chế vì không có đơn vị đứng ra kiểm định chất Vàng O.

Trước vấn đề nêu trên, ông Nguyên đề nghị, phía Việt Nam cần nhanh chóng có cơ quan/đầu mối làm việc ngay với Trung Quốc nhằm thống nhất đơn vị/đầu mối kiểm nghiệm, cấp giấy xác nhận chất Vàng Ô để được thông quan. “Nếu không đàm phán hai bên để tháo gỡ ách tắt, thì tháng 3 tới khi mùa vụ miền Tây đến sẽ còn ách tắc dữ dội hơn”, ông nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Lập yêu cầu nhanh chóng thống nhất với Trung Quốc về đầu mối kiểm nghiệm, chứng nhận cho các lô hàng, bởi đây là giấy phép để được thông quan. “Họ đã cho mình xuất khẩu chính ngạch, nhưng đây (giấy xét nghiệm chất Vàng O) là hàng rào kỹ thuật phải vượt qua”, ông nhấn mạnh.

Vàng O (Yellow O, Auramine O) có tên hóa học là Diarylmethane. Chất này chỉ được sử dụng trong công nghiệp, dùng để nhuộm vải hay giấy, không được phép sử dụng trong thực phẩm. Vì Vàng O là chất độc hại đối với cơ thể sinh vật nên Tổ chức Ung thư thế giới (IARC) xếp vào chất gây ung thư nhóm 3, tức là có khả năng gây ung thư cao.

Tuy nhiên, Vàng O vẫn bị sử dụng trên sầu riêng nhằm tạo màu vàng tươi, đẹp mắt cho trái, cho nên tất cả các quốc gia xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đều bị kiểm soát.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/can-som-xet-nghiem-chat-vang-o-de-go-ach-tac-cho-sau-rieng-xuat-sang-trung-quoc/