Cơ hội thay đổi hay nguy cơ chia rẽ?

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thúc đẩy Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm chính mình để mở đường cho một cuộc bầu cử sớm vào tháng 2.2025. Ông Scholz cho rằng, bầu cử sớm sẽ là giải pháp để ngăn chặn nguy cơ chia rẽ, trong khi các nhà quan sát lo ngại, điều này càng khiến tình trạng bất ổn chính trị tại nền kinh tế mạnh nhất châu Âu thêm trầm trọng trong bối cảnh nước Đức đang phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế và an ninh.

 Thủ tướng Olaf Scholz phát biểu tại Quốc hội ngày 16.12. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Olaf Scholz phát biểu tại Quốc hội ngày 16.12. Ảnh: Reuters

Kết quả không bất ngờ

Theo New York Times, Quốc hội Đức tối ngày 16.12 (theo giờ Đức) đã tiến hành phiên bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz; trong đó 394 nhà lập pháp Đức ủng hộ việc giải tán chính phủ hiện tại, cao hơn nhiều con số 207 phiếu phản đối giải tán chính phủ và 116 phiếu trắng. Kết quả này hoàn toàn không bất ngờ vì trong những tuần qua, các chính đảng lớn trong Quốc hội Đức đã đạt được đồng thuận về cuộc bầu cử mới, dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 23.2.2025, sớm hơn 7 tháng so với kế hoạch.

Theo Luật Cơ bản (Hiến pháp) của Đức, sau khi nhận được yêu cầu của Thủ tướng, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier sẽ ra quyết định giải tán Quốc hội Liên bang trong vòng 21 ngày, và cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày sau đó. Theo đó, Tổng thống Đức sẽ sớm ra quyết định giải tán Quốc hội, giải tán chính phủ đương nhiệm của ông Scholz và lập một chính phủ lâm thời điều hành đất nước cho đến khi một cuộc tổng tuyển cử được tiến hành. The Guardian cho biết, Thủ tướng Scholz sẽ tiếp tục điều hành Chính phủ Đức từ nay đến khi chính quyền mới tại Đức được thành lập.

Trong 75 năm qua, đây mới là cuộc bầu cử sớm thứ tư diễn ra ở Đức, phản ánh “một kỷ nguyên mới của nền chính trị thiếu ổn định và chia rẽ hơn ở một quốc gia từ lâu được biết đến với các liên minh chính trị bền vững được xây dựng trên sự đồng thuận”. Trong bài phát biểu tại Quốc hội ngày 16.12 trước cuộc bỏ phiếu, ông Scholz khẳng định ông thúc đẩy bầu cử sớm để ngăn chặn tình trạng mất đoàn kết trong chính phủ, vốn có thể gây ra nhiều thiệt hại.

Ông Olaf Scholz, 66 tuổi, nhậm chức tháng 12.2021, thay thế chính trị gia bảo thủ Angela Merkel (tại nhiệm đến 16 năm). Song, vì không đảng nào thiết lập được thế đa số tại Quốc hội nên đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông phải lập liên minh với đảng Xanh cùng đảng Dân chủ Tự do (FDP). Thời gian qua, Liên minh ba đảng không đạt được tiếng nói chung về cách giải quyết loạt vấn đề như vực dậy kinh tế quốc gia, cuộc xung đột Nga - Ukraine và sự cạnh tranh của Trung Quốc. Mâu thuẫn giữa 3 đảng bùng nổ vào tháng 11.2024, sau khi ông Scholz sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner của đảng FDP vì tranh cãi về ngân sách liên bang.

Diễn biến này đã đẩy chính trường Đức vào bất ổn, giữa lúc kinh tế nước này chật vật vì giá năng lượng cao và phải đối phó với sự cạnh tranh mạnh từ bên ngoài. Về địa chính trị, Đức đang đối mặt với nhiệm kỳ hai của Tổng thống đắc cử Donald Trump, có nguy cơ đưa đến bất ổn về quan hệ thương mại song phương và tương lai NATO. Tình trạng bất ổn chính trị có khả năng kéo dài một tháng hoặc lâu hơn, khi chính phủ thường trực mới sẽ không được thành lập cho đến khi các đảng thống nhất về một liên minh, có thể là vào tháng 4 hoặc tháng 5 năm sau.

Các chính đảng chuẩn bị tranh cử

Hiệncác chính đảng đang tích cực chuẩn bị và sẽ công bố chương trình tranh cử trong những ngày tới. Theo đó, 7 đảng chính trị lớn sẽ tham gia chiến dịch tranh cử, trong đó Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của cựu Thủ tướng Angela Merkel hiện có tỷ lệ ủng hộ lớn nhất trong cử tri, và đã lựa chọn ông Friedrich Merz làm ứng viên Thủ tướng trong kỳ bầu cử tới.

Theo các chuyên gia, các vấn đề về kinh tế sẽ là mối quan tâm hàng đầu trong cuộc bầu cử sắp tới. Theo ước tính của Bloomberg Economics, sau 5 năm tăng trưởng trì trệ, tăng trưởng kinh tế Đức hiện nay thấp hơn 5 điểm phần trăm so với mức lẽ ra đạt được nếu duy trì được đà tăng trưởng trước đại dịch Covid-19. Điều đáng lo ngại hơn là, phần lớn đà suy giảm này sẽ rất khó phục hồi. Do đó, cuộc bầu cử sớm sẽ mở ra cơ hội thay đổi hướng đi của nền kinh tế Đức, tuy nhiên, Chính phủ Đức hiện vẫn đang thiếu những chính sách tham vọng để giải quyết các thách thức cốt lõi.

Thêm vào đó, Giáo sư chính trị học Moritz Schularick của Viện nghiên cứu Kinh tế Kiel cảnh báo viễn cảnh Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump quay lại nắm quyền sẽ đem lại cho kinh tế Đức nhiều thách thức hơn nữa. Ông nhấn mạnh rằng: "Ngoài khủng hoảng cơ cấu kinh tế nội địa, đất nước còn phải đối mặt thách thức lớn về chính sách an ninh và chính sách đối ngoại. Tổng thống Donald Trump có thể áp thuế cũng như hạn chế nhập khẩu, tạo thêm áp lực với tăng trưởng kinh tế của Đức lẫn của châu Âu”.

Bên cạnh vấn đề kinh tế, trong những ngày gần đây, các cuộc tranh luận nổi lên về việc liệu những người Syria đến Đức với tư cách là người tị nạn để thoát khỏi chiến tranh có nên được khuyến khích trở về hay không kể từ khi chính quyền Assad sụp đổ. Đã có những lời kêu gọi từ phe đối lập bảo thủ cũng như đảng cực hữu Sự thay thế cho nước Đức (AfD) về việc xem xét lại triệt để chính sách tị nạn đối với người Syria.

Ông Olaf Scholz vẫn khẳng định sẽ tiếp tục chạy đua vào ghế Thủ tướng Đức, dù tỷ lệ ủng hộ trong cử tri dành cho SPD khá thấp - hiện chỉ vào khoảng 16%. Nếu được trao nhiệm kỳ hai, ông Scholz cho biết sẽ đầu tư mạnh tay vào hạ tầng thay vì cắt giảm chi tiêu như phe bảo thủ mong muốn. Các chuyên gia nhận định rằng, ông Scholz sẽ phải hành động quyết liệt hơn để thuyết phục cử tri trao cho ông một cơ hội nữa. Trong khi đó, ông Friedrich Merz, lãnh đạo Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), là một nhân vật kỳ cựu trên chính trường, được nhiều người kỳ vọng sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo. Được biết, chiến dịch của ông Friedrich Merz sẽ tập trung vào các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu, bao gồm khuyến khích việc làm và cắt giảm thuế. Phát biểu trước các nhà lập pháp hôm 11.12, ông Merz cho rằng, kế hoạch chi tiêu của ông Scholz sẽ là “gánh nặng cho các thế hệ tương lai” và cáo buộc chính phủ của ông đang khiến đất nước rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử hậu chiến.

Bên cạnh đó, 3 chính đảng khác cũng do các chính trị gia nổi tiếng lãnh đạo, trong đó có hai người giữ các chức vụ quan trọng trong chính phủ hiện tại, gồm ông Christian Lindner - người đứng đầu đảng Dân chủ Tự do ủng hộ doanh nghiệp; và ông Robert Habeck - Bộ trưởng Kinh tế và là ứng viên hàng đầu của đảng Xanh thiên tả.

Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh chính trị bất ổn của Đức, không một đảng nào có khả năng giành được đa số phiếu tuyệt đối, và điều đó có thể dẫn đến các cuộc đàm phán khó khăn nhằm xây dựng một liên minh hoạt động hiệu quả và bền vững hơn so với liên minh đã thất bại.

Năm sóng gió của EU

Việc ông Olaf Scholz thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm cũng phản ánh tình hình rối ren của Liên minh châu Âu (EU). Trước đó, một cường quốc châu Âu khác là Pháp đang chìm trong bất ổn, khi Quốc hội Pháp cũng đã bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với thủ tướng lúc bấy giờ là ông Michel Barnier. Điều này buộc ông Barnier từ chức và mở đường cho ông François Bayrou lên thay, đánh dấu nước Pháp có bốn thủ tướng trong một năm. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định vẫn sẽ tiếp tục tại vị và cố gắng hàn gắn những rạn nứt sâu sắc trong chính phủ về ngân sách năm 2025. Như vậy chỉ trong chưa đầy hai tuần, chính phủ của hai nền kinh tế lớn nhất EU đều đã bị quốc hội nước mình bất tín nhiệm.

Hai cường quốc bất ổn đẩy lục địa già vào thế khó ngay trước lúc ông Donald Trump tái nắm quyền, đem đến nguy cơ căng thẳng thương mại Mỹ - châu Âu. Cả Đức và Pháp đều đang sa lầy trong các cuộc tranh luận về cách nào tốt nhất để phục hồi nền kinh tế đang gặp khó khăn, thu hẹp khoảng cách xã hội ngày càng gia tăng, xoa dịu nỗi lo lắng của cử tri về vấn đề nhập cư và củng cố quốc phòng. Mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc cũng gây lo ngại, khi quốc gia này đã phát triển thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm đối với nhiều ngành công nghiệp quan trọng nhất của Pháp và Đức.

Khi châu Âu bước vào năm 2025, con đường phía trước vẫn còn nhiều bất định. Lục địa này phải điều hướng nhiều thách thức phức tạp, bao gồm nguy cơ căng thẳng thương mại với Mỹ, nhu cầu tăng chi tiêu quốc phòng, thúc đẩy phục hồi kinh tế và sự phân mảnh chính trị nội bộ. Do đó, khả năng Pháp và Đức phục hồi ổn định chính trị sẽ là điều kiện then chốt trong việc xác định quỹ đạo kinh tế của châu Âu.

Châu Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/co-hoi-thay-doi-hay-nguy-co-chia-re-post399729.html