Cơ hội thu hút doanh nghiệp Singapore vào TP Hồ Chí Minh
Việc triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh đang tạo ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp Singapore đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực mà hai bên có lợi thế và nhu cầu như cơ sở hạ tầng, nguyên vật liệu mới, dịch vụ tài chính…
Đây là nội dung được trao đổi tại Chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh và doanh nghiệp Singapore do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Singapore tại Tp. Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 19/12.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, quan hệ Việt Nam và Singapore không ngừng phát triển và mở rộng trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại, đầu tư tới ngoại giao, an ninh, quốc phòng, đặc biệt là kinh tế. Với kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 9,1 tỷ USD năm 2022, Singapore trở thành đối tác thương mại lớn thứ 5 và đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam tại ASEAN. Riêng tại Tp. Hồ Chí Minh, Singapore luôn là nhà đầu tư lớn nhất. Lũy kế đến hết tháng 11/2023, Singapore có 1.821 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư hơn 14,2 tỷ USD, chiếm gần 25% tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn thành phố.
Theo ông Phan Văn Mãi, nguồn vốn FDI có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, do đó thời gian qua Tp. Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài hiện hữu cũng như nhà đầu tư có mong muốn hợp tác cùng thành phố.
Ông Kho Ngee Seng Roy, Tổng Lãnh sự Singapore tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết, doanh nghiệp Singapore đánh giá Việt Nam, bao gồm Tp. Hồ Chí Minh là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Các doanh nghiệp Singapore có nhu cầu đầu tư ra nước ngoài đều nghĩ đến Việt Nam đầu tiên; trong đó, Tp. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế năng động, cửa ngõ giao lưu quốc tế không chỉ của Việt Nam mà còn cả khu vực.
Những năm qua, Singapore đã khẳng định vị trí nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu của Tp. Hồ Chí Minh nhưng vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp mong muốn tìm kiếm các cơ hội hợp tác, đầu tư vào thành phố. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn phía Tp. Hồ Chí Minh sẽ chia sẻ thông tin, cập nhật các nhu cầu, ưu tiên trong thu hút đầu tư của thành phố, đặc biệt trong bối cảnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh.
Chia sẻ về định hướng thu hút đầu tư của Tp. Hồ Chí Minh, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Tp. Hồ Chí Minh hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao; xây dựng trung tâm tài chính của khu vực, trung tâm công nghệ số và công nghệ thông tin.
Trong ngắn và trung hạn, Tp. Hồ Chí Minh ưu tiên thu hút ngành kinh tế số; kinh tế phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 như công nghệ vi điện tử, bán dẫn và công nghệ thông tin như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano; ngành tự động hóa, cơ khí chính xác; vật liệu mới, dược phẩm, công nghiệp sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch…
Song song đó, Tp. Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ. Trong dài hạn, Tp. Hồ Chí Minh ưu tiên dự án đầu tư có công nghệ cao, bảo đảm tiêu chuẩn về môi trường, thu hút lao động có kỹ năng của các công ty đa quốc gia lớn gắn với yêu cầu phải chuyển giao tri thức, công nghệ và quản trị; nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Đáng chú ý, triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15, Tp. Hồ Chí Minh có nhu cầu huy động nguồn vốn lớn để phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, hạ tầng công nghệ. Theo đó, Tp. Hồ Chí Minh đẩy mạnh thu hút đầu tư rất nhiều dự án giao thông nhằm hoàn thiện mạng lưới kết nối nội đô như các tuyến metro, hệ thống giao thông công cộng, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ…
Bên cạnh đó, còn có các dự án cao tốc, đường vành đai nhằm kết nối Tp. Hồ Chí Minh với tỉnh Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với tổng vốn đầu tư ước tính lên đến trên 120 triệu USD dự báo tác động lớn đến hoạt động thương mại, logistics của khu vực.
Đó chính là cơ hội lớn để các nhà đầu tư nước ngoài; trong đó, có Singapore tham gia đầu tư tài chính, cung cấp giải pháp quản lý dự án và vận hành mở rộng hợp tác phát triển với đối tác tại Tp. Hồ Chí Minh. Ngoài giao thông, Tp. Hồ Chí Minh cũng chú trọng phát triển hạ tầng xã hội như hệ thống các cơ sở giáo dục, đại học, chăm sóc sức khỏe chuyên sâu; tập trung xây dựng các trung tâm dữ liệu phục vụ nhu cầu chuyển đổi số… đều là những lĩnh vực Singapore giàu kinh nghiệm và thế mạnh có thể tham gia.
Trao đổi tại chương trình, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư Singapore cho biết, Tp. Hồ Chí Minh luôn nằm trong ưu tiên mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh của họ, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, xuất nhập khẩu, ứng dụng công nghệ cao… Tp. Hồ Chí Minh là địa phương tích cực trong việc thường xuyên trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn và chia sẻ cơ hội hợp tác cùng nhau. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề như vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng, phê duyệt cấp phép đầu tư dự án bất động sản còn chậm, cơ chế hoạt động của các công ty tài chính chưa rõ ràng… ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của nhà đầu tư, cần được cải thiện.
Ghi nhận những ý kiến của doanh nghiệp, ông Phan Văn Mãi cho biết, những vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh sẽ được được chính quyền thành phố lắng nghe, giải quyết trong thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết một cách sớm nhất. Đồng thời, mong muốn doanh nghiệp Singapore sẽ tiếp tục góp ý giúp Tp. Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.
“Tp. Hồ Chí Minh cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu về hạ tầng, môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch của doanh nghiệp. Thành phố luôn hỗ trợ, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài; trong đó có doanh nghiệp Singapore đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, an toàn và lâu dài tại Tp. Hồ Chí Minh”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.