Cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam - Nam Phi ngày càng rộng mở
Tọa đàm hợp tác kinh tế Việt Nam - Nam Phi là sự kiện quan trọng diễn ra trong khuôn khổ 'Ngày Việt Nam ở nước ngoài' lần đầu tiên được tổ chức tại Nam Phi chào mừng kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Tiềm năng phát triển kinh tế Việt Nam - Nam Phi còn lớn
Nhân chuyến thăm chính thức Nam Phi của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân từ ngày 13-16/9/2023, trong ngày 14/9/2023 Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đã phối hợp tổ chức “Tọa đàm hợp tác kinh tế Việt Nam - Nam Phi”. Tọa đàm có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Cạnh tranh Nam Phi, Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi cùng hơn 150 doanh nghiệp đến từ hai nước trong các lĩnh vực năng lượng, nông sản, dược phẩm…
Phát biểu tại tọa đàm, đại diện Bộ Công thương Việt Nam cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực và thế giới với quy mô GDP gần 410 tỷ USD, thuộc Top 3 ASEAN. Số liệu thống kê năm 2022 ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 8,02% là mức cao nhất trong 12 năm qua. Về ngoại thương, Việt Nam nằm trong Top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 735 tỷ USD và là thành viên đầy đủ của 16 FTA với hầu hết các đối tác kinh tế lớn trên thế giới.
Về phía Nam Phi, đây là nền kinh tế lớn thứ 2 tại châu lục, đóng vai trò là đầu tàu kinh tế trong Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi. Đặc biệt, Nam Phi hiện còn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực châu Phi.
Đều đóng vai trò là những nền kinh tế mới nổi, năng động nên tính riêng trong giai đoạn 2018-2022, quy mô thương mại hai chiều Việt Nam - Nam Phi đã duy trì được đà tăng trưởng tích cực, bình quân đạt trên 1,2 tỷ USD/năm. Đây được xem là những tiền đề thuận lợi thúc đẩy kim ngạch thương mại hai nước tiếp tục tăng trưởng về lượng và chất trong thời gian tới.
Chính phủ Nam Phi ấn tượng với quá trình phát triển kinh tế, thương mại mạnh mẽ của Việt Nam
Trong cuộc Tọa đàm, bà Nomalungelo Gina - Thứ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Cạnh tranh của Nam Phi cũng bày tỏ sự ấn tượng với quá trình phát triển kinh tế, thương mại mạnh mẽ của Việt Nam. Đánh giá thị trường Việt Nam và Nam Phi có tính bổ sung cho nhau, bà cho rằng hai nước còn nhiều tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại. Bà mong muốn hai bên cùng nỗ lực kết nối doanh nghiệp hai nước để tìm kiếm cơ hội hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực công nghiệp ô tô, hóa chất, phân bón, dệt may, chế biến nông sản thực phẩm, khai khoáng, chế biến gỗ, bột giấy, dược phẩm…
Tại Tọa đàm, đại diện của hai Bộ cùng chính quyền một số địa phương Nam Phi như Mpumalanga, KwaZulu-Natal và đại diện doanh nghiệp hai nước hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, năng lượng và dược phẩm đã trình bày tham luận về tiềm năng, cơ hội hợp tác giữa hai nước.
Phiên kết nối doanh nghiệp song phương bên lề tọa đàm đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các doanh nghiệp tham gia trao đổi, thảo luận tích cực, giới thiệu về hoạt động của doanh nghiệp mình cũng như đề xuất các cơ hội để tìm đối tác kinh doanh, hợp tác. Đáng chú ý, ngay tại phiên kết nối, đã có doanh nghiệp hai nước thành công tìm được đối tác.
Tọa đàm Hợp tác Kinh tế Việt Nam - Nam Phi đã kết thúc với sự cam kết của cả hai quốc gia về việc tăng cường hợp tác, xây dựng mối quan hệ kinh tế và thương mại bền vững. Cùng với chuỗi hoạt động khác trong “Ngày Việt Nam tại Nam Phi 2023”, sự kiện này đã mở cơ hội mới thúc đẩy kim ngạch thương mại Việt Nam - Nam Phi tăng tốc trong thời gian tới.
Nam Phi hiện là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi. Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nam Phi đạt gần 1,27 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm 2022; trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nam Phi đạt 879 triệu USD và nhập khẩu đạt 399 triệu USD. Riêng 7 tháng đầu năm 2023, tổng trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 723,9 triệu USD; trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 461,6 triệu USD và nhập khẩu đạt 262,3 triệu USD.
(Nguồn: Vụ Tổng hợp Kinh tế - Bộ Ngoại giao)