Cơ hội tiếp cận giáo dục toàn diện cho trẻ mầm non
Ngày 26/6, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết 218/2025/QH15 về phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi (gọi là Nghị quyết 218). Nghị quyết được kỳ vọng không chỉ tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em mà còn tạo môi trường phát triển tối ưu, toàn diện cho trẻ. Với địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn như Điện Biên, Nghị quyết càng thêm ý nghĩa và giá trị.

Với nhiều điểm trường lẻ (đều là lớp ghép), đi lại xa xôi, khó khăn, Trường Mầm non Huổi Lếch (xã Mường Toong) hiện thiếu 5 giáo viên theo định mức. Trong ảnh: Giờ hoạt động với trò chơi theo đội của học sinh Trường Mầm non Huổi Lếch.
Nghị quyết nhân văn
Giai đoạn mầm non là thời kỳ vàng cho sự phát triển thể chất, nhận thức, cảm xúc và kỹ năng xã hội của trẻ. Đầu tư cho GDMN chính là đầu tư cho tương lai đất nước. Nghị quyết 218 đề ra mục tiêu đến năm 2030 có 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi. Việc phổ cập GDMN cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi do Nhà nước bảo đảm nguồn lực và huy động xã hội hóa; được thực hiện theo lộ trình, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm các điều kiện phổ cập theo quy định.
Để đạt được mục tiêu trên, Nghị quyết 218 nêu rõ cơ chế, chính sách thực hiện với việc đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp và bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Bảo đảm đủ số lượng giáo viên mầm non theo định mức quy định. Bảo đảm chế độ, chính sách đối với trẻ em từ 3 đến 5 tuổi, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở GDMN. Huy động các nguồn lực xã hội phát triển GDMN theo quy định của pháp luật. Ưu tiên phát triển GDMN ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo, bãi ngang, ven biển, khu đông dân cư, địa bàn có khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất.
Có thể thấy Nghị quyết 218 thể hiện rõ chính sách an sinh và công bằng xã hội. Phổ cập giáo dục cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi tạo nền tảng bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, giúp mọi trẻ em đều có cơ hội phát triển tối ưu. Trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục khoa học ngay từ sớm sẽ có nền tảng tốt về sức khỏe, trí tuệ và nhân cách, chuẩn bị sẵn sàng vào học lớp 1 và học tốt hơn ở các cấp tiếp theo. Theo Nghị quyết, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số… sẽ được Nhà nước ưu tiên bảo đảm quyền học tập, từ đó thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, nhóm đối tượng. Với Điện Biên đây là cơ hội để nâng cao hơn nữa tỷ lệ huy động trẻ em ra lớp, phát triển và nâng cao chất lượng GDMN trên địa bàn.
Tiếp sức cho GDMN
“Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về phổ cập GDMN cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi là chủ trương có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt đối với những địa phương miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn như tỉnh Điện Biên” - bà Hoàng Tuyết Ban, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhận định.
Điện Biên triển khai thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi từ năm 2010 đến nay. Năm 2014, tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi (là tỉnh thứ 23 trong toàn quốc được công nhận đạt chuẩn). Năm 2020, tỉnh tiếp tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận duy trì đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi.
Nhiều năm trở lại đây, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở GDMN ưu tiên huy động trẻ 3 đến 5 tuổi đi học. Đến năm học 2024 - 2025, Điện Biên có 99,9% trẻ mẫu giáo 3 đến 5 tuổi đi học. Song song thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số, tạo tiền đề đảm bảo chất lượng cho phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi nói riêng và phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo nói chung.
Tỷ lệ trẻ 3 đến 5 tuổi ra lớp đạt cao, tuy nhiên công tác GDMN của tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, về: Thiếu giáo viên mầm non; cơ sở vật chất còn hạn chế; thiếu thiết bị, đồ dùng dạy học và đồ chơi cho trẻ đáp ứng chương trình GDMN mới; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn khá cao... Phổ cập giáo dục không chỉ là tăng tỷ lệ huy động trẻ đến lớp, mà quan trọng hơn là bảo đảm trẻ được học trong môi trường an toàn và chất lượng. Bởi vậy Nghị quyết 218 là cơ hội để lấp đầy khoảng thiếu hụt, “giải bài toán” nâng cao chất lượng GDMN trên địa bàn tỉnh.
Bà Hoàng Tuyết Ban chia sẻ: “Với Nghị quyết 218, việc triển khai thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo trong thời gian tới sẽ được quan tâm hơn nữa; có hỗ trợ cụ thể cho việc huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp; có các chính sách nhằm đảm bảo điều kiện và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ; hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên, nhân viên vùng khó khăn gắn bó với nghề, yên tâm công tác... Đây không chỉ là nền tảng vững chắc cho việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông mà còn là bước tiến mạnh mẽ trong chiến lược phát triển con người bền vững, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với trẻ em”.
Sau khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Đề án trình Chính phủ. Khi Nghị quyết đi vào thực tế sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng một thế hệ trẻ em Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.