Cơ hội tốt để đẩy mạnh sáng tác

Trong tuần qua, có hai thông tin rất đáng chú ý cho đời sống văn học nghệ thuật nước nhà. Thông tin thứ nhất là tại Phiên họp thứ 38, sáng 8/10/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Theo tờ trình của Chính phủ, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện giai đoạn này dự kiến là 122.250 tỉ đồng (Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp ít nhất là 77.000 tỉ đồng, chiếm 63%; vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỉ đồng; vốn huy động hợp pháp khác khoảng 15.000 tỉ đồng).

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 sẽ được chia làm 3 giai đoạn với 7 mục tiêu tổng quát, 9 nhóm mục tiêu cụ thể; thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ Văn hóa Cộng hòa Pháp Rachida Dati ký Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2024-2028.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ Văn hóa Cộng hòa Pháp Rachida Dati ký Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2024-2028.

Cơ quan soạn thảo thông tin rõ là Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 sẽ “ưu tiên nguồn lực để đầu tư cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo nhóm mục tiêu đã được xác định” và tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cụ thể, gồm: Di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn; văn học; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; giáo dục văn hóa; đào tạo; văn hóa dân tộc; văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa...

Thông tin thứ hai cũng đặc biệt đáng chú ý là nhân chuyến thăm chính thức tới Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (từ ngày 6 đến 7/10/2024), hai nước đã ra tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Với quyết định này, Pháp trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.

Dịp này, tại Grand Palais (Paris, Pháp), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có buổi hội kiến với Bộ trưởng Bộ Văn hóa Cộng hòa Pháp - bà Rachida Dati và ký Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2024-2028 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa Pháp.

Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2024-2028 này sẽ bao gồm các lĩnh vực về Di sản văn hóa, bảo tàng và lưu trữ; Công nghiệp văn hóa và sáng tạo; Điện ảnh và nghe nhìn; Nghệ thuật biểu diễn và nghệ thuật thị giác; Thư viện; Nghề thủ công và mỹ nghệ.

Tại buổi ký kết chương trình hợp tác, bà Rachida Dati cho biết Pháp rất quan tâm, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo và xem đây là một trong những mục tiêu quan trọng để tạo đà tăng trưởng, trong đó có tăng trưởng nền kinh tế.

Bà Rachida Dati cũng thông tin là hai nước đã có nhiều hoạt động hợp tác về di sản, thư viện, nghệ thuật biểu diễn trong thời gian qua nên trong thời gian tới hai bên sẽ tiến tới triển khai các hoạt động đi vào chiều sâu, như có thể đưa các tác phẩm điêu khắc tại Louvre, Versailles về Việt Nam để công chúng có thể trực tiếp chiêm ngưỡng các tác phẩm nổi tiếng ngay tại Việt Nam. Cùng với đó, hai bên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực điện ảnh thông qua sự tham dự của Việt Nam tại Liên hoan phim Cannes, Pháp và ngược lại phía Pháp tham dự Liên hoan phim quốc tế Hà Nội HANIFF.

Như vậy là, qua thực tiễn triển khai thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với những kết quả đáng ghi nhận trong việc đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa vào sự tăng trưởng GDP, việc làm, doanh thu xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ văn hóa, khích lệ tinh thần sáng tạo..., Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đã từng bước được hoàn thiện, các lĩnh vực văn học nghệ thuật tiếp tục được xác định là mục tiêu trọng điểm, trọng tâm, được ưu tiên để đầu tư, phát triển.

Đây là những bước đi rất quan trọng để cụ thể hóa chủ trương của Đảng ta, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) khi xác định rõ nhiệm vụ: "Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới".

Khi nói về việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, không thể không đề cập đến vai trò “bà đỡ” quan trọng của công tác ngoại giao văn hóa. Trong hội nhập toàn cầu, văn hóa làm dày thêm “tấm danh thiếp quốc gia”; không chỉ thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị, thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương mà còn giúp bạn bè thế giới hiểu thêm về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam.

Điều này đã được nêu rõ trong Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/11/2021: Ngoại giao văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, trong đó ngoại giao chính trị là chủ công, ngoại giao kinh tế là đột phá, ngoại giao văn hóa là nền tảng tinh thần tạo nên bản sắc của ngoại giao Việt Nam.

Nhìn vào những nỗ lực của Đảng, Nhà nước để thấy: Đội ngũ văn nghệ sĩ đang đứng trước những cơ hội rất tốt để đẩy mạnh việc sáng tác và sáng tác những tác phẩm văn học nghệ thuật quy mô. Và, việc sáng tác ấy không chỉ để sáng tạo ra tác phẩm nhằm thỏa niềm đam mê của mỗi cá nhân nghệ sĩ, mà thông qua đó còn góp phần vào sự lớn mạnh của nền văn học nghệ thuật nước nhà, lan tỏa tinh thần và các giá trị của con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Lương Duy Cường

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/co-hoi-tot-de-day-manh-sang-tac-i747305/