Cơ hội trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc tại Thư viện Quốc gia Việt Nam

Sắp tới, Thư viện Quốc gia phối hợp với Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam, tổ chức các hoạt động trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc tại Thư viện Quốc gia (31 Tràng Thi, Hà Nội).

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành quyết định cho phép Thư viện Quốc gia và Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức sự kiện trên vào các ngày 28/7, 4/8 và 12/8 cùng các hoạt động trải nghiệm văn hóa: đọc truyện thiếu nhi, gấp giấy Hanji, múa mặt nạ, tô tranh dân gian Hàn Quốc. Các hoạt động đều hoàn toàn miễn phí.

Đến với sự kiện, các bạn nhỏ sẽ được tìm hiểu, khám phá "kho" truyện cổ tích đặc sắc đến từ xứ sở kim chi. Không chỉ vậy, các bạn nhỏ còn có cơ hội trau dồi thêm nhiều kiến thức thú vị, bổ ích thông qua các trải nghiệm về văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc trong không gian về âm nhạc, trò chơi, phòng chiếu phim,... qua đó kích thích sự sáng tạo, ham tìm hiểu, xây dựng niềm vui và thói quen đọc sách cho các bé.

Nhiều hoạt động diễn ra tại Thư viện Quốc gia Hà Nội trong 3 ngày diễn ra sự kiện.

Nhiều hoạt động diễn ra tại Thư viện Quốc gia Hà Nội trong 3 ngày diễn ra sự kiện.

Mặc dù chỉ mới du nhập vào Việt Nam hơn 10 năm trở lại đây nhưng với ngôn ngữ giản dị, cách hành văn mộc mạc, các tình huống truyện thân thuộc với các em nhỏ, đặc biệt là cách vẽ tranh minh họa hài hước, tự nhiên, nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi Hàn Quốc đã thu hút độc giả nhí Việt.

Trong số này phải kể đến các tác phẩm văn học đặc sắc của Hàn Quốc đã có mặt tại Việt Nam: Cô gà mái xổng chuồng, Phiếu bé hư, Cửa tiệm thời gian, Cá hồi, Cá gai, Cá voi đỉnh núi, Chó xanh lông dài,… Kết thúc mỗi tác phẩm trên thường để lại cho độc giả phút giây lắng đọng, cảm giác trầm buồn man mác và ẩn trong đó là câu chuyện mang đậm tính giáo dục.

Hàn Quốc cũng nổi tiếng với nghệ thuật gấp giấy Hanji - loại giấy truyền thống ra đời từ hơn 1.000 năm trước ở quốc gia này. Ngày nay, nhiều nghệ nhân của Hàn Quốc sử dụng giấy Hanji để sáng tác nghệ thuật. Hơn nữa, nghệ thuật gấp giấy truyền thống cũng đã được Chính phủ Hàn Quốc đưa vào trường học và đây là môn học bắt buộc phải có.

Hoạt động trải nghiệm múa mặt nạ Hàn Quốc cũng rất đáng chú ý. Theo đó, múa mặt nạ của Hàn Quốc đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tại xứ sở kim chi, nghệ thuật múa mặt nạ được gọi là Talchum. Ra đời vào đầu thế kỷ thứ VII, nghệ thuật múa mặt nạ Hàn Quốc có liên quan mật thiết và được sử dụng trong các nghi lễ Phật giáo.

Đây được coi là báu vật trong nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc bao gồm cả giá trị di sản văn hóa phi vật thể (âm nhạc, múa, biểu diễn mặt nạ) và di sản văn hóa vật thể (nhạc cụ, mặt nạ và trang phục). Múa mặt nạ Hàn Quốc chứa đựng giá trị của sự bình đẳng, giải quyết các vấn đề xã hội một cách hài hước.

Hoạt động trải nghiệm tô tranh dân gian Hàn Quốc cũng nhiều hứa hẹn, tạo sức hút với nhiều người. Bởi công chúng sẽ được khám phá và hoàn thiện những bức tranh dân gian Hàn Quốc có ý nghĩa phản ánh đời sống tinh thần, ước mơ, khát vọng của mỗi người dân qua mỗi thời kỳ thông qua những chủ đề không giới hạn từ cây cỏ, động vật, chim muông, hoa lá, vật dụng trong gia đình, thiếu nữ,…

Sự kiện trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc tại Thư viện Quốc Gia Việt Nam diễn ra trong 3 ngày với nhiều hoạt động thú vị, hấp dẫn:

Hoạt động nghe đọc sách thiếu nhi Hàn Quốc và trải nghiệm làm giấy Hanji Hàn Quốc

Thời gian: 14h30 - 16h30 ngày 28/07/2023 (Thứ 6)

Đối tượng tham gia: Học sinh từ 8 - 15 tuổi

Hoạt động nghe đọc sách thiếu nhi Hàn Quốc và trải nghiệm tô tranh Minhwa Hàn Quốc

Thời gian: 14h00 - 16h30 ngày 04/08/2023 (Thứ 6)

Đối tượng tham gia: Học sinh từ 8 - 15 tuổi

Hoạt động làm mặt nạ và múa mặt nạ truyền thống Hàn Quốc

Thời gian: 14h30 - 16h30 ngày 12/08/2023 (Thứ 7)

Đối tượng tham gia: Học sinh, sinh viên từ 8 tuổi trở lên

Địa điểm: Thư viện Quốc gia Việt Nam (Số 31 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Số lượng : 40 người/buổi, hoạt động trải nghiệm miễn phí.

Phương Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/co-hoi-trai-nghiem-van-hoa-han-quoc-tai-thu-vien-quoc-gia-viet-nam-d195118.html