Cơ hội từ thị trường nông sản ASEAN

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), dù năm 2023 là một năm khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, nhưng ASEAN vẫn duy trì là khu vực kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, GDP khu vực tăng trưởng ở mức 4,2%. Đây cũng là khu vực thị trường nhập khẩu đa dạng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản từ nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy vậy, Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết hiệu quả lợi thế trong xuất khẩu nông sản sang các nước ASEAN.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty cổ phần Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Kiên Cường, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh TRẦN TUẤN)

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty cổ phần Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Kiên Cường, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh TRẦN TUẤN)

Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang ASEAN hiện nay là gạo, cà-phê, thủy sản, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ… Năm 2023, ngoài gạo và cà-phê có kim ngạch xuất khẩu tăng thì các mặt hàng còn lại đều giảm so với năm 2022.

Tăng, giảm không đều

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu gạo sang khu vực ASEAN đạt 4,82 triệu tấn với trị giá 2,67 tỷ USD, chiếm lần lượt 59% và 57% trong tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trong đó, dẫn đầu về nhập khẩu gạo Việt Nam là Philippines với hơn 3,1 triệu tấn, kim ngạch 1,75 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2022. Mặc dù lượng gạo xuất khẩu giảm 2% so với năm 2022 nhưng gạo Việt Nam vẫn chiếm hơn 80% tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines.

Cùng với gạo, cà-phê ghi nhận sự tăng trưởng tại thị trường ASEAN khi kim ngạch năm 2023 đạt 508,8 triệu USD, tăng 36,5%; khối lượng đạt 148,5 nghìn tấn, tăng 16,8% so với năm 2022. Đặc biệt, giá xuất khẩu cà-phê sang ASEAN năm 2023 cũng đạt mức cao, trong đó loại cà-phê chưa rang, chưa khử cafein đạt đến 2.733 USD/tấn trong tháng cuối năm 2023, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng thì nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu sang ASEAN của Việt Nam lại sụt giảm trong năm 2023. Cụ thể như rau quả, mặc dù năm 2023 kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đạt mức cao kỷ lục 5,69 tỷ USD, tăng 69,2% so với năm 2022, nhưng tại thị trường ASEAN lại chứng kiến sự sụt giảm khi lũy kế cả năm 2023 chỉ đạt 310,3 triệu USD, giảm hơn 10% so với năm 2022; kim ngạch gỗ và sản phẩm gỗ cũng giảm nhẹ, đạt 293 triệu USD; trong khi xuất khẩu thủy sản giảm tới 13,6% so với năm 2022, chỉ đạt 673,6 triệu USD.

Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Philippines Phùng Văn Thành cho biết: Philippines có quy mô dân số lớn, người tiêu dùng có sự phân hóa dẫn tới nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ khá đa dạng. Thị trường Philippines cũng không đòi hỏi quá cao hay quá khắt khe trong tiêu thụ các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Nhu cầu tiêu dùng trong nước đối với hàng hóa, dịch vụ lớn nhưng phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm nhập khẩu.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng để xuất khẩu nông sản vào nước này, nhất là chưa có sản phẩm, mặt hàng nông sản tươi sống (hoa quả, thịt) nào vào được thị trường Philippines.

Mặt khác, thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam cũng còn ít quan tâm tới thị trường Philippines nên kết nối chủ yếu chỉ là doanh nghiệp nhỏ, thiếu vắng các doanh nghiệp lớn. Vì vậy, cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tăng cường sự quan tâm của doanh nghiệp Việt Nam về tiềm năng thị trường Philippines, qua đó thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường này.

Tận dụng lợi thế vị trí địa lý và thuế quan

Nông sản Việt Nam hiện còn nhiều tiềm năng xuất khẩu vào thị trường ASEAN do có các lợi thế lớn như: thuận lợi về mặt địa lý giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa, chi phí lưu kho bãi, nhất là trong bối cảnh các chi phí logistics đi các khu vực thị trường Mỹ, châu Âu... ngày càng tăng cao, thì ưu tiên xuất khẩu sang các thị trường gần gũi nhằm tăng sức cạnh tranh cho nông sản là lựa chọn hợp lý của nhiều doanh nghiệp.

Đóng gói gạo xuất khẩu tại nhà máy Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh HỮU NGHĨA)

Đóng gói gạo xuất khẩu tại nhà máy Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh HỮU NGHĨA)

Ngoài ra, đối với khu vực thị trường này, doanh nghiệp cũng có nhiều lựa chọn phương thức vận chuyển hàng hóa như vận tải đường bộ, đường biển và đường hàng không, tạo sự linh hoạt trong giao thương, đưa hàng hóa đến với đối tác nhanh chóng và bảo đảm chất lượng.

Bên cạnh đó, hiện nay, hầu hết hàng hóa xuất khẩu sang thị trường ASEAN đều được hưởng ưu đãi với mức thuế quan 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Hiệp định này đã tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và thủ tục hải quan, giúp dễ dàng vận chuyển hàng hóa trong khu vực.

Tuy nhiên, để tận dụng được các lợi thế thì hàng nông sản Việt Nam cần tìm ra điểm khác biệt trong sự tương đồng với các loại hàng hóa từ các quốc gia khác trong khu vực. Thí dụ với mặt hàng cà-phê, Việt Nam cần phát huy thế mạnh là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà-phê hàng đầu thế giới với chất lượng cao nhất, tốt nhất để thâm nhập thị trường ASEAN.

Thông tin từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cà-phê vào thị trường này hoàn toàn có thể tăng cao hơn nữa khi năm 2024, doanh thu cà-phê tại thị trường ASEAN dự báo sẽ đạt khoảng 8,9 tỷ USD; lượng tiêu thụ cà-phê dự kiến trung bình ở mức 0,35 kg/người. Tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2024-2028 ước đạt 7,76%/năm. Ước tính đến năm 2028, tiêu thụ cà-phê tại thị trường này đạt 0,7 triệu tấn. Đây là cánh cửa mở cho sản phẩm cà-phê các loại của Việt Nam hiện diện nhiều hơn tại ASEAN.

Đối với mặt hàng thủy sản, ASEAN cũng là thị trường tiềm năng của Việt Nam trong thời gian tới khi nhu cầu tiêu thụ thủy sản của thị trường này được dự báo ở mức 51,5 kg/người/năm vào năm 2030 và sẽ tăng lên 61,5 kg/người/năm vào năm 2050. So với mức kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam hiện nay là 673,6 triệu USD, thì dư địa thị trường ASEAN cho thủy sản còn rất lớn.

Tuy nhiên, cũng như nhiều thị trường xuất khẩu nông sản trên thế giới, hiện các nước ASEAN đều tăng cường yêu cầu đối với chất lượng sản phẩm nhập khẩu, nhất là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Singapore Cao Xuân Thắng cho biết: Singapore có các quy định rất chặt chẽ về quá trình sản xuất và tiêu thụ thực phẩm, quy định về dán nhãn thực phẩm, các chất phụ gia thực phẩm cho phép sử dụng, các thành phần ngẫu nhiên xuất hiện trong thực phẩm, quy định về hộp đựng thực phẩm, thực phẩm chiếu xạ…

Chính phủ Singapore cũng có quy định đối với từng loại mặt hàng nhập khẩu. Việc nhập khẩu các sản phẩm sữa và sản phẩm sữa, động vật tươi sống, thịt, cá được đánh giá là “rủi ro cao” và được kiểm soát chặt chẽ thông qua các quy trình kiểm tra, kiểm định, cấp giấy phép của Cơ quan quản lý thực phẩm Singapore (SFA). Hiện tại, Singapore chưa cho phép nhập khẩu trứng tươi, các loại thịt và động vật sống, hàu sống; và đưa ra những yêu cầu kỹ thuật cao cho sản phẩm sữa của Việt Nam.

Trong khi đó, trái cây tươi và rau quả nhập khẩu vào Singapore quy định không được chứa bất kỳ loại thuốc trừ sâu nào bị cấm, và mức độ dư lượng thuốc trừ sâu hoặc dư lượng hóa chất độc hại không vượt quá mức quy định tại Luật Kinh doanh thực phẩm hoặc khuyến nghị của FAO/WHO. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm chắc thông tin và tuân thủ quy định để thuận lợi hơn trong xuất khẩu nông sản vào thị trường này.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/co-hoi-tu-thi-truong-nong-san-asean-post798311.html