Cơ hội và thách thức của AI trong ngành y tế
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ra báo cáo đầu tiên về trí tuệ nhân tạo (AI). Theo tổ chức này, AI mang lại nhiều hứa hẹn trong cải thiện việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và y học trên toàn thế giới với điều kiện đạo đức và quyền con người được đặt làm trọng tâm trong quá trình thiết kế, triển khai và ứng dụng AI.
Với sự phát triển không ngừng của AI, thế giới đang được hưởng lợi ở mức tối đa. Công nghệ này có thể được áp dụng trong bất kỳ lĩnh vực nào. Trong y tế, AI đang thay đổi hệ thống và phương pháp của các ngành công nghiệp phục vụ sức khỏe nhân loại, phát huy hiệu quả cao về chẩn đoán lâm sàng. Điều này có thể giúp giảm thời gian khám bệnh và giúp mã hóa dữ liệu bệnh nhân nhanh chóng. Từ đó, các bác sĩ khám lâm sàng có thể tìm kiếm số liệu thống kê về lịch sử bệnh của bệnh nhân, cũng như ra toa thuốc một cách nhanh chóng và chính xác nhất.
Ví dụ, thuật toán của AI có thể cảnh báo khả năng nhiễm trùng huyết của bệnh nhân ít nhất từ 3 đến 4 giờ trước khi trở nặng. Điều này có thể làm giảm tỷ lệ tử vong. Theo bác sĩ Joyoti Goswami, Giám đốc Công ty tư vấn Damo (Mỹ) chuyên chuyển đổi công nghệ số ngành y tế, các bệnh viện tại Mỹ đã giảm trung bình 39,5% tỷ lệ tử vong các ca nhiễm trùng huyết khi nhập viện, giảm 32,3% thời gian nằm viện và tăng 22,7% tỷ lệ khỏi bệnh trong 30 ngày nhờ có công nghệ chẩn đoán AI. Điều quan trọng là phải lựa chọn lĩnh vực sử dụng AI nhằm đạt hiệu quả cao, nhất là trong các lĩnh vực lâm sàng. Một số lĩnh vực mà AI đã được triển khai thành công là X quang, nội khoa, thần kinh và tim mạch.
Tuy nhiên, không ít bác sĩ vẫn có cái nhìn hoài nghi đối với AI. Họ tin rằng công nghệ AI đang bị thổi phồng quá mức và không thể giải quyết các vấn đề lâm sàng trong cuộc sống thực. Các bác sĩ có xu hướng không thích máy móc ra quyết định thay cho họ, chỉ tin vào sự nhạy bén và phán đoán lâm sàng của mình để chẩn đoán và đưa ra các quyết định. Báo cáo mới của WHO cũng cảnh báo việc đánh giá quá cao lợi ích của AI đối với sức khỏe. Theo báo cáo, cơ hội đi kèm với các thách thức và rủi ro, bao gồm việc thu thập và sử dụng dữ liệu y tế một cách phi đạo đức, ảnh hưởng tới sự an toàn của bệnh nhân, ảnh hưởng đến an ninh mạng và môi trường sống.
Để hạn chế rủi ro và tối ưu hóa việc sử dụng AI trong lĩnh vực y tế, WHO đưa ra 6 nguyên tắc để đảm bảo AI hoạt động vì lợi ích công ở các quốc gia: Bảo vệ quyền tự chủ của con người; Thúc đẩy hạnh phúc và an toàn của con người và lợi ích công cộng; Đảm bảo tính minh bạch, dễ giải thích và dễ hiểu; Bồi dưỡng trách nhiệm và trách nhiệm giải trình; Đảm bảo tính bao trùm và công bằng; Thúc đẩy AI đáp ứng nhanh và bền vững.
Ví dụ, đầu tư của khu vực tư nhân và khu vực công vào việc phát triển và triển khai AI trong ngành y tế rất quan trọng. Do đó, việc sử dụng AI mất kiểm soát hoặc bị chi phối từ các nhà đầu tư có thể khiến quyền và lợi ích của bệnh nhân và cộng đồng bị phụ thuộc vào lợi ích thương mại của các nhà đầu tư, xa hơn nữa là ban cho họ quyền giám sát và kiểm soát xã hội. Do đó, các hệ thống AI cần được thiết kế cẩn thận để phản ánh sự đa dạng của các môi trường kinh tế - xã hội và chăm sóc sức khỏe. Việc sử dụng AI cần được kèm theo đào tạo về kỹ năng kỹ thuật số, nâng cao trách nhiệm và nhận thức với cộng đồng, đặc biệt là đối với hàng triệu nhân viên y tế, những người sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc sử dụng AI.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/co-hoi-va-thach-thuc-cua-ai-trong-nganh-y-te-742576.html