Nga có thể áp dụng chiến lược F-35 để phát triển Su-75?

Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm Su-75 Checkmate của Nga, do Tập đoàn Máy bay Thống nhất (UAC) phát triển, đang bước vào giai đoạn nâng cao với kỳ vọng lớn về tiềm năng xuất khẩu.

Phó Tổng giám đốc UAC Sergey Korotkov xác nhận dự án đã đạt tiến bộ đáng kể và thu hút sự chú ý từ một số đối tác nước ngoài.

Su-57 và Su-75 của Nga. (Nguồn: Getty Images)

Su-57 và Su-75 của Nga. (Nguồn: Getty Images)

Theo Korotkov, một số đối tác quốc tế đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mua Su-75 Checkmate – một máy bay chiến đấu hạng nhẹ, một động cơ, được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của thị trường máy bay chiến thuật hiện đại.

Dự án này đã trình làng nguyên mẫu đầu tiên tại Triển lãm Hàng không MAKS-2021 ở Nga và tiếp tục được quảng bá quốc tế tại Triển lãm Hàng không Dubai 2021.

Tuy nhiên, giống như "đàn anh" Su-57, chương trình phát triển Su-75 đối mặt với nhiều khó khăn. Ban đầu dự kiến thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2023, tiến độ đã bị trì hoãn đến năm 2025, một phần do các lệnh trừng phạt quốc tế, thiếu nguồn tài trợ và sự ưu tiên dành cho các nhu cầu quân sự cấp bách trong xung đột Ukraine.

Chiến lược xuất khẩu: Cơ hội và thách thức

Moscow đặt nhiều kỳ vọng vào việc xuất khẩu Su-75, đặc biệt nhắm đến thị trường Trung Đông và Nam Á.

Các nỗ lực tiếp thị bao gồm việc trình diễn mô hình tại Triển lãm Quốc phòng thế giới ở Saudi Arabia 2024, cùng với việc kêu gọi các quốc gia Arab tham gia hợp tác phát triển.

Nga thậm chí đã đề xuất chuyển giao công nghệ và thiết lập dây chuyền sản xuất tại Ấn Độ không chỉ phục vụ nhu cầu nội địa mà còn đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Su-75 Checkmate tại Triển lãm hàng không Dubai 2021. (Nguồn: Mạng xã hội X)

Su-75 Checkmate tại Triển lãm hàng không Dubai 2021. (Nguồn: Mạng xã hội X)

Thế nhưng, phản hồi từ các đối tác tiềm năng lại khá dè dặt. Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), một trong những thị trường mục tiêu chính, vẫn chưa đưa ra bất kỳ cam kết nào, trong khi Ấn Độ duy trì lập trường "chờ đợi và quan sát".

Nhiều chuyên gia phương Tây, chẳng hạn như John V. Parachini từ RAND, tỏ ra hoài nghi về khả năng thương mại hóa dự án này, thậm chí cho rằng đó chỉ là "tiếp thị phần mềm vô nghĩa".

Dù gặp phải nhiều khó khăn, Su-75 vẫn được giới thiệu là một sản phẩm tiên phong về công nghệ. Máy bay này được thiết kế bằng siêu máy tính, giúp tối ưu hóa chi phí và rút ngắn thời gian phát triển. Các cải tiến bao gồm hệ thống điện tử hàng không hiện đại, trí tuệ nhân tạo hỗ trợ phi công, khả năng mang vũ khí trong khoang bên trong để tăng tính tàng hình, cùng với tải trọng hơn 7 tấn.

Động cơ AL-41F1, vốn được sử dụng trên Su-57, sẽ cung cấp sức mạnh cho Su-75, trong khi thiết kế mô-đun hứa hẹn mang lại sự linh hoạt để tùy chỉnh cho các yêu cầu khác nhau của thị trường.

Học hỏi từ chiến lược F-35

Nga hiện đang cân nhắc áp dụng một chiến lược tương tự như chương trình F-35 của Lockheed Martin – hợp tác sản xuất với các quốc gia nước ngoài.

Kế hoạch này đề xuất hợp tác sản xuất toàn cầu, giữ lại các công nghệ quan trọng trong nước, trong khi thuê ngoài các thành phần và lắp ráp cho các quốc gia khác. Điều này không chỉ giúp phân tán chi phí, mà còn biến các quốc gia đối tác thành thị trường tiêu thụ và thu hút nguồn vốn từ các nước tham gia sản xuất.

Đây được xem là một bước đi chiến lược nhằm tối đa hóa cơ hội thương mại, trong bối cảnh Nga đang phải đối mặt với khó khăn tài chính và tình hình địa chính trị phức tạp.

Dù gặp phải nhiều thách thức, Nga vẫn kiên định với dự án Su-75, với hy vọng rằng chiếc máy bay này sẽ sẵn sàng bay thử vào năm 2025 và bắt đầu sản xuất hàng loạt trước cuối thập kỷ này.

Các chuyên gia Nga tin rằng, Su-75 có thể là câu trả lời của Moscow trong việc cạnh tranh với các dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm trên thị trường quốc tế.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nga-co-the-ap-dung-chien-luoc-f-35-de-phat-trien-su-75-169241120154656788.htm