Cơ hội và thách thức của vị Thủ tướng trẻ nhất nước Pháp từ trước tới nay
Ngày 9/1 (giờ địa phương), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bổ nhiệm ông Gabriel Attal vào vị trí thủ tướng, thay thế bà Elisabeth Borne vừa từ chức. Việc bổ nhiệm ông Attal diễn ra trong bối cảnh nước Pháp đang chuẩn bị đăng cai Olympic Paris 2024 và bầu cử Nghị viện Châu Âu vào mùa hè tới.
Theo giới quan sát, ông Attal hứa hẹn sẽ mang đến một phong cách lãnh đạo hoàn toàn khác so với người tiền nhiệm.
TÂN THỦ TƯỚNG TRẺ NHẤT NƯỚC PHÁP
Ông Gabriel Attal, 34 tuổi, là vị thủ tướng trẻ nhất của Pháp từ trước đến nay. Nếu bà Elisabeth Borne được đánh giá cao về sự nghiêm khắc và thẳng thắn, ông Attal lại là nhân vật được yêu thích nhất trong chính phủ sau thời gian đảm nhiệm Bộ trưởng Giáo dục. Phát biểu tại buổi lễ chuyển giao quyền lực, cựu Thủ tướng Borne bày tỏ tin tưởng vào năng lực của ông Attal.
Về phần mình, tân Thủ tướng Attal nhấn mạnh quyết tâm bảo vệ vận mệnh quốc gia, phát huy những tiềm năng của nước Pháp và cam kết sẽ tập hợp các lực lượng năng động của đất nước nhằm tập trung vào “3 trục chính” là việc làm, kinh tế và tuổi trẻ.
Đam mê chính trị ngay từ khi còn nhỏ, tân Thủ tướng Attal từng là người phát ngôn chính phủ, Bộ trưởng Ngân sách và gần đây hơn là Bộ trưởng Giáo dục, hai lần được bầu làm nghị sĩ Quốc hội hồi tháng 6/2017 và tháng 6/2022.
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC PHÍA TRƯỚC
Giới quan sát nhận định, Tổng thống Emmanuel Macron có nhiều lý do để "đặt cược" vào ông Gabriel Attal. Đầu tiên, cựu phát ngôn viên chính phủ rất thân thiết và trung thành với người đứng đầu nước Pháp. Đây là một tiêu chí quan trọng, sau nhiều tháng khó khăn trong mối quan hệ giữa ông Macron và bà Borne, và đặc biệt là trước thềm cuộc “đối thoại Tổng thống với người dân", dự kiến trong tháng 1 này.
Một năng lực khác của ông Attal khiến Tổng thống Macron lựa chọn là khả năng giao tiếp tốt. Trong các vị trí cấp bộ, hoặc với tư cách là người phát ngôn chính phủ, ông Attal luôn biết cách gây chú ý và khiến những cải cách của mình hoặc hoạt động của Nhà nước được chấp thuận.
Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu độc lập Odoxa công bố tuần trước, trong khi 2/3 người dân Pháp được hỏi muốn thấy bà Borne ra đi thì ông Attal lại là người được yêu thích nhất để thay thế bà ở vị trí người đứng đầu chính phủ.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đây là cơ hội và cũng có thể gây khó khăn đối với tân thủ tướng. Tuổi tác của Thủ tướng Attal được coi là lợi thế, nhưng cũng có thể tạo ra thách thức, nhất là khi người tiền nhiệm Borne được đánh giá cao về khả năng thiết lập đối thoại xã hội và kiến thức rộng. Hơn nữa, việc thành lập chính phủ mới không phải là điều dễ dàng, bởi ông Attal sẽ phải áp đặt quyền lực của mình đối với các đối thủ nặng ký trong chính phủ.
Theo các nhà quan sát, để có cơ hội thành công, ông Attal sẽ phải đáp ứng một số điều kiện. Đầu tiên là thành lập được một chính phủ gắn kết, với đội ngũ lãnh đạo là những người có tầm ảnh hưởng trong dư luận và được trao quyền tự chủ. Một điều kiện khác và trên hết, đó là phải tiếp tục theo đuổi chương trình cải cách, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc có thể thất bại trong các cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện.
Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!