Cơ hội và thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế
BÀI 1:
SỰ LỰA CHỌN ĐÚNG ĐẮN VÀ KHOA HỌC
BPO - Đảng Cộng sản Việt Nam xác định công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã tăng tốc độ đầu tư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu gắn với đổi mới căn bản về công nghệ, tạo nền tảng cho sự tăng trưởng nhanh, bền vững của toàn bộ nền kinh tế. Hiệu quả của CNH, HĐH đã được khẳng định tại Bình Phước và nhiều địa phương khác trên cả nước.
Nhiệm vụ trung tâm và ưu tiên
Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng (năm 1960) nhấn mạnh đường lối xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là “CNH xã hội chủ nghĩa, mà mấu chốt là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng”. Đến Hội nghị Trung ương 7 (khóa III) khi bàn về nhiệm vụ, phương hướng xây dựng và phát triển công nghiệp, Đảng khẳng định: “Cần xây dựng một nền công nghiệp tương đối hoàn chỉnh làm nền tảng cho nền kinh tế tự chủ của nước ta”.
Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa góp phần nâng tầm đô thị Đồng Xoài. Trong ảnh: Một góc ngã tư Đồng Xoài hiện nay -Ảnh: Phạm Tăng
Từ năm 1975 trở đi, tại Đại hội lần thứ IV, V, Đảng ta đều nhấn mạnh vấn đề này. Đến hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1-1994), Đảng ta chủ trương “CNH phải đi đôi với HĐH”.
Sau khi đạt một số thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, tại Đại hội VIII (năm 1996), Đảng đặt ra mục tiêu: “Từ nay đến năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp”. Đại hội IX (năm 2001), Đảng ta xác định: Đường lối CNH, HĐH trong 10 năm đầu thế kỷ XXI là “Phát triển kinh tế, CNH, HĐH là nhiệm vụ trung tâm” với những nội dung cụ thể.
Từ chủ trương CNH đến phát triển CNH, HĐH là quãng thời gian dài, trong đó vấn đề nổi lên là tạo nền móng cho phát triển khoa học - kỹ thuật và khoa học - công nghệ (KHCN) như hiện nay.
Tại Nghị quyết Đại hội XIII (năm 2021), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, CNH, HĐH…”.
Thực tế tại tỉnh Bình Phước cho thấy, chủ trương CNH, HĐH là hoàn toàn đúng đắn. Nhờ cơ sở hạ tầng giao thông phát triển, Bình Phước nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 5.000 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 80%. Trong đó, có 7 khu công nghiệp đã lấp đầy 100%. Toàn tỉnh hiện có hơn 10.000 doanh nghiệp đang hoạt động, là nguồn lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch
Nhằm cản trở con đường CNH, HĐH tiến lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, thời gian qua các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chứng minh, chống phá với quan điểm Việt Nam chỉ phụ thuộc công nghệ nước ngoài, không có cơ hội “hóa rồng”, hoàn thành mục tiêu CNH, HĐH. Chúng khuyến cáo: “Việt Nam không nên tập trung nguồn lực cho CNH mà nên đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa thì tốt hơn”…
Gần đây, lợi dụng chủ trương mở cửa, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, các thế lực thù địch tăng cường khoét sâu những hạn chế trong xây dựng cơ sở hạ tầng và nghiên cứu KHCN, từ đó tác động, phá hoại nền tảng tư tưởng, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tổ chức Rise kêu gọi thanh niên Việt Nam ra nước ngoài học tập, thực hiện chương trình chính sách công miễn phí sau đó đưa trở lại chống phá Việt Nam. Điển hình như Phạm Đoan Trang và nhiều cái tên khác. Chúng tổ chức thúc đẩy phong trào “tự do học thuật”, tác động mạnh vào giới trí thức, sinh viên, học sinh, nhất là các nhà khoa học có tên tuổi để kích động thành lập các câu lạc bộ, tổ chức xã hội dân sự, qua đó phản đối chính sách, gây áp lực với công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước.
Thủ đoạn của các thế lực thù địch trong lĩnh vực này rất xảo quyệt. Chúng tuyên truyền rằng: “Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam chỉ là cái vỏ”, “Việt Nam coi KHCN là thứ yếu”...
Ở trong nước, lợi dụng chủ trương dân chủ trong khoa học, một số cá nhân, tổ chức tự phong dưới mác chuyên gia, nhà khoa học, câu lạc bộ… đã viết thư ngỏ, thư khuyến nghị gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tung lên mạng xã hội. Họ phê phán những sản phẩm công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam sản xuất để chứng minh chủ trương lãnh đạo phát triển KHCN ở Việt Nam là lệch lạc, đi ngược xu hướng thời đại, trào lưu của thế giới, dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám. Bên cạnh đó, chúng nhận định, khi cách mạng công nghệ 4.0 tràn vào, khi công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) thay thế lao động phổ thông thì người dân sẽ mất việc, không có thu nhập…
Ngoài chống phá trực diện, chúng ta không loại trừ việc các thế lực thù địch tăng cường hoạt động móc nối, xây dựng nhân tố bên trong để tác động, phá hoại tư tưởng chính trị của giới nghiên cứu KHCN, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ nhanh hơn. Thực tế cho thấy, các thế lực thù địch đã thu thập tin tức tình báo, cài cắm người, từ đó hình thành các phe phái, khuynh hướng tư tưởng đối lập, tuyên truyền, gieo rắc “mầm mống” dân chủ kiểu tư sản, khoét sâu vào mâu thuẫn nội bộ; chia rẽ, tiến tới chuyển hóa về tư tưởng trong bộ máy các cơ quan nghiên cứu KHCN… Đặc biệt, chúng có xu hướng tìm cách hướng lái dư luận tác động vào quá trình xây dựng hệ thống pháp luật, trong đó có các chính sách về nghiên cứu KHCN, kích động, lôi kéo, chia rẽ nội bộ, nhằm gây áp lực với Đảng, Nhà nước ta.
Nội dung chống phá và những âm mưu, thủ đoạn nêu trên được các thế lực thù địch trong và ngoài nước tiến hành thường xuyên, lặp đi lặp lại thành hệ thống và trên diện rộng, tập trung vào thời điểm có các sự kiện chính trị trong nước, như họp Quốc hội, họp Ban Chấp hành Trung ương Đảng… nhằm gây sự quan tâm chú ý của dư luận. Những chiêu trò này dần thấm sâu vào nhân dân, vào giới trẻ, khiến nhận thức về CNH, HĐH và vai trò, ý nghĩa, động lực phát triển KHCN trong nước lệch lạc, khiến niềm tin vào chủ trương và các mục tiêu xây dựng CNH, HĐH của Đảng và Nhà nước bị giảm sút.
Trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch cho thấy, việc đẩy mạnh CNH, HĐH là sự lựa chọn đúng đắn và khoa học của Đảng ta.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/158734/su-lua-chon-dung-dan-va-khoa-hoc