Cơ hội vàng cho ngành du lịch
Sau hơn 3 ngày diễn ra sôi nổi (từ ngày 11-14/4), Hội chợ quốc tế du lịch Việt Nam 2024 (VITM 2024) vừa chính thức bế mạc tại Hà Nội với nhiều thông tin tích cực.
Những tín hiệu tích cực
Theo báo cáo của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, năm nay VITM 2024 có sự tham gia của các cơ quan xúc tiến và doanh nghiệp du lịch từ 55 tỉnh, thành phố của Việt Nam, 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 480 gian hàng và trên 700 đơn vị. Đặc biệt, có tới hơn 10 nghìn tour và sản phẩm du lịch khuyến mãi được cung cấp tại Hội chợ. Ước tính có gần 80 nghìn khách đến tham quan, mua sắm tại sự kiện. Bên cạnh đó, trong thời gian diễn ra Hội chợ đã có hơn 12 triệu lượt truy cập thông tin về sự kiện trên nền tảng Tiktok, góp phần nâng cao công tác truyền thông của Hội chợ. Đặc biệt, báo cáo doanh thu của riêng 50 đơn vị tham gia đã đạt được trên 180 tỷ đồng.
Công ty Flamingo Redtours thông tin, trong hơn 3 ngày diễn ra Hội chợ, doanh thu của đơn vị đạt 16 tỷ đồng, trong đó doanh thu của nội địa chiếm 20%. Tương tự, Giám đốc Vietravel Hà Nội Nguyễn Văn Bảy cho biết, du lịch đã thực sự quay trở lại, trong thời gian tham gia Hội chợ, công ty đã đón tiếp và phục vụ hơn 8.000 khách tham quan gian hàng, 3.000 khách đặt tour với doanh thu vượt mức kỳ vọng, đạt hơn 29 tỷ đồng. Còn theo Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Công ty Lữ hành Saigontourist Đoàn Thị Thanh Trà, hiện tại đơn vị đã đóng sổ tour trọn gói dịp nghỉ lễ 30/4 với tổng số khách sẽ phục vụ là 28.000 người, bao gồm cả khách nội địa và nước ngoài. Saigontourist hiện chỉ còn mở bán dịch vụ cho khách lẻ dịp lễ tới đây.
Có thể nói, dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng các số liệu từ VITM 2024 cho thấy mùa du lịch hè đang có dấu hiệu “ấm dần”. Nhìn nhận về thành công của sự kiện, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh bày tỏ, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và rất cần những sự kiện như thế này để các doanh nghiệp bán sản phẩm và dịch vụ du lịch. Chính vì vậy, việc tổ chức các sự kiện như những chương trình phát động về thị trường, các hội chợ, sự kiện về văn hóa - du lịch… là những cơ hội tốt cho cộng đồng doanh nghiệp để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch tới các đối tác bán hàng, đặc biệt là thị trường khách hàng mục tiêu.
Tháo gỡ điểm nghẽn
Dù được xem là thời điểm “vàng” của ngành du lịch, nhưng mùa du lịch hè 2024 cũng đang gặp phải không ít bất lợi. Thực tế, cứ vào dịp nghỉ lễ, đặc biệt là dịp hè thì nhiều điểm du lịch nổi tiếng luôn phải đối mặt với cảnh quá tải, thậm chí có nơi “vỡ trận” khi ùn tắc từ sân bay đến các điểm tham quan, vui chơi giải trí. Chưa kể, do tình trạng cầu vượt cung, đây cũng là thời điểm khiến du khách phải chịu cảnh giá cả chặt chém…
Đặc biệt, ngành du lịch còn đang đau đầu với câu chuyện giá vé máy bay tăng. Nhiều công ty lữ hành cho biết, vì giá vé máy bay chiếm từ 50-60% giá tour, do vậy kéo theo các tour nội địa buộc phải nâng cao giá. Hiện nay có một nghịch lý là các tour nội địa đang lép vế so với tour nước ngoài. Chính vì lý do này, nhiều khách hàng chấp nhận di chuyển bằng máy bay khi đi các tour trong nước, nhưng cắt giảm chi phí ở các dịch vụ khác đi kèm. Hoặc khách hàng chuyển sang di chuyển bằng đường bộ, sử dụng tour ngắn ngày.
Trước những ảnh hưởng này, Giám đốc Vietravel Nguyễn Văn Bảy cho biết, đơn vị đã tích cực làm việc với các bên liên quan để đem đến giá dịch vụ đầu vào tốt nhất cho khách hàng. Với các chuyến đi trong vòng bán kính từ 300-400km, chúng tôi cũng triển khai nhiều hình thức di chuyển, cả đường bộ và đường sắt. Chẳng hạn với những tour hành trình di sản như từ Huế đi Đà Nẵng, còn có những toa tàu du lịch, để khách với chi phí hợp lý vẫn có được chuyến du lịch ý nghĩa tại Việt Nam.
Thực tế cho thấy, thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 vẫn còn nhiều khó khăn. Chính từ tác động này, nhiều đơn vị hiện đang đối mặt với bài toán không chỉ lợi ích cho doanh nghiệp mà còn làm thế nào để mang đến nhiều lợi ích hơn cho khách hàng. Để dung hòa giữa các bên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, nếu cứ đổ lỗi cho nhau thì tất cả cùng thua. Các bên cần ngồi lại để tìm tiếng nói chung, tạo ra sản phẩm mang lại giá trị tốt nhất cho thị trường và khách hàng. Đặc biệt là phải có một “nhạc trưởng” để dung hòa lợi ích các bên, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm.
“
Theo Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, các doanh nghiệp du lịch trong ngành và các hãng hàng không, các đơn vị vận chuyển, các khu điểm vui chơi giải trí, các cơ sở lưu trú cần phải ngồi lại với nhau và bàn bạc giải pháp kích cầu trên quan điểm không phải giảm giá mà còn tăng thêm trải nghiệm, thêm dịch vụ, thêm chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/co-hoi-vang-cho-nganh-du-lich-10277647.html