Cơ hội vàng để phủ sóng xe xanh cho giao thông Việt Nam

Thị trường xe điện tại Việt Nam ngày càng sôi động hơn khi có nhiều hãng xe trong và ngoài nước đầu tư sản xuất các phương tiện giao thông xanh.

Cùng với chính sách hỗ trợ của Chính phủ đang dần hoàn thiện, hệ thống trạm sạc, công nghệ được đầu tư mạnh mẽ, người tiêu dùng đánh giá cao thì xe điện, đặc biệt là ô tô điện kỳ vọng sẽ tiếp tục có những bước tăng trưởng nhảy vọt, phủ sóng khắp mọi nẻo đường.

Bùng nổ xe điện

Đầu tháng 7, người tiêu dùng Việt Nam (VN) có thêm nhiều lựa chọn khi VinFast ra mắt thêm ba mẫu ô tô điện mới và mẫu xe đạp điện đầu tiên ở thị trường nội địa. Hãng xe này đã có bước phát triển nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần xe xanh nội địa. Dù trong bối cảnh thị trường ô tô trầm lắng, nhiều mẫu xe xăng ế khách thì hàng ngàn ô tô điện vẫn được người tiêu dùng đặt mua trong nửa đầu năm nay.

Cụ thể, VinFast đã bàn giao 14.680 ô tô điện cho khách hàng tại VN trong bảy tháng đầu năm. Đây là kết quả ấn tượng của VinFast trong bối cảnh thị trường trầm lắng, người dân thắt chặt chi tiêu khiến sức tiêu thụ ô tô sụt giảm mạnh.

Sau sự bứt phá của VinFast, cuộc đua xe điện dường như mới chỉ bắt đầu khi hàng loạt hãng xe trong nước và nước ngoài thi nhau đầu tư đổ bộ vào thị trường VN.

Cuối tháng 6, sau hơn ba tháng công bố hợp tác, TMT Motors chính thức giới thiệu mẫu xe điện Wuling HongGuang Mini EV đến thị trường VN. Xe có tốc độ tối đa 100 km/giờ, dung lượng pin cho quãng đường di chuyển tối đa lần lượt là 120 km và 170 km sau một lần sạc. Đáng chú ý, Wuling HongGuang Mini có giá bán 239-282 triệu đồng cho sáu phiên bản khác nhau. Mẫu ô tô chạy điện này sẽ được lắp ráp tại nhà máy ô tô của TMT Motors tại huyện Văn Lâm (Hưng Yên) với công suất 30.000 xe/năm và có thể được gia tăng trong tương lai khi TMT Motors cũng đang nghiên cứu để giới thiệu thêm các mẫu ô tô điện chất lượng khác.

 Người dân hào hứng trải nghiệm các dòng xe máy điện của EVGO. Ảnh: HUY NHUNG

Người dân hào hứng trải nghiệm các dòng xe máy điện của EVGO. Ảnh: HUY NHUNG

 Các triển lãm xanh cũng được nhiều người dân quan tâm. Ảnh: HUY NHUNG

Các triển lãm xanh cũng được nhiều người dân quan tâm. Ảnh: HUY NHUNG

Tương tự, hãng xe điện Trung Quốc khác là Haima cũng thông báo sẽ trở lại thị trường VN thông qua đơn vị phân phối nhập khẩu. Thương hiệu này sẽ mở bán ba mẫu xe với mức giá được giới kinh doanh xe tiết lộ khoảng 700-800 triệu đồng/xe.

Không bỏ ngoài cuộc chơi, Tập đoàn Thành Công (TC Group) và Hyundai Motor chính thức giới thiệu sản phẩm xe điện Ioniq 5. Hiện Hyundai Ioniq 5 sẽ được đưa vào sản xuất, lắp ráp tại Nhà máy Hyundai Thành Công số 2 tại tỉnh Ninh Bình kể từ tháng 7-2023.

Nhiều hãng xe khác như Kia, BMW, Audi, Nissan, Suzuki… cũng đang có những kế hoạch thăm dò thị trường VN, giới thiệu các mẫu xe điện, phát triển trạm sạc.

TP.HCM sẽ đi đầu về xe xanh

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, chia sẻ về ý tưởng kiểm soát khí thải tại TP.

Ông An cho biết hiện Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đang phối hợp cùng Sở GTVT nghiên cứu và xây dựng đề án, giải pháp để thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Cụ thể, theo Nghị quyết 98, HĐND TP ban hành những chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi đối với người chuyển từ các xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sang xe xanh. Chương trình này cũng nằm trong lộ trình của Thủ tướng đề ra với các tỉnh, TP đến năm 2050 đưa phát thải về 0.

Theo ông An, TP.HCM là đầu tàu của kinh tế cả nước, là trung tâm của cả nước và khu vực, hiện nay lượng phát thải của TP.HCM riêng với xe máy đang nằm trong top 10 thế giới. Việc này gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, tới an sinh xã hội, tới chất lượng sống. Do đó, ngành giao thông vừa khuyến khích người dân đang sử dụng xe hai bánh chuyển đổi, vừa đề ra với các hãng xe buýt, taxi, vận tải hành khách và hàng hóa chuyển đổi xe xanh.

Ông An cho biết việc chuyển đổi đối với xe buýt đã có lộ trình rõ ràng (từ nay đến năm 2025 các loại xe buýt mới phải là xe điện). Tuy nhiên, cái khó là xe điện đòi hỏi trạm sạc, công suất điện và vấn đề này nằm trong quy hoạch, PCCC.

“Mục tiêu của TP.HCM là đi đầu trong giảm phát thải bằng cách chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh, đảm bảo cho người dân có môi trường sống tốt, sức khỏe đi lên. Vì vậy, trước tiên phải tuyên truyền với người dân về mặt nhận thức, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng loại hình giao thông này - ông An nói.•

Kỳ cuối: Xây hệ sinh thái để phủ sóng xe xanh

Thí điểm chuyển đổi xe xanh ở huyện Cần Giờ

Từ nay đến năm 2025, các đơn vị liên quan sẽ xây dựng phương án thí điểm chuyển đổi xe trên một số địa bàn sang xe sử dụng năng lượng điện. Cùng với đó, phương án thí điểm phân vùng phương tiện giao thông theo tiêu chuẩn khí thải (cao hơn) ở một số khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, khu vực trung tâm.

TP sẽ khoanh vùng thí điểm. Có thể thực hiện ở huyện Cần Giờ bởi vì huyện Cần Giờ có vị trí địa lý biệt lập, dễ kiểm soát, số dân ít, lượng xe ít (70.000 người dân và khoảng 50.000 xe). Xe đi vào huyện Cần Giờ cũng chỉ vài cửa ngõ, sẽ thiết lập được vùng đệm để các xe nhiên liệu hóa thạch đi vào sẽ gửi bên ngoài và không được vào địa phận đó. Đồng thời tổ chức các xe công cộng xanh hoặc các xe cho thuê bằng điện để người dân có thể di chuyển thuận lợi.

Ông BÙI HÒA AN, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM

THY NHUNG - QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/co-hoi-vang-de-phu-song-xe-xanh-cho-giao-thong-viet-nam-post755034.html