Cơ hội vào trường công: Tăng sỹ số chỉ là giải pháp tạm thời

Một trong những giải pháp cấp bách mà ngành giáo dục Hà Nội đưa ra để tạo cơ hội cho thí sinh vào các trường công lập là cho phép các trường tăng từ 45 học sinh/lớp thành 50 học sinh/lớp.

Tuy nhiên, thực tế lâu nay, quá tải trường học diễn ra ở nhiều nơi, sĩ số ở một số trường đã thường xuyên vượt quá con số này. Nếu cho phép tăng, thực tế các phòng học có thể bị nhồi thêm nữa, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Vậy, đề xuất tăng sĩ số học sinh mỗi lớp sẽ có tác động ra sao? Việc nỗ lực xây thêm trường công, bổ sung thêm lớp, tăng thêm sỹ số, liệu có phải là giải pháp căn cơ và là hướng đi phù hợp để giảm quá tải trường học?

Nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại, nó sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học bởi sĩ số

Nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại, nó sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học bởi sĩ số

Với đề xuất tăng sĩ số lên 50 học sinh một lớp để đáp ứng nhu cầu về chỗ học ngày càng tăng, nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại, nó sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học bởi sĩ số như vậy, sẽ vất vả cho cả cô và trò:

“Thực tế hiện số lượng học sinh đã cao rồi, nếu đồng ý cho tăng thêm số lượng học sinh trong lớp học thì sợ rằng cơ sở vật chất của trường không đáp ứng được và học sinh cũng khó tập trung để học tập”.

“Phòng học thì nhỏ, bàn ghế cũng nhỏ mà các con ngày càng lớn, một bàn mà để 3 con cùng ngồi học sẽ không đảm bảo”.

“Giờ một lớp 50 cháu mà vẫn chỉ 1 cô giáo thôi thì sẽ khó cho các cô quản lý lớp học; khả năng tiếp thu của các con cũng kém đi vì thiếu sự quan tâm của giáo viên dành cho học sinh”.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc tăng sĩ số lớp học không chỉ tạo ra áp lực cho cả học sinh và giáo viên mà còn đi ngược lại mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục mà chúng ta đang hướng tới: “Xu thế ở các nước tiên tiến là giảm số lượng học sinh trong lớp, còn mình đi ngược lại. Muốn chất lượng thì phải giảm học sinh chứ không thể tăng học sinh. Hà Nội đưa ra giải pháp đó để học sinh cho đủ chỗ ngồi nhưng không có chất lượng. Một lớp chỉ có giới hạn, thầy dạy cũng có giới hạn thì làm sao tăng lên được”.

Đề xuất tăng sĩ số chỉ là giải pháp “chữa cháy” trong tình thế hiện nay

Đề xuất tăng sĩ số chỉ là giải pháp “chữa cháy” trong tình thế hiện nay

TS Hoàng Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng, đề xuất tăng sĩ số là giải pháp “chữa cháy” trong tình thế hiện nay. Cùng với đề xuất này Hà Nội phải có tính toán là sẽ tăng thêm được bao nhiêu chỗ học, góp phần giảm tải cho các trường học nội đô ra sao.

Đây là vấn đề theo ông Vinh cần tính toán kĩ vì nếu không cẩn thận, tăng lên được chỗ học mà chất lượng giảng dạy lại suy giảm.

“Cực chẳng đã thì phải tăng thêm, mỗi lớp bình thường theo thiết kế chỉ khoảng 30 học sinh thôi. Giờ Hà Nội trung bình là 40 học sinh đã là đông và đề xuất lên 50 thì sẽ ảnh hưởng đến quản lý lớp học. Giải pháp căn cơ là phải xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội để phát triển trường”.

Đề xuất tăng học sinh/lớp hay tăng lớp học/trường theo ông Nguyễn Quốc Bình, nguyên hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cũng là giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời. Muốn “hạ nhiệt” vấn đề quá tải trường hợp, các đô thị cần những giải pháp căn cơ hơn:

Vì nhầm lẫn trong quan niệm, nên xã hội có xu hướng đổ lỗi cho nhà nước không lo nổi chỗ học ở trường công

Vì nhầm lẫn trong quan niệm, nên xã hội có xu hướng đổ lỗi cho nhà nước không lo nổi chỗ học ở trường công

“Nếu chúng ta không có các giải pháp hợp lý và căn cơ lâu dài thì giải bài toán thiếu chỗ học cho học sinh và các lớp đầu cấp vẫn khó khăn. Nhà nước cần có phương án hỗ trợ giúp các trường tư thục hoặc mô hình trường học quốc tế để giảm bớt gánh nặng của nhà nước với trường công”.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, nguồn lực từ ngân sách Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, không thể một sớm một chiều đầu tư được đầy đủ hệ thống trường lớp theo nhu cầu. Giải pháp phù hợp có thể làm ngay là tạo cơ hội phát triển cho trường ngoài công lập:

“Nên tập trung nhiều hơn nữa để phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập; bởi hệ thống ngoài công lập sẽ chia sẻ áp lực rất lớn cho hệ thống công lập. Chúng ta phải có những chính sách nhiều hơn và hấp dẫn hơn nữa đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư vào giáo dục để phát triển loại hình ngoài công lập”.

Các chuyên gia giáo dục cũng đánh giá, hệ thống trường lớp ngoài công lập nếu phát triển tốt sẽ giúp giải “bài toán khó” về quá tải trường lớp. Đây cũng là xu hướng tất yếu phù hợp với sự phát triển của xã hội và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Với số lượng học sinh tăng quá nhanh, những năm qua, ở bậc học nào, Hà Nội cũng thiếu trường lớp. Thay vì loay hoay với sỹ số trong trường công thì giải pháp giảm quá tải còn đến từ sự phát triển của mạng lưới các trường ngoài công lập; từ việc giải quyết tốt cơ cấu giữa trường công và ngoài công lập.

Quá tải trường lớp nếu giải quyết bằng cách “gọt chân cho vừa giầy” hoặc “nhồi” thêm học sinh vào lớp sẽ chỉ khiến các hậu quả nặng nề hơn, mà người gánh chịu đầu tiên là con trẻ

Quá tải trường lớp nếu giải quyết bằng cách “gọt chân cho vừa giầy” hoặc “nhồi” thêm học sinh vào lớp sẽ chỉ khiến các hậu quả nặng nề hơn, mà người gánh chịu đầu tiên là con trẻ

Góc nhìn của VOV Giao thông: “Quá tải từ cơ cấu”

Sĩ số tối đa, diện tích bình quân tối thiếu ở các lớp phổ thông khối trường công lập tại đô thị đã khác rất nhiều so với tiêu chuẩn mà Bộ Giáo dục và đào tạo đưa ra cách đây nhiều năm, và khác cả con số đang đề xuất.

Việc đề xuất tăng sĩ số, vì thế chỉ là hợp thức hóa một vi phạm bất đắc dĩ mang tính phổ biến lâu nay. Nó không nên được nhìn nhận như một giải pháp, có chăng là giải quyết vấn đề danh hiệu hoặc thành tích nào đó mà các nhà trường đang bị thiệt thòi, chỉ vì sĩ số.

Học tập là quyền thiết yếu hàng đầu của trẻ em, Nhà nước và chính quyền các địa phương phải có trách nhiệm đảm bảo.

Nhưng cũng giống như câu chuyện nhà ở, đang có một sự nhầm lẫn khá căn bản trong quan niệm về trách nhiệm này. Nhà nước đảm bảo quyền học tập, quyền tiếp cận giáo dục, không có nghĩa phải đảm bảo cho mỗi trẻ em có một chỗ học ở trường công.

Trong một nền kinh tế phát triển theo hướng thị trường, hệ thống giáo dục công lập sẽ có chức năng ưu tiên đảm bảo cơ hội học tập cho trẻ em các gia đình thu nhập thấp, không đủ sức theo học trường tư.

Nói cách khác, trường công là để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận giáo dục. Và với xu hướng phát triển đó, giáo dục công lập chỉ đáp ứng khoảng 20-30%, còn lại là trường tư, như nhiều nền giáo dục tiên tiến đang làm. Nhưng ở Việt Nam, tỉ lệ này hoàn toàn ngược lại.

Vì nhầm lẫn trong quan niệm, nên xã hội có xu hướng đổ lỗi cho nhà nước không lo nổi chỗ học ở trường công.

Và cũng vì nhầm lẫn hoặc dưới sức ép của dư luận, ngay cả một số người có vai trò xây dựng chính sách, cũng đang tập trung vào hướng mở mang thêm cơ sở giáo dục công lập, rồi lại loay hoay kêu khó, vì đất chật, người đông và nguồn lực công có hạn.

Trong khi, sự lộn ngược của tỉ lệ đáp ứng giữa khối trường công và tư, chưa được nhìn nhận đúng.

Vì thế, giải bài toán quá tải trường công, cần tiếp cận từ chính các nguyên nhân căn cơ, với yếu tố đầu tiên là sự mất cân đối giữa khối công và tư, cả về tỉ lệ đáp ứng, mức học phí cũng như chất lượng. Cần tập trung ưu tiên các giải pháp để thu hẹp khoảng cách này.

Học phí trường công cần tính đúng, tính đủ, để nhà trường và giáo viên không phải còng lưng đáp ứng quá nhiều mục tiêu và kỳ vọng: vừa lo chất lượng tốt nhất, vừa thỏa mãn phụ huynh cao nhất, lại vừa phải xoay sở trong nguồn tài chính eo hẹp từ ngân sách và mức học phí chỉ bằng 1/5, 1/6 trường tư thục.

Quyền được đến trường và cơ hội học tập của trẻ em các gia đình khó khăn vẫn sẽ được đảm bảo, bằng cơ chế miễn giảm học phí, quan tâm hỗ trợ từ nhà trường và địa phương, với khảo sát đánh giá nghiêm túc hàng năm, đồng thời làm tốt việc huy động các nguồn lực ngoài xã hội.

Ngoài ra, để từng đồng học phí được sử dụng hiệu quả, ngành giáo dục cần có cơ chế giám sát, loại bỏ tất cả khoản đóng góp, chi tiêu không cần thiết được “ghé” vào học phí, nhằm giảm gánh nặng đóng góp của phụ huynh.

Khi học phí thấp không còn là ưu thế cạnh tranh, phụ huynh sẽ tự cân nhắc chủ yếu dựa trên chất lượng dạy và học. Vì thế, giải pháp song hành là kiểm soát và thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường công và tư, để dịch vụ giáo dục thực sự “tiền nào của nấy”.

Nhưng chất lượng giáo dục thế nào là đạt chuẩn, là thấp hay cao, lại phụ thuộc vào bộ tiêu chí đánh giá đầu ra do ngành giáo dục đào tạo ban hành, thông qua thi cử, tuyển chọn. Vì thế, muốn phụ huynh thay đổi quan niệm về chất lượng, cần bắt đầu bằng sự đổi mới bộ tiêu chí đánh giá chất lượng theo triết lý giáo dục mới, thay vì đánh giá bằng tiêu chí đang chủ yếu áp dụng với các trường công.

Khi cơ chế đãi ngộ tiệm cận nhau, cơ hội được đóng góp và ghi nhận như nhau, đội ngũ giáo viên giỏi cũng không nhất thiết phải cố bám trụ ở trường công, khiến cho các trường tư thục khó thu hút nhân lực chất lượng cao, như hiện tại. Cơ hội để thu hẹp khoảng cách chất lượng giữa hai khối trường công và trường tư sẽ tăng lên.

Tóm lại, quá tải trường lớp nếu giải quyết bằng cách “gọt chân cho vừa giầy” hoặc “nhồi” thêm học sinh vào lớp sẽ chỉ khiến các hậu quả nặng nề hơn, mà người gánh chịu đầu tiên là con trẻ. Chúng cần được đảm bảo cơ hội học tập bằng những lựa chọn của cha mẹ phù hợp với mức chi trả và định hướng giáo dục gia đình.

Còn việc của nhà nước và thị trường là tạo ra các lựa chọn, căn cứ trên các mẫu số chung về giá trị, để người học không phải bất đắc dĩ đổ xô vào một lựa chọn đó, dẫn đến quá tải triền miên.

Kiều Tuyết, Nguyễn Yên/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/co-hoi-vao-truong-cong-tang-sy-so-chi-la-giai-phap-tam-thoi-post1055825.vov