Cơ hội về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các trường đại học

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn cho biết, các chính sách đặc thù, vượt trội trong Luật Thủ đô 2024 đã tạo ra một khung pháp lý vững chắc để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo môi trường và đem lại nhiều cơ hội thuận lợi cho đội ngũ trí thức, người có tài năng phát huy và đóng góp trí tuệ của mình đối với sự phát triển của Thủ đô và đất nước.

Luật Thủ đô 2024

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học: “Tác động của Luật Thủ đô đến các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Hà Nội” ngày 31/10/2024. Ảnh: Trường Đại học Thủ đô

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học: “Tác động của Luật Thủ đô đến các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Hà Nội” ngày 31/10/2024. Ảnh: Trường Đại học Thủ đô

Nguồn lực con người to lớn

Chia sẻ về chính sách phát triển thu hút, trọng dụng người có tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Luật Thủ đô và tác động đến các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô 2024 là văn bản pháp lý quan trọng quy định các chính sách đặc thù, vượt trội nhằm phát huy vị trí, vai trò quan trọng, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đáp ứng yêu cầu và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự mong đợi của Nhân dân cả nước đối với Thủ đô.

Chiến lược Quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 31/7/2023, trong đó chỉ rõ mục tiêu: "xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài (cả trong và ngoài nước) đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa; khoa học xã hội; y tế; thông tin và truyền thông, chuyển đổi số... ".

Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII cũng đã xác định, phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 khâu đột phá quan trọng quyết định sự phát triển của Thủ đô nhằm hướng tới mục tiêu 2030 trở thành TP phát triển năng động, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn thông tin, Hà Nội có nguồn lực con người to lớn, với trên 51,7% dân số trẻ, tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước với hơn 70% trường đại học, trung tâm nghiên cứu, học viện; số nhà khoa học đầu ngành, Giáo sư, Phó Giáo sư, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước; 80% số phòng nghiên cứu khoa học trọng điểm của cả nước nằm trên địa bàn; có 2 khu công nghiệp công nghệ cao có trên 150 DN khoa học công nghệ (đứng đầu cả nước); dự kiến đến năm 2025 có 10.000 DN công nghệ số.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Trường Đại học Thủ đô

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Trường Đại học Thủ đô

Chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Luật Thủ đô 2024 là văn bản pháp lý quan trọng quy định các chính sách đặc thù, vượt trội nhằm phát huy vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đáp ứng yêu cầu và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự mong đợi của Nhân dân cả nước đối với Thủ đô; khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định của Luật Thủ đô năm 2012 nhằm củng cố cơ sở pháp lý thúc đẩy Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước cùng phát triển.

Chia sẻ về Điều 16 Luật Thủ đô 2024, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, tại khoản 1 Điều 16 hướng đến mục tiêu thu hút, trọng dụng những cá nhân xuất sắc, có tài năng, kinh nghiệm và đóng góp tích cực cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội, bất kể họ đang sinh sống và làm việc ở đâu. Chính sách này tuyển dụng không chỉ công dân Việt Nam đang sinh sống trong nước mà còn mở rộng ra cả những người đang làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, chính sách này cũng cho phép đa dạng hình thức hợp tác như tuyển dụng, tiếp nhận, ký hợp đồng làm việc. Đặc biệt, người được tuyển dụng, tiếp nhận hoặc ký hợp đồng sẽ được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi do HĐND TP quy định.

Cùng với đó, tại khoản 2 Điều 16 Luật Thủ đô 2024 cũng quy định về chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Để thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Thủ đô 2024, Hà Nội cần xác định rõ các ngành nghề mũi nhọn, có tiềm năng phát triển cao và phù hợp với định hướng phát triển của TP như công nghệ số, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghiệp bán dẫn, công nghệ chế tạo - tự động hóa, công nghệ môi trường, giảm phát thải các-bon, ứng phó với biến đổi khí hậu, tài chính, dịch vụ... Đồng thời, tăng cường đầu tư vào các chương trình đào tạo, nghiên cứu trong các lĩnh vực này, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Gợi ý với các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn thông tin, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TP Hà Nội mang đến nhiều cơ hội cho các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, đặc biệt là các trường, viện nghiên cứu thuộc TP Hà Nội. Theo đó, các trường, viện nghiên cứu cần xác định rõ những vị trí cần tuyển, những kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để đáp ứng mục tiêu phát triển của trường; tăng cường quảng bá hình ảnh, uy tín của trường trên các diễn đàn, hội thảo trong và ngoài nước; xây dựng một môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động, có cơ hội phát triển, thu nhập cạnh tranh để thu hút nhân tài; tham gia các hội thảo, hội nghị khoa học để kết nối với các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước.

Đồng thời, các trường, viện nghiên cứu cần tận dụng các nguồn ngân sách hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ, giảng viên; kết hợp với các DN để thực hiện các dự án nghiên cứu, đào tạo, tạo cơ hội thực tập cho sinh viên; hợp tác với các trường nước ngoài để thực hiện các dự án nghiên cứu chung; cập nhật chương trình đào tạo theo hướng liên kết chặt chẽ với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; tập trung đầu tư vào các ngành học mũi nhọn, có tiềm năng phát triển cao, những lĩnh vực được TP ưu tiên phát triển; tạo điều kiện để các nhà khoa học, giảng viên thực hiện các nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

Các trường, viện nghiên cứu cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương, tham gia các hội đồng tư vấn của TP để đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng chính sách; tăng cường sự hợp tác với các sở, ban, ngành, quận, huyện trên địa bàn TP thông qua các chương trình, đề án, nhiệm vụ TP đặt hàng; chủ động đề xuất các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đặc biệt là các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm để giải quyết những vấn đề lớn, cấp bách của TP.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn nêu quan điểm, có thể nói, các chính sách đặc thù, vượt trội trong Luật Thủ đô 2024 đã tạo ra một khung pháp lý vững chắc để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo môi trường và đem lại nhiều cơ hội thuận lợi cho đội ngũ trí thức, người có tài năng phát huy và đóng góp trí tuệ của mình đối với sự phát triển của Thủ đô và đất nước.

Đồng thời các chính sách về thu hút, trọng dụng người có tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Luật Thủ đô 2024 đã mở ra nhiều cơ hội cho các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là các trường, viện nghiên cứu thuộc Thủ đô Hà Nội. Việc tận dụng tốt các cơ hội này sẽ giúp các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, nâng cao vị thế và đóng góp tích cực vào sự phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của Thủ đô.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, đặc biệt trong những năm gần đây. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ quan điểm: “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững”.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/co-hoi-ve-phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-cho-cac-truong-dai-hoc-410453.html