Cổ kính chùa Ngọc Lộ (Thanh Hà)

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, chùa Ngọc Lộ ở xã Tân Việt (Thanh Hà, Hải Dương) vẫn giữ được nét uy nghi, trầm mặc, mang đậm dấu ấn kiến trúc xưa.

Chùa Ngọc Lộ lưu giữ 25 pho tượng cổ được tạc bằng gỗ mít có niên đại từ thế kỷ XIX

Chùa Ngọc Lộ lưu giữ 25 pho tượng cổ được tạc bằng gỗ mít có niên đại từ thế kỷ XIX

Kiến trúc tinh xảo

Nhiều người cho rằng chùa Ngọc Lộ vốn có tiếng linh thiêng nên còn được gọi là Linh My tự. Chùa nằm ở phía tây làng, được bao bọc bởi ruộng đồng, phía xa là dòng sông Vàng uốn lượn làm không gian, cảnh vật càng thêm thanh bình, yên tĩnh.

Hiện chưa rõ chùa Ngọc Lộ được xây dựng vào thời điểm cụ thể nào song nhiều tài liệu nghiên cứu cho rằng ngôi chùa này từng là chùa lớn nhất nhì phủ Nam Sách thời hậu Lê. Ngược dòng lịch sử, thời hậu Lê, thôn Ngọc Lộ có tên là Ngọc Than thuộc xã Cam Lộ, tổng Hoàng Xá, huyện Thanh Hà, phủ Nam Sách. Trước năm 1951, Ngọc Lộ thuộc xã Liên Hòa, sau đổi tên thành xã Tân Việt. Người dân Ngọc Lộ chủ yếu làm ruộng nên luôn có niềm tin vào Đức Phật để cầu mưa thuận, gió hòa. Vì lẽ này mà theo thời gian, chùa Ngọc Lộ vẫn giữ được hồn cốt xưa.

Tượng Phật cổ ở chùa Ngọc Lộ mang đậm bản sắc xứ Đông vừa mềm mại, vừa cứng cáp, khỏe khoắn

Tượng Phật cổ ở chùa Ngọc Lộ mang đậm bản sắc xứ Đông vừa mềm mại, vừa cứng cáp, khỏe khoắn

Chùa Ngọc Lộ có khuôn viên khá rộng với vườn cây trái sum suê. Ngoài tới chùa lễ Phật, nhân dân trong vùng và khách thập phương còn tới đây để chiêm ngưỡng kiến trúc đồ sộ và tương đối đồng bộ, đậm chất dân gian của chùa Ngọc Lộ. Chùa được thiết kế theo kiểu chữ công, gồm 3 công trình là bái đường, thượng điện và tăng đường.

Tòa bái đường có 5 gian được làm bằng gỗ lim vững chắc. Điểm độc đáo ở đây là có sự sáng tạo trong thiết kế giúp mở rộng không gian thờ tự. Toàn bộ bức cốn, xà đinh được chạm khắc cầu kỳ, bố trí đối xứng. Nghệ thuật điêu khắc tinh xảo được thể hiện rõ nét qua việc chạm trổ rồng, phượng, sóng nước. Nổi bật hơn cả là mảng cốn gian giữa chạm khắc long ngư quần thực, ở dưới chạm long mã và rùa ẩn mình trong lá sen. Bên trên có chim phượng sải cánh, các đầu dư chạm rồng. Thượng điện và nhà tăng của chùa Ngọc Lộ được thiết kế đơn giản hơn với điểm nhấn là phần mái lợp ngói mũi truyền thống.

Chùa Ngọc Lộ gây ấn tượng với nghệ thuật chạm khắc tinh xảo

Chùa Ngọc Lộ gây ấn tượng với nghệ thuật chạm khắc tinh xảo

Chùa Ngọc Lộ thờ Phật theo phái Đại thừa. Chùa đã trải qua nhiều lần tu sửa nhưng vẫn giữ được kiến trúc cổ xưa. Người dân trong vùng có công lớn trong việc đóng góp tu sửa chùa.

Không chỉ là ngôi chùa cổ kính với cảnh đẹp thanh bình, người dân hay lui đến lễ Phật cầu may mà chùa Ngọc Lộ còn là cơ sở cách mạng, kháng chiến tại địa phương. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chùa Ngọc Lộ là nơi tổ chức mít tinh, biểu tình chống thực dân Pháp, phát xít Nhật.

Trong kháng chiến chống Pháp, vườn chùa là nơi du kích đào hầm, chống quân Pháp càn quét. Vì thế, chùa Ngọc Lộ mang nhiều giá trị về văn hóa, kiến trúc, lịch sử, tâm linh.

Nhân dân Ngọc Lộ tổ chức giỗ tổ vào ngày 17/7 âm lịch hằng năm để tưởng nhớ sư cụ Nguyễn Văn Tôn, người có công xây dựng, gìn giữ và duy trì việc truyền bá Phật pháp tại chùa Ngọc Lộ.

Lưu giữ nhiều cổ vật quý

Chùa Ngọc Lộ là một trong số ít chùa ở Hải Dương lưu giữ được nhiều pho tượng Phật cổ. Hiện tại chùa có 25 pho tượng được tạc bằng gỗ mít có niên đại vào thế kỷ XIX. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo đánh giá, những pho tượng cổ ở chùa Ngọc Lộ mang đậm bản sắc xứ Đông vì được tạc thanh tú, chân thực, vừa mềm mại nhưng vẫn có phần cứng cáp, khỏe khắn. Những pho tượng quý này cần được gìn giữ và bảo tồn lâu dài.

Chùa còn lưu giữ 11 bia đá từ thời Lê, Nguyễn

Chùa còn lưu giữ 11 bia đá từ thời Lê, Nguyễn

Tượng Phật được bài trí trên bệ giật cấp trong tòa thượng điện. Bậc trên cùng là 3 pho Tam Thế ngồi trên tòa sen, bậc thứ hai ở giữa là tượng A Di Đà, bên cạnh là Tiên Đồng và Ngọc Nữ. Bậc thứ ba ở giữa là tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào và Bắc Đẩu ngồi hai bên. Bậc thứ tư, ngồi giữa 2 vị Quan Âm Bồ Tát là tượng Thích Ca Niệm Hoa trên tòa sen. Bậc thứ năm có tượng Di Lặc, hai bên là Quan âm Tọa Sơn. Bậc thứ sáu có tượng Thích Ca sơ sinh đứng trên tòa sen. Ngoài khu thượng điện, tượng Phật còn được bài trí tại khu nhà tăng, bái đường.

Ngoài hệ thống tượng Phật thì chùa Ngọc Lộ còn lưu giữ 11 tấm bia đá thời Lê và thời Nguyễn. Trên bia đá khắc chữ Hán với thông tin, nội dung rõ ràng về những lần trùng tu, tôn tạo chùa và ghi nhận công lao của nhân dân cung tiến xây dựng chùa. Bên cạnh đó, chùa còn giữ được 2 đạo sắc thời Nguyễn, tượng đá, chuông đồng, khám thờ, câu đối, đại tự… Đây đều là những cổ vật, di sản quý. Tuy được xây dựng từ khá sớm nhưng chùa Ngọc Lộ vẫn giữ được tương đối đồng bộ nét kiến trúc chữ công và là ngôi chùa cổ, đẹp ở Hải Dương. Năm 2001, chùa được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Chùa Ngọc Lộ là ngôi chùa cổ có kiến trúc đẹp ở Hải Dương

Chùa Ngọc Lộ là ngôi chùa cổ có kiến trúc đẹp ở Hải Dương

Là người dân thôn Ngọc Lộ, bà Nguyễn Thị Lai thường xuyên tới chùa vãn cảnh, cầu bình an. “Với mỗi người trong thôn, chùa không chỉ là nơi lễ Phật, cầu may mà còn nuôi dưỡng lòng hướng thiện. Vì thế, từ người già đến trẻ nhỏ đều thích tới chùa bất kể thời điểm nào trong năm chứ không riêng gì lễ, Tết”, bà Lai chia sẻ.

HOÀNG LINH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/co-kinh-chua-ngoc-lo-thanh-ha-405567.html