Cổ Lũng phát triển các mô hình kinh tế để giảm nghèo

So với nhiều địa phương trên địa bàn huyện Bá Thước, xã Cổ Lũng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Ngoài chăn nuôi và du lịch cộng đồng, địa phương còn tập trung chuyển đổi cơ cấu, đưa một số cây trồng có lợi thế nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng mức thu nhập cho Nhân dân.

Mô hình nuôi vịt Cổ Lũng của hộ gia đình anh Hà Văn Sinh ở thôn La Ca.

Mô hình nuôi vịt Cổ Lũng của hộ gia đình anh Hà Văn Sinh ở thôn La Ca.

Xã Cổ Lũng có giống thủy cầm đặc sản là vịt Cổ Lũng. Đây là giống vịt bản địa quý hiếm, có chất lượng thịt thơm, ngon không địa phương nào sánh được. Để phát huy lợi thế này, đồng thời góp phần bảo tồn nguồn gen giống vịt bản địa, xã đã tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi phát triển giống vịt địa phương. Hiện, nhiều hộ đã mở rộng quy mô chăn nuôi theo hình thức gia trại, đem lại nguồn thu nhập đáng kể.

Gia đình anh Hà Văn Sinh, thôn La Ca là một trong những hộ dân tích cực gìn giữ giống vịt bản địa nhiều năm nay. Hiện gia trại của anh có khoảng 2.300 con vịt giống và 350 con vịt thịt. Anh Sinh cho biết: "Nhận thấy đây là giống vịt đặc sản đang được người tiêu dùng đón nhận, nhất là khi Pù Luông trở thành điểm thu hút đông đảo khách du lịch. Hơn nữa lại có sẵn vốn kiến thức về chăn nuôi đã được học tại Khoa Nông Lâm, Trường Đại học Hồng Đức, tháng 4/2020 tôi đã quyết định chọn nuôi vịt thương phẩm là hướng đi để phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, góp phần cùng với chính quyền địa phương bảo tồn phát triển giống vịt quý hiếm. Để có nguồn giống phục vụ chăn nuôi, tôi đã vào các hộ nuôi vịt để gom trứng về ấp. Thời gian đầu, tôi chỉ dám nuôi 50 con vịt thịt và nơi nuôi thả là dòng suối Nủa. Ngoài thức ăn là ốc, cá và các sinh vật phù du, tôi còn bổ sung thêm nguồn cám ngô và thân cây chuối của gia đình trồng được cho vịt ăn. Chất lượng thịt thơm ngon nên vịt được người tiêu dùng đón nhận".

Thấy nuôi vịt đem lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với nuôi các loại gia súc, gia cầm khác nên anh Sinh đã tăng đàn và hiện đàn vịt thương phẩm luôn duy trì 350 con/lứa, 1 năm nuôi gần 3 lứa. Ngoài nuôi vịt thương phẩm, từ năm 2024 đến nay, anh thuê máy ấp trứng cung ứng con giống cho gia đình và phục vụ cho bà con trong xã với số lượng 2.300 con/lứa. Nguồn thu từ bán vịt giống và vịt thương phẩm đem lại cho gia đình anh từ 250 - 300 triệu đồng/năm.

Tại thôn Ấm Hiêu cùng xã, anh Hà Văn Sỹ lại lựa chọn du lịch cộng đồng để nâng cao thu nhập cho gia đình. Bởi theo anh, lợi thế trên địa bàn thôn có thác Hiêu đã được công nhận là danh thắng cấp tỉnh năm 2015 và nằm trong vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Đây là điểm đến yêu thích của dân phượt và các du khách nước ngoài ưa du lịch khám phá trong vài năm gần đây. Từ những lợi thế, kết hợp việc xã tuyên truyền, định hướng phát triển du lịch cộng đồng tại bản Ấm Hiêu, năm 2017, anh Sỹ quyết định đầu tư cải tạo nhà sàn, trồng hoa khuôn viên, tham gia dự án tập huấn, học hỏi cách chế biến các món ăn truyền thống như vịt Cổ Lũng, cá nướng... để phục vụ du khách. Hiện dịch vụ homestay của gia đình anh mỗi năm đem lại khoản thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng.

Ông Lương Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng cho biết: Hiện trên địa bàn xã có hàng trăm hộ tham gia các mô hình phát triển kinh tế. Trong đó, nuôi vịt Cổ Lũng có 1 doanh nghiệp và 1 HTX, 150 hộ tham gia nuôi với tổng đàn hơn 20.000 con. Trong đó, có 7 hộ nuôi giống vịt bản địa Cổ Lũng đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hộ phát triển du lịch cộng đồng có 24 hộ. Nhìn chung, dù ở lĩnh vực nào, các mô hình đều phát huy hiệu quả, tạo việc làm, doanh thu cho các hộ. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện nay còn 27,01% và hộ cận nghèo là 25,27%. Ngoài các mô hình trên, xã đang phát triển mô hình trồng cây dược liệu chè hoa vàng với diện tích gần 1ha, tại thôn Eo Điếu. Loại cây này sau 4 năm trồng, sẽ cho thu hoạch. Hiện 1kg chè hoa vàng khô có giá trên thị trường khoảng 8 triệu đồng.

Bài và ảnh: Minh Lý

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/co-lung-phat-trien-cac-mo-hinh-kinh-te-de-giam-ngheo-33772.htm