Có lượng bia nào an toàn cho phụ nữ mang thai?

Mọi người gần như đều biết phụ nữ mang thai không được uống rượu. Nhưng nhiều người thắc mắc liệu uống vài ngụm bia có ổn không.

 Chuyên gia khẳng định không có lượng bia nào là an toàn cho phụ nữ mang thai. Ảnh: Intermed.

Chuyên gia khẳng định không có lượng bia nào là an toàn cho phụ nữ mang thai. Ảnh: Intermed.

Nhiều người cho rằng uống một lượng bia nhỏ sẽ không ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi vì loại đồ uống này có nồng độ cồn thấp. Một số người khác tin rằng bia không cồn hoàn toàn an toàn cho mẹ bầu.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Layan Alrahmani, chuyên gia sản phụ khoa và nhi khoa ở Mỹ, không lượng bia nào được coi là an toàn để tiêu thụ trong thời kỳ mang thai. Ngay cả loại bia được dán nhãn “không cồn” cũng có thể chứa một ít cồn.

Đây là lý do các chuyên gia y tế khuyên phụ nữ tránh uống bia khi mang thai. Trên Health, tiến sĩ Alrahmani giải thích việc uống bia gây nguy hiểm cho thai kỳ và em bé như thế nào.

Rủi ro khi uống bia trong thai kỳ

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC) và Đại học Sản phụ khoa Mỹ (ACOG) khẳng định không có lượng bia nào hoặc bất kỳ loại bia nào là an toàn để uống trong thời kỳ mang thai.

Tiến sĩ Layan Alrahmani nhấn mạnh lại khi mang thai, bất kỳ loại đồ uống có cồn nào đi vào máu của thai phụ đều truyền sang con qua dây rốn. Do đó, phụ nữ không nên uống bất kỳ lượng bia nào nếu đang mang thai.

Uống bia khi đang mang thai có thể khiến thai kỳ có nguy cơ biến chứng và gây sảy thai, sinh non hay trẻ khuyết tật suốt đời. Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy mỗi tuần uống bia, rượu trong khoảng thời gian từ tuần thứ 5 đến tuần thứ 10 của thai kỳ làm tăng 8% nguy cơ sảy thai.

Ngoài ra, một đánh giá năm 2019 cho thấy những người mang thai uống từ 5 đồ uống có cồn trở xuống mỗi tuần, mỗi lần uống thêm mỗi tuần sẽ tăng 6% nguy cơ sảy thai. Uống bia, rượu khi mang thai cũng làm tăng nguy cơ thai chết lưu - tình trạng em bé chết trước hoặc trong khi sinh sau 20 tuần tuổi thai.

 Phụ nữ tuyệt đối không uống bia, kể cả loại dán nhãn không cồn, khi đang mang thai. Ảnh: Rex.

Phụ nữ tuyệt đối không uống bia, kể cả loại dán nhãn không cồn, khi đang mang thai. Ảnh: Rex.

Bia ảnh hưởng đến thai nhi

Một trong những mối quan tâm lớn nhất liên quan đến việc uống bia, rượu trong thời kỳ mang thai là tác hại của nó đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh. Thai nhi không thể phân hủy cồn như người lớn. Bất kỳ loại đồ uống có cồn nào được truyền cho thai nhi, từ máu của mẹ qua dây rốn, đều có thể tồn tại trong cơ thể chúng trong thời gian dài.

Khi cơ thể bị hủy hoại do rượu, bia, em bé sẽ sinh ra với một nhóm khuyết tật được gọi là hội chứng rượu bào thai (FAS). Ảnh hưởng của hội chứng này có thể kéo dài suốt đời.

Trẻ em mắc hội chứng rượu bào thai có thể gặp phải:

Nhẹ cân nặng khi chào đời
Các vấn đề về thị giác và thính giác
Chậm phát triển
Khó tập trung và chú ý
Các vấn đề về học tập và hành vi ở trường
Khó giao tiếp xã hội
Các vấn đề về y tế và hành vi trong suốt cuộc đời, trẻ có thể cần hỗ trợ
Dễ bị rối loạn lạm dụng chất gây nghiện

Uống nhiều rượu, bia khi mang thai (khoảng 5 ly một ngày) cũng có thể dẫn đến sinh non hoặc sinh con trước 37 tuần. Uống rượu, bia trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba của thai kỳ làm tăng nguy cơ sinh non.

Trẻ sinh non thường gặp các vấn đề về sức khỏe do cơ thể chưa phát triển đầy đủ. Các biến chứng sức khỏe đối với trẻ sinh non bao gồm:

Các vấn đề về hô hấp
Vấn đề ăn uống
Các vấn đề về nghe, nhìn
Bại não
Chậm phát triển
Ngoài ra, trẻ sinh sớm hơn 32 tuần có nhiều khả năng tử vong hoặc khuyết tật.

Uống bia ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai

Uống bia khi mang thai cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ. Vấn đề này cần được nghiên cứu nhiều hơn nhưng dường như có mối quan hệ giữa việc uống rượu và huyết áp cao khi mang thai. Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy những người mang thai uống hơn 12,5 ly đồ uống có cồn mỗi tuần có tỷ lệ mắc chứng rối loạn huyết áp cao liên quan đến thai kỳ cao hơn.

Huyết áp cao khi mang thai (về mặt y học được gọi là tăng huyết áp thai kỳ) thường biến mất sau khi sinh, nhưng nó có thể khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp mạn tính sau này. Các rối loạn huyết áp cao liên quan đến thai kỳ như tiền sản giật và sản giật cũng có thể gây ra các biến chứng lâu dài, đe dọa tính mạng cho em bé cũng như mẹ.

Tiền sản giật có thể dẫn đến tổn thương, suy nội tạng, sinh non, các vấn đề sức khỏe ở trẻ sơ sinh, sảy thai và đột quỵ. Nếu một người mang thai bị sản giật, họ có thể bị co giật dẫn đến hôn mê hoặc tử vong.

Bia không cồn có an toàn không?

Nếu thèm bia khi mang thai, nhưng không muốn uống rượu, thai phụ có thể tự hỏi liệu uống bia không cồn có an toàn không. Tuy nhiên, hầu hết chuyên gia cũng khuyên phụ nữ không nên uống bia không cồn khi mang thai.

Lý do là ngay cả các loại bia được dán nhãn không cồn cũng chứa lượng cồn nhất định. Các nghiên cứu cho thấy những loại đồ uống này thường có lượng cồn cao hơn so với thông tin trên nhãn.

 Trong thời kỳ cho con bú, người mẹ cũng cần cân nhắc kỹ về thời điểm, lượng bia họ uống. Ảnh: Shutterstock.

Trong thời kỳ cho con bú, người mẹ cũng cần cân nhắc kỹ về thời điểm, lượng bia họ uống. Ảnh: Shutterstock.

Khi nào thì an toàn để uống bia?

Sau khi sinh và khi cho con bú, hầu hết sản phụ có thể uống một hoặc hai ly bia miễn là họ được nhân viên y tế cho phép. Tuy nhiên, họ cần đảm bảo việc uống bia đó không ảnh hưởng đến chuyện chăm sóc em bé. Khi uống bia, người mẹ nên có một người chăm sóc tỉnh táo khác ở bên cạnh.

Điều quan trọng nữa là đừng bao giờ ngủ trên cùng giường hoặc cùng chỗ ngủ với em bé khi bạn đang chịu ảnh hưởng từ rượu, bia. Điều này có thể làm tăng nguy cơ trẻ bị ngạt thở hoặc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).

Nếu đang cho con bú, bạn vẫn có thể uống bia song cần uống điều độ, đúng thời điểm. CDC khuyến nghị mỗi lần uống, phụ nữ đang cho con bú không nên uống quá 360 ml bia loại nồng độ cồn 5%. Ngoài ra, nồng độ cồn trong sữa mẹ cao nhất từ 30 đến 60 phút sau khi uống. Do đó, CDC khuyến nghị nên đợi 2-3 giờ sau khi uống một cốc bia, sản phụ mới cho bé bú.

Nồng độ cồn trong sữa mẹ tương đương nồng độ cồn trong máu người mẹ. Vì vậy, thời gian cồn tồn tại trong sữa mẹ cũng phụ thuộc vào lượng bạn uống, tốc độ uống, cân nặng của bạn cùng chế độ ăn uống khác.

Nguyên Lê

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/co-luong-bia-nao-an-toan-cho-phu-nu-mang-thai-post1440989.html