Cỗ máy giá hơn 10 tỷ đồng, hứa bán… 1 triệu đồng?
Nhằm mục đích cơ giới hóa để nâng cao sản lượng và tiết kiệm chi phí tại vùng nguyên liệu mía, một nông dân phải thuê máy thu hoạch với giá cao ngang bằng mua máy mới. Do việc ký kết hợp đồng không rõ ràng, người thuê máy có nguy cơ mắt trắng nhiều tỷ đồng.
Thuê máy hay mua máy?
Ông Ngô Minh Chí (SN 1979, ngụ tổ 1, Phước Tây, Long Phước, Bến Cầu, Tây Ninh) trình bày: Ông là nông dân trồng mía. Được biết, Chính phủ có chính sách hỗ trợ nhằm giảm thiểu tổn thất trong nông nghiệp (Quyết định 68/2013/QĐ-TTg), trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại để mua máy móc thiết bị, đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và cá nhân. Nhận thấy nếu tự liên hệ với công ty nước ngoài để mua sẽ khó khăn về thủ tục, ông muốn nhờ Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (gọi tắt là TTC) hỗ trợ mua máy, nhưng do làm ăn thua lỗ, còn nợ TTC nên ông Chí nhờ ông Nguyễn Đăng Thuận (Phó Chủ tịch Hiệp hội mía đường Tây Ninh) bảo lãnh, mua giúp một máy thu hoạch mía. Qua trao đổi và được TTC đồng ý hỗ trợ bán máy không lãi suất, ông Thuận thế chấp Giấy chứng nhận QSDĐ của mình để mua máy thu hoạch mía hiệu Johndeere CH570, giá 10.005.600.000 đồng (tính tròn 10 tỷ đồng) cho ông Chí.
Thỏa thuận là mua máy, nhưng các bên lại ký "Hợp đồng cho thuê tài sản" có nội dung: TTC cho ông Thuận thuê máy thu hoạch mía trong thời hạn 3 năm với giá thuê 10 tỷ đồng, hai năm đầu không tính lãi, năm thứ ba lãi suất 0,4%. Cùng ngày ký hợp đồng thuê, TTC ký hợp đồng hứa bán tài sản, cam kết khi kết thúc thời hạn thuê thì bán cho ông Thuận máy thu hoạch mía với giá 1 triệu đồng. Ngày 06/01/2020, hai bên thực hiện bàn giao và nghiệm thu máy, đại diện bên nhận có ông Thuận và ông Chí cùng ký tên, thực tế ông Chí là người nhận máy và trực tiếp quản lý, sử dụng.
Sau 2 năm thuê máy, tháng 01/2022, lấy lý do ông Thuận tự ý giao máy cho ông Chí mà không được sự đồng ý của công ty, TTC đề nghị ngừng thu hoạch đối với diện tích mía của ông Chí, lập biên bản việc ông Thuận vi phạm hợp đồng thuê và khởi kiện ra tòa án yêu cầu đình chỉ thực hiện hợp đồng. Ông Thuận cho rằng ông là trung gian mua máy giúp vì ông Chí không có tài sản thế chấp và còn thiếu tiền đầu tư của TTC, việc bàn bạc mua máy các bên cùng thống nhất thể hiện qua việc TTC trực tiếp giao máy cho ông Chí. Phương thức thanh toán là TTC thống kê sản lượng mía thu hoạch được, khấu trừ 50% giá trị sản lượng, còn 50% giao cho ông Chí để duy trì hoạt động, bảo dưỡng sửa chữa và trả tiền nhân công, khi sản lượng thu hoạch không đủ thì trừ vào sản lượng mía của ông. Ông Chí là người trả tiền, ký tên trên các phiếu thanh toán.
Đại diện TTC xác nhận vào ngày bàn giao máy có ông Chí đi cùng ông Thuận, công ty đồng ý cho ông Chí ký tên với tư cách là người chứng kiến. Tuy nhiên, trong biên bản bàn giao thể hiện ông Chí và ông Thuận là đại diện bên nhận hàng, ông Chí không phải là người chứng kiến. Điều này được chính người bàn giao máy là ông Nguyễn Ngọc Lam thừa nhận. Ngoài ra, TTC cũng xác nhận trong vụ thu hoạch 2021 - 2022, ông Chí sử dụng máy để thu hoạch mía nhưng vi phạm hợp đồng ứng vốn, không bán mía cho công ty, từ đó yêu cầu ông Thuận ngừng thu hoạch mía của ông Chí. Những chứng cứ nêu trên cho thấy TTC biết rõ ông Chí là "chủ sử dụng" máy chứ không phải là người "xài ké” máy của ông Thuận, khi xảy ra mâu thuẫn trong việc bán mía thì TTC kiện đòi và thu hồi máy giữa vụ thu hoạch, gây thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.
Hợp đồng thuê máy có phải là giả tạo?
Tại phiên xét xử sơ thẩm, Tòa án nhận định hợp đồng cho thuê tài sản có hiệu lực vì ông Thuận thừa nhận chữ ký trên hợp đồng, không có chứng cứ về việc mua máy. Tuy nhiên, khi lấy lời khai người làm chứng thì thể hiện có việc bàn giao máy thu hoạch mía giữa TTC và ông Chí, không xác định lý do vì sao TTC giao cho ông Chí nhận, quản lý. Các phiếu tính tiền, giấy đề nghị thu hồi nợ ghi tên khách hàng là ông Thuận nhưng người ký tên nộp là ông Chí. Ông Chí khai đã trả cho TTC hơn 5,036 tỷ đồng gồm 4,846 tỷ tiền gốc và 189,8 triệu tiền lãi để mua tài sản bằng hình thức trả chậm.
Bà Phạm Kim Anh, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Chí cho rằng hợp đồng thuê máy và hợp đồng hứa bán tài sản thực chất là che dấu việc mua trả chậm, trả dần máy thu hoạch mía giữa TTC và ông Thuận, thể hiện ở giá thuê và giá hứa bán. Tổng giá trị hợp đồng cho thuê máy hơn 10 tỷ đồng, tương đương với giá trị tài sản nên giá bán máy chỉ có 1 triệu đồng. Đây là giá danh nghĩa của hợp đồng cho thuê tài chính quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 39/2014/NĐ-CP: Bên cho thuê tài chính cam kết mua tài sản cho thuê tài chính theo yêu cầu của bên thuê và nắm giữ quyền sở hữu đối với tài sản trong suốt thời hạn cho thuê. Bên thuê tài chính sử dụng tài sản và thanh toán tiền thuê trong suốt thời hạn thuê quy định trong hợp đồng.
Điều 113 Luật tổ chức Tín dụng 2010 cũng quy định: Khi kết thúc thời hạn cho thuê theo hợp đồng, bên thuê được nhận chuyển quyền sở hữu tài sản cho thuê hoặc được ưu tiên mua tài sản cho thuê theo giá danh nghĩa thấp hơn giá trị thực tế của tài sản cho thuê tại thời điểm mua lại. Tổng số tiền thuê tài sản ít nhất phải bằng giá trị tài sản đó tại thời điểm ký hợp đồng.
Căn cứ Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, TTC sử dụng vốn vay từ ngân sách do Nhà nước hỗ trợ mức vay bằng 100% giá trị hàng hóa, hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong hai năm đầu, 50% trong năm thứ ba để mua máy thu hoạch mía. TTC cho ông Thuận thuê trong 3 năm với giá bằng giá trị của tài sản và hết thời hạn thuê thì được mua với giá danh nghĩa 1 triệu đồng. Về bản chất, đây là hợp đồng cho thuê tài chính, trong khi TTC không đăng ký kinh doanh ngành tài chính, tín dụng, không đảm bảo chủ thể giao kết nên hợp đồng này vô hiệu.
Tuyên án một đằng, viết án một nẻo
Ông Chí bức xúc giãi bày, quyết định đưa vụ án ra xét xử số 51/2023/QĐXXST-DS của TAND huyện Tân Biên ghi: Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn là bà Huỳnh Bích Ngọc (Chủ tịch Hội đồng quản trị TTC), bà Ngọc ủy quyền cho ông Lê Đức Tồn (Giám đốc nhà máy TTCS), ông Tồn ủy quyền cho ông Phạm Văn Tình và ông Nguyễn Văn Trúc. Trong phiên tòa xét xử công khai ngày 12/12/2023, tuyên án ngày 19/12/2023, Thẩm phán Nguyễn Hoàng Hải - Chủ tọa phiên tòa công bố những người tham gia tố tụng vẫn giữ nguyên nội dung như trên. Nhưng bất ngờ, bản án số 51 lại viết: Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn là bà Đặng Huỳnh Ức My (Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị TTC), bà My ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Thủy Tiên (Giám đốc nhà máy TTCS), bà Tiên ủy quyền cho ông Phạm Văn Tình và ông Nguyễn Văn Trúc.
Cũng trong bản án này, HĐXX nhận định "các phiếu chi tiền công đốn, băm lượm, tiền máy thu hoạch, vận chuyển mía... do ông Chí cung cấp thể hiện, đơn vị chi tiền thanh toán là Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Phước Điền, không phải là cá nhân ông Ngô Minh Chí, nhưng không đưa HTX vào tham gia tố tụng để làm rõ vì sao đơn vị này chi tiền mua máy thu hoạch mía cho ông Chí hay thanh toán tiền thuê máy cho ông Thuận?
Bản án tuyên đình chỉ giải quyết yêu cầu độc lập của ông Chí đối với ông Thuận yêu cầu trả số tiền 5,98 tỷ đồng (ông Chí đã trả cho TTC) là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vì yêu cầu này đã được thụ lý, nộp tạm ứng án phí. Sau đó, ông Chí rút đơn khởi kiện nhưng Tòa án không ra quyết định đình chỉ vụ án, không cho nhận lại tiền tạm ứng án phí mà buộc đương sự đóng tạm ứng án phí cho yêu cầu khởi kiện của người có quyền và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án giữa TTC và ông Thuận, xét xử luôn trong Bản án số 51/2023/DS-ST mà không ra quyết định nhập vụ án.
Đơn kháng cáo của ông Chí đặt câu hỏi: Cùng một ngày mà TTC ký 2 hợp đồng thuê tài sản và hợp đồng hứa bán tài sản, có phải để hợp thức hóa việc mua trả chậm máy thu hoạch mía với giá 10.005.600.000 đồng? Nếu là hợp đồng thuê thì đã lấy tiền thuê, sao lại còn tính lãi? Tại sao khi thu hồi máy (do thi hành Quyết định yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời) khiến người thuê không sử dụng được tài sản thuê mà TTC vẫn thu tiền thuê 1.515.000.000 đồng. Liệu có doanh nghiệp nào "hào sảng" hỗ trợ nông dân mua cỗ máy trị giá hơn 10 tỷ chỉ với 1 triệu đồng?