Có một Bộ trưởng Bộ Quốc phòng không chỉ lãnh đạo bằng quân lệnh
Ấn tượng đầu tiên và khiến tôi nhớ mãi đó là hình ảnh của một vị Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với nụ cười thật hiền, rất gần gũi, cởi mở với phóng viên, báo chí. Gần ông, được làm việc với ông, tôi có cảm giác rằng Bộ trưởng không chỉ lãnh đạo, chỉ đạo bằng quân lệnh.
Tôi có cơ hội lần đầu gặp Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi còn là công nhân viên quốc phòng, công tác tại Trung tâm Thông tin Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng, tham gia phỏng vấn Bộ trưởng về các Hội nghị quân sự - quốc phòng ASEAN năm 2010, khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN. Lúc đó, Trung tâm Thông tin Khoa học Quân sự được giao nhiệm vụ phụ trách website của Bộ Quốc phòng về các Hội nghị quân sự - quốc phòng ASEAN năm 2010 (admm.vn; admm.org.vn).
Hôm đó, sau khi trả lời hết các câu hỏi dự kiến của phóng viên, Bộ trưởng quay sang hỏi: “Còn cô, chú nào cần hỏi gì nữa không?”. Có một đồng chí phóng viên mạnh dạn: “Chúng cháu xin được chụp ảnh chung với Thủ trưởng ạ!”. Và đó là bức hình đầu tiên tôi được chụp với Bộ trưởng ngay tại phòng làm việc của ông. Sau đó, theo các sự kiện quân sự, quốc phòng, tôi còn có vài lần được gặp Bộ trưởng và lần nào ông cũng ân cần hỏi phóng viên, báo chí. Có lần Đại tướng nói vui với tôi: “Cô còn giữ rất nhiều bí mật của tôi, hôm nào gửi cho tôi để tôi làm ảnh kỷ niệm”. Đó là những ký ức thật đẹp trong đời quân ngũ của tôi khi còn làm phóng viên tác nghiệp tại các sự kiện đối ngoại quốc phòng năm 2010.
Cuối năm 2012, tôi được chuyển sang công tác tại Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng và có nhiều cơ hội được phục vụ các hoạt động đối ngoại do Bộ trưởng chủ trì hơn. Có lần, tôi được phân công chuẩn bị nội dung họp báo của Bộ trưởng sau khi kết thúc hoạt động đối ngoại. Trước khi họp báo, ta và bạn đã thống nhất, các nội dung chiến lược cần trao đổi hai Bộ trưởng đã nói rõ trong hội đàm nên họp báo về giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới chỉ tập trung vào ý nghĩa và kết quả tốt đẹp của hoạt động này. Nhưng khi họp báo diễn ra bên nước bạn, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh một lần nữa nhắc lại quan điểm của Việt Nam về vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Sau đó, gặp tôi, Đại tướng nói: “Chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Ta làm đối ngoại là để bảo vệ Tổ quốc, để mang lại lợi ích cho đất nước, phục vụ nhân dân; làm đối ngoại để phục vụ đối nội, để cho người dân yên tâm, tin tưởng vào chính sách đối ngoại, quan điểm, lập trường nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về chủ quyền lãnh thổ”. Lời chỉ bảo của Bộ trưởng đã trở thành định hướng, kim chỉ nam trong mọi công việc chuyên môn của tôi sau này, khi được phân công dự thảo bài viết phục vụ Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Cục Đối ngoại cũng như khi dự thảo các nội dung liên quan đến đối ngoại quốc phòng: Vì lợi ích quốc gia, dân tộc luôn là mục tiêu cao nhất trong mọi hoạt động đối ngoại quốc phòng.
Trong một chuyến công tác, ngay sau khi kết thúc hội đàm giữa đồng chí Thứ trưởng và người đồng cấp, tôi được phân công viết báo cáo để chuyển ngay về xin ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng. Bản báo cáo đó với bút tích chỉ đạo, định hướng rõ ràng của ông được tôi nâng niu, giữ gìn như một tài liệu quý. Và tôi luôn mong rằng vào thời điểm thích hợp, tài liệu này sẽ được trưng bày ở Nhà truyền thống ngành đối ngoại quốc phòng của Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng để các thế hệ chúng tôi và sau này được hiểu hơn về một trong những chỉ đạo của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam với công tác đối ngoại quốc phòng.
Trong cuộc sống đời thường, Đại tướng rất dung dị và gần gũi với những người lính chúng tôi. Có lẽ, những phẩm chất đó đã được hình thành trong suốt quá trình Đại tướng rèn luyện từ thực tế chiến đấu, trưởng thành từ người lính, từ những năm tháng lăn lộn trên khắp các chiến trường và trải qua nhiều vị trí công tác, chỉ huy từ cấp tiểu đội cho đến khi được giao trọng trách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Có lần ông nói: “Các đồng chí trợ lý nhìn thấy thủ trưởng là không được lánh đi chỗ khác mà phải chủ động nêu ý kiến với thủ trưởng”. Phải chăng do hiểu được tâm lý e dè của những người cấp dưới chúng tôi khi tiếp xúc với thủ trưởng nên ông luôn ân cần, chủ động hỏi han để hiểu rõ hơn về công việc và tâm tư những người lính của mình.
Trong lần giao lưu quốc phòng biên giới Việt - Trung lần thứ 3 vào năm 2016, trong thời gian nghỉ ăn trưa, tôi mạnh dạn đến xin phép Bộ trưởng cho được chụp ảnh kỷ niệm cùng với ông. Đại tướng hỏi chuyện tôi về công việc và đồng ý chụp ảnh sau khi họp báo xong. Sau đó, các hoạt động đối ngoại trong ngày cứ cuốn đi. Họp báo do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hai nước chủ trì với rất đông báo chí của hai nước tham dự. Lúc đó tôi nghĩ, Bộ trưởng đang bận nhiều việc như thế thì chắc không thể nhớ đến lời đề nghị của một người như tôi. Thế nhưng ngay sau khi họp báo kết thúc, Đại tướng vẫn nán lại trên khán đài và quay ra hỏi: “Cô bộ đội lúc nãy đề nghị chụp ảnh với tôi đâu nhỉ?”. Tất cả mọi người ngơ ngác không hiểu chuyện gì, còn tôi trống ngực đập thình thịch, vừa từ phía cuối hội trường chạy lên, vừa nói: “Báo cáo thủ trưởng, cháu đây ạ!”. Và sau đó, không chỉ tôi, các phóng viên báo chí cũng chạy ùa lên chụp ảnh chung với ông.
Là một quân nhân, trên bước đường phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành trong quân ngũ, tôi thực sự cảm thấy thật may mắn vì đã có những tháng ngày được phục vụ một vị Bộ trưởng có phong cách gần gũi, ân cần và thấu hiểu những người cấp dưới của mình như Đại tướng Phùng Quang Thanh. Những ký ức về Đại tướng sẽ luôn khích lệ và tạo động lực cho chúng tôi có thêm nhiều sức mạnh và ý chí chiến đấu, để xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân...
Thiếu tá TRẦN THỊ NGỌC OANH - Trưởng ban Thông tin - Truyền thông Đối ngoại, Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng