Có một 'chúa kềnh' giữa lòng bản Mông
Dành cả cuộc đời để lưu giữ thứ thanh âm độc đáo của tiếng khèn, ông Sùng A Tủa, 58 tuổi (bản Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn) là một trong số ít người dân tộc Mông còn thành thạo thổi và múa khèn.
Giữ gìn “bảo vật” mang giá trị tâm linh
Trong tiếng Mông, khèn còn được gọi là “chúa kềnh”. Đối với họ, khèn chính là âm thanh của cuộc sống, là linh hồn của đồng bào dân tộc. Người Mông nghe tiếng khèn từ lúc lọt lòng mẹ cho đến khi nhắm mắt từ giã cõi đời. Cứ đến dịp lễ hội, họ lại có điệu khèn khác nhau, điệu dùng cho đám cưới, điệu dùng cho đôi lứa giao duyên, rồi có điệu dùng riêng khi tiễn đưa người đã khuất… Những câu chuyện của cuộc sống, của trời và đất được kể bằng giai điệu ngân nga.
“Người Mông khi vui, khi buồn đều mang khèn ra thổi như gửi gắm cả tâm tư, tình cảm của mình vào đó. Điều đặc biệt là ở khèn có những âm thanh sóng đôi hay còn gọi là "pò mè" - tức là bố mẹ. Đó là triết lý âm - dương, sự sinh sôi phát triển của cuộc sống được gửi gắm trong điệu khèn”, ông Sùng A Tủa bộc bạch.
Ông Sùng A Tủa là một trong số ít người biết thổi và khèn tại bản Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Chia sẻ về cái duyên đến với cây khèn Mông, ông Tủa kể, thủa nhỏ, mỗi lần theo cha xuống núi đi chợ phiên, đi chơi hội “gầu tào”, tiếng khèn đã hằn sâu vào tâm trí. Ngày đó, cũng như bao chàng trai Mông khác, ông học thổi khèn để chứng tỏ mình là một chàng trai mạnh mẽ. Năm 12 tuổi, ông bắt đầu biết thổi bài khèn đầu tiên. Đến năm 18 tuổi, nhờ tiếng khèn mà ông đã khiến cô gái đẹp nhất nhì bản Mỹ Á ngày ấy xiêu lòng và theo về làm vợ.
“Thanh âm của khèn như ngàn tiếng sáo, tiếng tiêu, tiếng ống bầu tre nứa hợp thành. Người thổi khèn có thể tạo tác ra âm thanh trầm vút, bay bổng, cũng có thể thổi ra những âm trầm buồn, ai oán tùy theo những bài khèn được học”, ông Sùng A Tủa chia sẻ.
Khèn Mông gồm 2 bộ phận chính là bầu khèn và ống khèn, ngoài ra còn có dây đai và lưỡi gà.
Theo ông Tủa, khèn Mông có 2 loại, loại có âm thanh bổng là khèn ngắn và loại có âm thanh cao là khèn dài. Khèn gồm 6 ống trúc nằm ngang nối với 1 ống trúc dọc qua bầu gỗ nhỏ, mỗi ống trúc ngang đều có khoét lỗ và gắn 1 lá đồng để tạo âm thanh, riêng ống to và ngắn nhất gắn 2 lá đồng.
Các dóng trúc ghép vào bầu khèn được sắp xếp theo bậc thang, để tiếng khèn lúc cất lên cảm nhận như âm thanh "chảy" lan trong lòng trúc, quyện với bầu thông đá, kim giao hoặc pơ mu thơm và quý.
Những điều trăn trở
Dường như để chống chọi, thích nghi với sự khắc nghiệt của núi rừng, tiếng khèn của người Mông cũng mạnh mẽ, kiên cường như cuộc sống của họ. Người thổi được khèn và biết múa khèn phải trải qua một quá trình lao động nghệ thuật bền bỉ, công phu và kiên trì. Bởi khi vừa thổi vừa múa đòi hỏi phải sử dụng nhiều động tác vô cùng nhuần nhuyễn.
Động tác múa khèn cơ bản là khom lưng, quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoắn ốc…, với tốc độ càng nhanh càng điêu luyện.
“Học thổi khèn Mông rất khó, dù học nhiều cũng khó có thể am hiểu hết được những giai điệu của khèn. Để trở thành một người thổi khèn giỏi, người con trai Mông phải tập khèn từ 12 - 13 tuổi, có thân hình khỏe, mềm dẻo, nhịp nhàng, nhưng quan trọng hơn cả là cách lấy hơi, rèn khí để hơi được sâu, được dài”, ông Tủa chia sẻ.
Ngày ngày, dưới hiên nhà, ông Tủa vẫn tấu lên những giai điệu phơi phới niềm vui bên chiếc khèn.
“Bọn trẻ bây giờ không chịu học thổi khèn nữa, chúng toàn nghe những loại nhạc bập bùng ở đâu đó, tôi đã dạy cho bao nhiêu đứa nhưng chẳng mấy ai học được. Nhưng dù ít hay nhiều tôi vẫn muốn truyền dạy cho lớp trẻ, vừa là nuôi dưỡng đam mê của mình, vừa là gìn giữ văn hóa dân tộc để tiếng khèn luôn vang lên giữa bạt ngàn màu xanh của núi rừng”, ông Tủa cho biết thêm.
Anh Sùng A Giang, người dân bản Mỹ Á, xã Thu Cúc cho biết: " Động tác múa khèn của người Mông rất phong phú và đa dạng như: múa nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa… Hơn nữa còn có những động tác vừa thổi, vừa nhảy cực khó. Tôi cũng học thôi khèn nhưng để thổi thành bài, thành điệu rất khó, đòi hòi người học phải kiên trì tập liên tục và không nản trí”.
Anh Hà Đức Anh – Công chức văn hóa xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn cho hay: “Múa khèn của người Mông chỉ được dùng biểu diễn trong các dịp lễ hội ở làng, xã hay đám tang, ít có cơ hội giới thiệu tại các sân khấu lớn nên không được nhiều người biết đến. Hiện nay, ở các bản của người Mông còn rất ít người biết thổi khèn. Riêng người vừa thổi vừa nhảy được như ông Tủa chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trước nguy cơ bị mai một, mới đây, Ủy ban Nhân dân huyện Tân Sơn có đưa ra đề án để phục hồi, đồng thời tổ chức xây dựng kế hoạch truyền dạy thổi và múa cho toàn thể học sinh và bà con nhân dân trong khu dân cư”.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/co-mot-chua-kenh-giua-long-ban-mong-post165200.html