Có một cô Tiên như thế...
Những việc cô giáo Trần Thủy Tiên, Hiệu trưởng Trường THCS Thổ Bình (Lâm Bình) đã làm cho học trò biết bao cảm động. Nhiều học trò của cô ví rằng, 'cô Tiên như bà tiên của đời mình' là thế. Từ một người ở thành phố, cô đã tự nguyện lên vùng cao dạy học, chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ cảm nhận tình yêu sự nghiệp 'trồng người' ở cô biết nhường nào.
Trăm nỗi gian nan
Năm 1997, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang (nay là Đại học Tân Trào), cô Tiên làm đơn gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tự nguyện lên công tác ở vùng cao và nguyện vọng đó của cô đã được chấp thuận.
Cô được phân công về Trường cấp 2, 3 Minh Quang của huyện Chiêm Hóa ngày đó. Cô Tiên tâm sự, biết là cuộc sống ở vùng cao sẽ rất nhiều khó khăn nhưng khi đối diện với thực tế thì những khó khăn đó vượt qua sự tưởng tượng của mình. Đường đến đây dạo đó thực sự là "con đường đau khổ", lầy lội ngày mưa. Ở đây cái gì cũng thiếu, từ điện nước, dụng cụ sinh hoạt hàng ngày.
"Khó khăn mà bỏ cuộc là điều tồi tệ nhất". Cô nghĩ như vậy và có sự chuyển hóa mạnh mẽ về tâm thức. Cô nhớ lại thời sinh viên khi xem một phóng sự về cuộc sống của học sinh vùng cao với bao nhọc nhằn học chữ. Cô tự nguyện lên vùng cao dạy chữ cho bọn trẻ là như vậy. Thế nên, không thể nản lòng trước những khó khăn ở thực tại.
Nhưng đó chưa phải là khó khăn nhất mà rào cản lớn đối với nghề gieo chữ ở đây ngày đó là trẻ ít được sự quan tâm việc học từ gia đình. Dường như, việc học của con trẻ được các bậc phụ huynh xem là nhiệm vụ của thầy cô, nhà trường vậy. Vừa dạy học vừa chăm con nhỏ đã vất rồi, tối về cô địu cả con đi vận động trẻ đến trường. Lớp học nhiều học sinh hơn sau những buổi cô địu con đến nhà dân vận động, Hình ảnh đó có lẽ đến giờ bà con nơi này vẫn nhớ. Gần khuya cô lại chong đèn dầu ôm con trong lòng soạn giáo án mang chữ đến với bọn trẻ vùng cao.
Ngày đó không có phương tiện như bây giờ nên việc về thăm nhà rất hãn hữu, chỉ vào dịp hè mà thôi. Cô còn nhớ năm đó sau kỳ nghỉ hè về lại trường thì trời mưa to lắm, lũ ống từ núi đổ xuống làm cho đường vùng cao trơn trượt, phải mất cả ngày mới đến được trường. Trưa hôm ấy, cô phải ăn cơm ở bìa rừng, cơm nắm chan đầy nước mưa. Mỗi lần nghĩ lại cảnh đó, tim cô vẫn thắt lại.
Vượt qua những khó khăn đó là thành quả cho hành trình “gánh chữ lên vùng cao”. Cô nghĩ, không có thành công nào được trải hoa hồng cả, vậy nên cô luôn hạnh phúc vì những gì mình đã vượt qua.
Gieo nghĩa tình
Thấm thoát đã hơn 25 năm công tác, cô được luân chuyển đến nhiều trường học và giữ nhiều chức vụ khác nhau nhưng kỷ niệm những ngày đầu vào nghề thì nhớ mãi, là động lực để cô tiếp tục vượt khó. Dù ở cương vị nào cô cũng hết lòng với học sinh.
Cô Tiên đã gặp không ít học sinh vì nhà nghèo, nhà xa nên không thể đến trường được. Nhưng với lòng yêu nghề và tình thương dành cho các em cô đã đến tận nhà học sinh để vận động cha mẹ cho con em mình đến lớp. Có những gia đình quá nghèo phải cho con nghỉ học để phục giúp việc nhà, cô đã đứng ra huy động thầy cô trong trường ủng hộ giúp đỡ. Bản thân cô hỗ trợ toàn bộ tiền học cho học sinh đó trong những năm theo học tại trường.
Chị Hoàng Thị Mây, thôn Lũng Píat, xã Thổ Bình một trong những học sinh từng được cô giúp đỡ, giờ đã là giáo viên rồi. Chị xúc động nói: "Cô như người mẹ thứ hai của em. Vì ngày ấy điều kiện gia đình em còn khó khăn nên em có ý định nghỉ học giữa chừng. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của cô Tiên, em đã được học thêm con chữ". Có những hôm trời mưa, cô giữ những học sinh xa nhà ở lại, cô nấu cơm cho trò ăn, rồi cùng giải bài tập. Đó là những việc làm thấm đấm nghĩa tình từ cô Tiên. Giờ chị Mây đã trở thành giáo viên nối nghiệp cô giáo, chị càng hiểu và trân trọng những việc cô làm cho đám học trò vùng cao.
Có trên 30 học sinh được cô Tiên trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn ôn tập đạt học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Rất nhiều học sinh của cô đã đỗ đạt vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Y - Dược Thái Nguyên, Đại học Bách khoa Hà Nội... Đó thực sự là phần thưởng vô giá dành cho những người đứng trên bục giảng, đặc biệt là ở vùng đặc biệt khó khăn này.
Thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của vợ, chồng cô Tiên cũng tự nguyện theo bước chân vợ đến vùng đất này sinh cơ lập nghiệp. Cô có nhiều thời gian hơn để trọn vẹn với nghề, với học sinh. Nhờ đó, Trường THCS Thổ Bình do cô Tiên đang làm hiệu trưởng đứng đầu huyện về số học sinh giỏi cấp tỉnh. Trường đã được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh về thành tích đó.
Cuộc sống thật đẹp biết bao khi mỗi người gieo thêm những việc nghĩa tình. Và cô giáo Tiên đã làm nhiều việc tốt từ cái tâm để lan tỏa yêu thương ở mỗi mái trường...
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/co-mot-co-tien-nhu-the-158448.html