Có một cuộc xung đột đang bị lãng quên?
Sudan có nguy cơ trở thành cuộc khủng hoảng nạn đói lớn nhất thế giới từ khi cuộc nội chiến bắt đầu vào năm ngoái. Tuy nhiên, nó hầu như không xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông. Một cuộc xung đột mà nhiều người cho rằng thế giới đã lãng quên.
Đã 1 năm trôi qua...
“Sudan đang bị biến thành địa ngục” là lời phát biểu của giám đốc một tổ chức phi chính phủ quốc tế (INGO), người yêu cầu giấu tên để bảo vệ nhóm của mình đang cố gắng bám trụ hoạt động tại khu vực Bắc Darfur. Khi trả lời tờ báo quốc tế lớn nhất trong khu vực là Al Jazeera, người này đã nói các cuộc đụng độ giữa quân đội Sudan và lực lượng bán vũ trang nổi dậy đang thu hút thêm các bộ lạc, làm dấy lên lo ngại về một vòng xoáy giết người hàng loạt theo các sắc tộc.
Kể từ khi bùng phát vào ngày 15/4/2023, hơn 8,6 triệu người Sudan đã phải rời bỏ nhà cửa, trong đó 1,8 triệu người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em phải chạy sang các nước láng giềng. Liên hợp quốc ước tính 25 triệu người - một nửa dân số Sudan - cần viện trợ lương thực khẩn cấp. Nhưng, nguy hại hơn khi người dân liên tục hứng chịu các cuộc tấn công bừa bãi - bao gồm cả bạo lực tình dục - và ngày càng lan rộng. Điều này đã gây ra tình trạng tan vỡ và ly tán rộng lớn nhất từng được biết tới từ khi nhân loại bước sang thế kỷ 21. Những đô thị, làng mạc bị tàn phá, từ nông dân đến dân nghèo thành thị, cả tầng lớp trung lưu bỗng dưng đánh mất tất cả.
Tháng 4/2023, sau 3 năm tạm lắng, thỏa thuận chia sẻ quyền lực mong manh giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng bán quân sự hỗ trợ nhanh (RSF) tan vỡ và cuộc xung đột bùng phát trở lại. Sự chia rẽ sâu sắc trong cộng động người Arab với những bộ tộc bản địa tích tụ bởi chính sách đối xử bất công trong thời gian dài làm xung đột sắc tộc nghiêm trọng hơn cả những tranh chấp chính trị.
Theo báo cáo của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), hàng ngàn người vẫn đang vượt biên mỗi ngày để tránh tai họa. Cộng hòa Chad ở phía Tây đang chứng kiến làn sóng người tị nạn lớn nhất trong lịch sử. Các quốc gia khác tiếp nhận người tị nạn Sudan bao gồm Cộng hòa Trung Phi, Ai Cập, Ethiopia và Uganda. Các nước tiếp nhận đã cực kỳ hào phóng trong việc đảm bảo người tị nạn có thể tiếp cận các dịch vụ tối thiểu vì những gần gũi nhất định trong văn hóa và sắc tộc. Nhưng, khi con số lên đến hàng triệu, việc đáp ứng nhu cầu là không thể.
Các trại tị nạn sẵn có trong nước cũng đã đón một lượng người kỷ lục. Các tổ chức quốc tế đang cố gắng nhưng luôn trong tình trạng quá tải. Một thống kê của UNHCR cho thấy, tại bang White Nile của Sudan, có tới 1.200 trẻ em tị nạn dưới 5 tuổi đã chết tại 9 trại trong 4 tháng từ 15/5 đến ngày 14/9/2023, do sự kết hợp chết người giữa đợt bùng phát bệnh sởi và tình trạng suy dinh dưỡng. Nguy cơ bùng phát dịch tả cũng đã được báo cáo ở các vùng khác của đất nước. Đó là một thảm họa nhân đạo nhưng lại rất ít khi được nhắc tới trên truyền thông.
Nhiếp ảnh gia Ala Kheir, người làm việc cho UNHCR đã chứng kiến sự tàn phá trên khắp đất nước trong 1 năm qua nói nó tương đương với những gì từng diễn ra ở Darfur giai đoạn 2003-2020, khi cuộc xung đột từng khiến hàng triệu người rơi vào thảm cảnh. Tình hình càng tồi tệ hơn khi SAF bị đánh bại vào tháng 11/2023 khiến cho RSF tiến hành những cuộc trả thù đẫm máu. Trong đó có những vụ thảm sát thực sự khi ghi nhận lên tới 1.300 người bị giết tại một ngôi làng ở Tây Darfur.
Với rất nhiều bức ảnh được ghi lại, Ala Kheir bộc bạch: “Qua những bức ảnh, tôi hy vọng mọi người biết những gì đang diễn ra. Giữa tất cả sự hỗn loạn và tàn sát này, các bên xung đột trong và ngoài Sudan có thể bắt đầu nghĩ về các giải pháp và can thiệp để giúp chấm dứt cuộc chiến tàn khốc này”. Nhưng, những lời kêu gọi như vậy không dễ tìm thấy, bởi điều khó tin là cuộc xung đột tàn khốc này lại biến mất khỏi chương trình nghị sự quốc tế nhanh chóng như cách nó tàn phá đất nước vậy.
Một thoáng được nhắc đến
Đúng 1 năm sau khi sự bình yên bị phá vỡ, một hội nghị về Sudan mới được tổ chức tại Paris bởi Pháp, Đức và Liên minh châu Âu. Hội nghị mang đến cơ hội để tập trung sự chú ý của quốc tế vào cuộc khủng hoảng bị lãng quên này. Đó là thời điểm mà ảnh hưởng của bạo lực đã vượt ra ngoài biên giới Sudan. Nhiều cảnh báo cho thấy sự sụp đổ của Sudan làm tăng thêm các cuộc nổi dậy đang bao trùm các quốc gia láng giềng như ở Chad hay Somali, Ethiopia,... gây ra vết sẹo cho lục địa đen bằng một vùng bất ổn trải dài từ Đại Tây Dương đến Biển Đỏ.
Nguy cơ nghiêm trọng nhất là khu vực này có thể sớm trở thành cuộc khủng hoảng nạn đói lớn nhất thế giới. Ở Sudan, nơi giá lương thực đã tăng hơn 110% tính đến tháng 2/2024, gần 18 triệu người đang bị đói trầm trọng, trong khi gần 7 triệu người ở Nam Sudan và 3 triệu người ở Chad phải đối mặt với số phận tương tự - tổng cộng gần 28 triệu người.
Tại Sudan, do xung đột vẫn tiếp diễn nên 90% số người cần giúp đỡ bị mắc kẹt ở những khu vực mà các cơ quan nhân đạo hầu như không thể tiếp cận được. Chúng bao gồm các điểm nóng xung đột như Khartoum, bang Gezira, Kordofan và các bang Darfur. Bất chấp nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi tiếp cận nhân đạo không hạn chế, các bên xung đột không hề quan tâm tới vấn đề này. Thậm chí, các đội và nguồn cung cấp nhân đạo luôn có thể bị cướp bóc và tấn công.
Phó Giám đốc điều hành Chương trình lương thực Thế giới (WFP), ông Carl Skau nhấn mạnh “Chúng tôi cần tất cả các bên cung cấp khả năng tiếp cận không hạn chế xuyên biên giới và xuyên ranh giới xung đột”. Ông nói thêm rằng trong trường hợp xấu nhất, một triệu người Sudan có thể chết đói trong năm nay. Đồng thời, ông Skau cảnh báo rằng nạn đói gia tăng sẽ chỉ gây ra bất ổn trên toàn khu vực. Liên hợp quốc đã đưa ra lời kêu gọi nhân đạo chung trị giá 2,7 tỷ USD dành cho Sudan, nhằm cung cấp hỗ trợ cứu sống cho gần 15 triệu người.
Điều này đã thúc đẩy các nhà ngoại giao châu Âu gặp nhau tại Paris hôm 15/4 vừa qua. Tại hội nghị, Pháp bày tỏ mong muốn tìm kiếm sự đóng góp từ cộng đồng quốc tế và chú ý đến một cuộc khủng hoảng mà các quan chức cho rằng đang bị loại khỏi cuộc thảo luận toàn cầu do các cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine và Gaza. Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne thừa nhận: “Trong một năm qua, người dân Sudan đã là nạn nhân của một cuộc chiến tranh khủng khiếp”. Tuy nhiên, họ cũng đã phải chịu đựng sự “bị lãng quên” và “thờ ơ”. Ông nói trong bài phát biểu khai mạc: “Đây là lý do cho cuộc họp của chúng ta ngày hôm nay: để phá vỡ sự im lặng xung quanh cuộc xung đột này và huy động cộng đồng quốc tế”.
Nhưng... chỉ thế thôi
Ngay tại hội nghị, Đức đã hứa sẽ cung cấp 249 triệu USD viện trợ nhân đạo cho Sudan. Mỹ cũng cho biết sẽ đóng góp 100 triệu USD viện trợ bổ sung. Trong khi đó, Anh cho biết “sẽ có các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nghiệp có liên quan đến các bên tham chiến ở Sudan”. Nhưng, đó là tất cả những gì thu được. Một nguồn tin ngoại giao Pháp nói rằng các nhà tài trợ cam kết “hơn một tỷ euro” tại hội nghị, mà không nêu rõ số tiền còn lại sẽ đến từ đâu. Hội nghị kết thúc để cuộc xung đột vẫn tiếp tục phía xa bờ bên kia của Địa Trung Hải. Đặc phái viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Tom Perriello gọi phản ứng quốc tế cho đến nay là “đáng thương”. “Chúng tôi đang ở mức 5% số tiền cần thiết”, ông nói. Tất nhiên, nó chỉ hằng phần nhỏ số tiền Quốc hội Mỹ vừa phê duyệt cho Ukraine và Israel để mua thêm vũ khí.
Hôm 19/4, căng thẳng gia tăng sau khi Lực lượng chung của các phong trào đấu tranh vũ trang - liên minh gồm các nhóm vũ trang “phi Arab” - từ bỏ thái độ trung lập để hỗ trợ quân đội chống lại RSF.
Hôm 26/4, Liên hợp quốc đưa ra cảnh báo về một cuộc tấn công sắp xảy ra vào Al-Fashir, thành phố lớn ở Bắc Darfur. Đây vừa là thành phố lớn cuối cùng mà RSF chưa thể kiểm soát cũng đồng thời là cơ sở tiếp nhận lớn nhất còn lại mà các tổ chức quốc tế có thể tiếp cận. Khi có tin cho thấy RSF chuẩn bị tấn công nơi này, đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Ramtane Lamamra đã lập tức bay đến thực địa để làm việc với các bên nhằm giảm căng thẳng.
“Một cuộc tấn công vào thành phố sẽ gây ra hậu quả tàn khốc cho dân thường”, ông Ramtane Lamamra cho biết. Trong khi đó, chưa có một động thái can thiệp quốc tế nào được đưa ra, thậm chí còn không có cả một “lời đề nghị nghiêm túc” đến từ các nước lớn để ngăn chặn tình hình tồi tệ này. Lực lượng gìn giữ hòa bình dường như chưa bao giờ tồn tại, còn mối lo của các nhà lãnh đạo thế giới dồn hết về Ukraine và Trung Đông, nơi những lợi ích kinh tế địa chính trị lớn hơn với họ. Theo cách đó, lại một lần nữa chiến sự ở Sudan chìm vào quên lãng.