Có một Đà Nẵng dọc rẻo Trường Sơn - bài 2: Những bóng hồng 'phượt núi'

Giữa rừng núi cao ngất Tây Giang (thành phố Đà Nẵng), có những nữ cán bộ xã tuổi đời chưa quá 40 nhưng đã quen 'phượt' xuyên núi, ở trọ giữa đại ngàn để bám cơ sở. Không chỉ làm công tác chuyên môn, họ còn là cầu nối đưa chính sách đến từng người, từng nhà, mở ra kỳ vọng về sự đổi thay cho đồng bào vùng cao.

Vượt núi, ở trọ

Ngay sau sáp nhập, bộ máy xã mới A Vương (tách ra từ huyện cũ Tây Giang) nhanh chóng bắt tay vào vận hành trong điều kiện thiếu thốn trăm bề. Trong số những cán bộ xung kích đầu tiên có chị ALăng Thị Pa Ri (34 tuổi), cán bộ Phòng Văn hóa - xã hội. Nhà chị ở xã A Tiêng, cách trung tâm hành chính mới hơn 20 cây số đường núi hiểm trở. Đường đi quanh co, trơn trượt, nhiều đoạn một bên là núi, một bên là vực sâu. “Đi riết cũng quen, chỉ có điều cả hai vợ chồng đều đi làm xa, thành ra con cái phải gửi ông bà nội lo giúp”, chị Pa Ri bộc bạch.

 Trung tâm Phục vụ hành chính công xã A Vương là một căn nhà cấp 4

Trung tâm Phục vụ hành chính công xã A Vương là một căn nhà cấp 4

Chị Pa Ri chia sẻ, khu vực Tây Giang có địa hình hiểm trở, nỗi lo sạt lở núi thường trực khi mùa mưa tới. Mỗi ngày, chị phải thức dậy từ 5 giờ sáng để lo việc gia đình, chuẩn bị cho con nhỏ, rồi vượt quãng đường đèo dốc đến nơi làm việc.

 Chị Briu Thị Tiết

Chị Briu Thị Tiết

Còn với chị Briu Thị Tiết (39 tuổi), đồng nghiệp của chị Pa Ri, mỗi lần trở về nhà là một hành trình đầy gian nan. Nhà chị cách trung tâm xã A Vương hơn 30 km, phải vượt qua nhiều đoạn đường trơn trượt, vách núi dựng đứng, vực sâu thăm thẳm. “Nhiều lúc công việc gấp, tôi ở lại xã mấy ngày liền. Cuối tuần mới tranh thủ về nhà.

 Chị ALăng Thị Pa Ri

Chị ALăng Thị Pa Ri

Có lần về khuya, con đã ngủ mất rồi, chỉ ngồi nhìn con, rồi sáng hôm sau lại phải lên đường”, chị kể.

Nhà xa, nên hai chị quyết định thuê chung căn phòng trọ nhỏ của người dân ngay tại xã A Vương với giá 600 nghìn đồng mỗi tháng. Căn phòng vài mét vuông, ghép tôn nên khi nắng thì nóng hầm hập, khi mưa thì nước vào phòng. Có những đêm mưa lớn, nước tạt vào phòng, hai chị em phải bật dậy giữa đêm để dọn dẹp. “Không ở lại thì không thể bám việc nên đành cố gắng khắc phục thôi”, chị Tiết chia sẻ.

Hằng ngày, bất kể mưa hay nắng, hai chị luôn có mặt đúng giờ, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, tận tình, chu đáo. “Với tụi mình, bám trụ ở vùng cao không chỉ là công việc, mà còn là trách nhiệm và tâm huyết với bà con”, chị Pa Ri nói.

Xã A Vương được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai xã A Vương cũ và xã Bhalêê, với tổng diện tích 225,30km2, dân số hơn 5.400 người, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc Cơ Tu. Đây là vùng núi cao, biên giới, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, đời sống người dân còn thiếu thốn. Chính quyền địa phương nỗ lực vượt khó để từng bước hòa nhịp với sự phát triển chung của đất nước.

Giữ nhịp để vùng cao không bị bỏ lại

Anh A Lăng A Rây - Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội xã A Vương cho hay, dù địa hình hiểm trở, đường sá quanh co và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhưng mấy chị em cán bộ nữ chạy xe “cừ” lắm, không hề nản chí. “Thời gian đầu sau sáp nhập, khối lượng công việc nhiều, trong khi một số cán bộ chưa đúng chuyên môn, làm việc rất vất vả. Có những hôm cả phòng phải làm đến tối mịt mới xong. Hai chị cũng vậy, kiên trì bám việc không một lời than vãn, việc gì cũng hoàn thành chỉn chu, hiệu quả”, anh Rây nói.

Theo anh A Rây, dù mới vận hành chưa đầy hai tuần, nhưng nhờ tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ xã mà bộ máy xã A Vương đã nhanh chóng ổn định, xử lý công việc kịp thời và hiệu quả. “Ai cũng chủ động, cái gì chưa biết thì hỏi nhau, học nhau làm cho xong. Có người phải kiêm hai ba phần việc, nhất là mấy chị em phụ trách văn hóa, xã hội… việc nhiều nhưng vẫn gắng hoàn thành”, anh A Rây chia sẻ.

Ông Briu Quân - Chủ tịch UBND xã A Vương cho biết, với một xã vùng cao như A Vương, giai đoạn đầu vận hành không tránh khỏi những khó khăn, thách thức. Trụ sở Trung tâm phục vụ hành chính công của xã là căn nhà cấp 4 được thuê lại của người dân địa phương. Phòng làm việc chật hẹp, bàn ghế thì tận dụng từ các xã cũ chuyển sang hoặc thuê mượn tạm, máy móc còn thiếu thốn, môi trường làm việc không đảm bảo, nhiều chỗ đã hư hỏng xuống cấp. “Trên này cứ mưa, sấm sét là cúp điện nên nhiều khi đang họp thì bị gián đoạn, mất kết nối" - ông Quân nói.

Trong khi đó, việc chuyển đổi sang làm việc trên nền tảng số như khai báo định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến… đòi hỏi đường truyền mạng phải ổn định và đủ mạnh. Trước tình hình đó, xã đã chủ động nâng cấp gói mạng tốc độ cao hơn để đảm bảo cán bộ xử lý công việc, người dân tiếp cận thủ tục được thuận lợi hơn.

Hiện, toàn xã A Vương có gần 100 cán bộ, phần lớn là từ các xã cũ hoặc từ trung tâm huyện điều động về. Trong đó, hơn một nửa đang phải tự thuê nhà dân ở lại để làm việc. “Điều kiện sinh hoạt còn tạm bợ, nhưng ai cũng nỗ lực vượt qua để cùng xây dựng bộ máy xã mới hoạt động ổn định. UBND xã đang xin thành phố hỗ trợ kinh phí xây dựng trụ sở hành chính mới để đảm bảo điều kiện làm việc lâu dài cho anh em cán bộ và thuận lợi cho người dân”, ông Quân cho hay.

Duy Quốc - Hoài Văn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/co-mot-da-nang-doc-reo-truong-son-bai-2-nhung-bong-hong-phuot-nui-post1760868.tpo