Có một khối chuyên đáng nhớ
Cách đây 40 năm, 53 cô, cậu học sinh nhỏ nhắn, nghịch ngợm từ các miền quê khách nhau của xứ Thanh trải qua một cuộc tuyển chọn 'khốc liệt', vượt qua rất nhiều học sinh cùng thời để trúng tuyển vào lớp chuyên Văn và chuyên Toán của Thanh Hóa - Trường THPT Hàm Rồng, khóa 1977 - 1980.
Gọi là Hàm Rồng, vì lúc tách Trường Lam Sơn thành trường Hàm Rồng năm 1975, khối chuyên chuyển về Hàm Rồng, để được gọi với một cái tên đáng được kiêu hãnh và tự hào: “Dân chuyên”!
Có nhiều giáo viên và nhiều em sau gần nửa thế kỷ, bây giờ mới được gặp lại nhau. Thậm chí có những em kể cả từ thời học ở các lớp chuyên mà cho đến bây giờ mới được biết tên của nhau, mới được nói chuyện cùng nhau. Mỗi em về đây đều có những nỗi niềm riêng tư của mình trong thời gian dài xa cách và đều có những tâm trạng mừng vui khôn tả, bồi hồi, xúc động…
Thời gian đã nhuốm ánh bạc trên mái tóc của không ít cô, cậu học trò hồn nhiên, tinh nghịch thuở xưa. Kỷ niệm của một “thời lưu luyến” đã đưa mọi người trở lại thời hồn nhiên, trong sáng, và có lẽ là đẹp nhất trong đời người.
Ngày nhập học, lớp chuyên Toán gồm 27 em, do điều kiện gia đình, có 8 em chỉ học 1 hoặc 2 năm, sau đó chuyển về học tiếp tại các trường phổ thông khác. Lớp chuyên Văn ban đầu có 26 em, sau đó chỉ còn lại 24 em.
3 năm học ở khối chuyên với biết bao bạn mới, niềm vui mới của tuổi học trò đầy tinh nghịch nhưng cũng rất đáng yêu. Từ lạ thành quen, từ quen thành thân, và từ đó tình cảm bạn bè càng thêm gắn bó, thậm chí có những em còn thầm yêu, trộm nhớ, nhưng thời ấy chưa một lần dám thổ lộ với nhau để rồi bùi ngùi cất vào trong ký ức mà mãi sau này mới có dịp kể lại với bạn, với thầy…
Sau 3 năm miệt mài đèn sách ở “ngôi nhà chuyên”, những nụ hoa của học trò xứ Thanh đã cho những quả ngọt: Lớp chuyên Văn có 3 bạn đoạt giải Quốc gia đó là Lê Tuấn Anh - giải nhì (không có giải nhất), Đinh Đức Long và Lê Thành Long - giải tư; lớp chuyên Toán có Nguyễn Văn Tân - giải khuyến khích.
Từ những tinh hoa, được ươm trong vườn của “khối chuyên” 40 năm về trước, tất cả đều trưởng thành và mỗi em đều có con đường lập thân, lập nghiệp cho riêng mình. Khoảng 30% trong số học trò khóa chuyên Văn và Toán làm việc trong các cơ quan Nhà nước, trong đó có em là Ủy viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng, có em là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, có em là Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng trường Đại học; nhiều em là quân nhân cấp cao…
Điều đáng quý nữa là có 27/53 em (hơn 50%) đã chọn nghề “trồng người” để tiếp tục đào tạo những người có ích cho xã hội.
4 thập kỷ qua, các em đã luôn gắn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau, phân công người chịu trách nhiệm ở phía Bắc và phía Nam để tìm các bạn có hoàn cảnh khó khăn và bệnh trọng để giúp đỡ.
Tuy xa cách các thầy cô giáo cũ đã rất lâu, nhưng tình cảm của các học trò với người đã dìu dắt mình vẫn vẹn nguyên, thậm chí còn sâu sắc hơn.
Các em tâm sự: “Vinh dự, tự hào, xúc động. Những cảm giác ấy tràn ngập tâm hồn chúng em khi được chứng kiến các thầy, cô vẫn mạnh khỏe, tinh anh, vẫn tràn đầy tình thương yêu và năng lượng sống”…
Sau 40 năm, các em được trở lại mái trường yêu quý đã đào tạo các em nên người. Về đây, các em bùi ngùi nhớ lại những ngày học tập khi mà cả nước vừa trải qua những khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Mới ở tuổi vị thành niên nhưng các em đã sớm phải xa vòng tay ấm áp của gia đình, phần đông gắn với chiếc giường nhỏ bé trong căn nhà cấp 4, ngày 2 bữa ăn cơm tập thể độn sắn “gạc nai”, mỳ “đen mốc”, khoai tây “bi”, hạt mạch nấu hàng giờ vẫn chưa nhừ, áo không đủ mặc (thường chỉ nhất bộ tứ thời), chân dép lốp.
Đến tận bây giờ, khi gặp lại, có em mới thú nhận với thầy là ngày ấy vì đói quá, ban đêm đã “lấy trộm” những củ su hào, quả bầu xanh trong vườn của thầy.
Cuộc gặp gỡ 40 năm ngày ra trường thật xúc động: Thầy - trò, bạn bè mừng mừng, tủi tủi, nước mắt lăn trên má của các thầy tóc bạc phơ, trên các trò mái đầu cũng đã điểm bạc…
Trong khung cảnh ấy, chợt nhớ đến những câu thơ thuở nào khi chia tay: Chia tay nhớ bạn, nhớ thầy/Nhớ trường, nhớ lớp, nhớ ngày bên nhau/Đàn chim tung cánh trời cao/Nghĩa tình sâu nặng nói sao hết lời/Dù cho tung cánh muôn nơi/Ơn thầy tình bạn, suốt đời đinh ninh.
Xin trích diễn văn của TS. Hoàng Nam - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Đại học Hồng Đức, Trưởng ban liên lạc tại buổi gặp mặt để kết thúc bài viết này: “Dù học tập hay làm việc ở đâu chúng em vẫn luôn nhớ, ôn lại, kể chuyện và tự hào về các thầy, cô giáo, về khối chuyên của mình. Cuộc hội ngộ hôm nay là dịp giúp thầy - trò ta ôn lại kỷ niệm, thắp sáng ngọn lửa tri ân và còn khẳng định tình cảm bạn bè, tình cảm thầy - trò sẽ bền vững và tươi đẹp mãi mãi”.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/co-mot-khoi-chuyen-dang-nho/127538.htm