Có một ngành Điện thu nhỏ trong EVNNPC
Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) giờ là một doanh nghiệp chuyên doanh, phân phối điện năng. Nhưng mấy mươi năm trước, ở đây đã cùng lúc sắm nhiều 'vai' của cả ngành Điện. Từ quản lý, phát triển lưới truyền tải, đầu tư xây dựng nguồn điện cho tới khâu phân phối… tất cả đều đã có trong EVNNPC ngay những ngày đầu thành lập.
50 năm, một “dòng chảy”
Ông Thiều Kim Quỳnh - Chủ tịch EVNNPC dẫn chứng những số liệu của 50 năm trước và gọi tên những tài sản hữu hình mà đơn vị này gầy dựng được đến ngày hôm nay để nói về nỗ lực lao động và sự kết nối thế hệ một cách xuyên suốt trong chặng đường 5 thập kỷ qua tại nơi mà nhiều người ví là “chiếc nôi” của ngành Điện.
“Hãy hình dung những năm tháng đó (1969 - 1973), Công ty Điện lực (tiền thân của EVNNPC) chỉ có chưa tới 200 km đường dây cao thế, 12 trạm biến áp 110kV, 12 lò hơi và 11 tổ máy… trên toàn miền Bắc, nhưng chỉ chưa đầy chục năm sau (1980), chúng tôi đã có gần 1 vạn km đường dây các cấp điện áp, công suất nguồn tăng gần gấp 3 lần so với trước. Lúc bấy giờ, khái niệm tăng trưởng về công suất công nghiệp, nông nghiệp cũng được định hình.
Còn giờ đây, những số liệu trên đã thay đổi quá lớn, với hàng chục vạn km đường dây, nhiều máy biến áp và hạ tầng đồng bộ tại 27 tỉnh, thành… Nhờ vậy, mà điện đã được tỏa sáng muôn nơi. Con số 247/247 huyện và 5.032/5.032 xã ở miền Bắc có điện lưới quốc gia đến thời điểm này là một sự nỗ lực không ngừng nghỉ của rất nhiều thế hệ ở đây”, ông Quỳnh nói.
Thời gian đi qua, EVNNPC “lớn” lên - có nghĩa đã và đang có một “dòng chảy” rất xuyên suốt về mặt sứ mệnh, mục tiêu và ý chí… của tất cả các thế hệ lãnh đạo, người lao động cùng chung một danh xưng “người Điện miền Bắc” trong chặng đường 50 năm qua, thưa ông?
- Suốt dặm dài 50 năm EVNNPC, dù lúc mang tên là Công ty Điện lực hay khi đổi thành Công ty Điện lực miền Bắc rồi Công ty Điện lực I và giờ đây là Tổng công ty Điện lực miền Bắc… lớp lớp những thế hệ của “Điện miền Bắc” - người sau kế tục, phát triển sự nghiệp của những người đi trước để lại. Tất cả đã cùng đồng lòng vì một một sứ mệnh cao cả là đảm bảo dòng điện được tỏa sáng vì sự phồn thịnh của đất nước.
Chúng tôi trân trọng sự lao động, sự hy sinh của những người đã đặt những “viên gạch hồng” đầu tiên để có EVNNPC ngày hôm nay. Họ đã vừa chiến đấu, vừa sản xuất, điều hòa phụ tải điện phục vụ miền Bắc những năm chống Mỹ cứu nước, với một lòng quả cảm vì “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”.
Với tinh thần đó, sau khi đất nước thống nhất, đến thời kỳ đổi mới và tới thời điểm mà Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là EVN) ra đời, EVNNPC cũng vẫn hành động theo phương châm đó, đồng thời có những bước phát triển linh hoạt, phù hợp với điều kiện, tình hình mới của ngành và của đất nước.
Chính bởi bề dày đó mà EVNNPC được coi là “cái nôi” của ngành Điện, là nơi khởi nguồn cho những mô hình doanh nghiệp trực thuộc EVN sau này?
- EVN bây giờ bao gồm những Tổng công ty phân phối, truyền tải và phát điện chuyên biệt, nhưng hàng chục năm trước “bóng dáng” của những mô hình này đã xuất hiện ở EVNNPC. “Điện miền Bắc” ngoài việc phân phối điện năng, trước đây đã từng làm nhiệm vụ xây dựng và phát triển nguồn điện ở Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại và Thủy điện Hòa Bình, rồi tham gia vận hành đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam mạch 1…
Đến năm 1995, khi Tổng công ty Điện lực Việt Nam ra đời, Công ty Điện lực 1 từ Bộ Năng lượng chuyển về trực thuộc EVN, với các nhà máy điện lớn ở miền Bắc, Sở Truyền tải điện và Trung tâm máy tính - thông tin… Có thể nói, đến thời điểm đó, EVNNPC đã cơ bản xây dựng và hoàn thiện khép kín hệ thống điện Việt Nam để bàn giao phát tải cho EVN.
Không những thế, người của “Điện miền Bắc” cũng đã có mặt khắp nơi trên đất nước, từ những ngày đầu mới giải phóng, đã chi viện nhân lực tay nghề cao để khôi phục lại Nhà máy Thủy điện Đa Nhim và đường dây 230kV Đa Nhim - Sài Gòn; đồng thời còn đóng góp nhân lực để hình thành nên các Công ty Điện lực 2, 3 tiền thân của các Tổng công ty Điện lực miền Trung và miền Nam ngày nay. Nói EVNNPC là “chiếc nôi” của ngành Điện là đúng thực tế, và cũng là một sự ghi nhận công lao đóng góp của nhiều thế hệ cán bộ, người lao động ở đây.
“Đất nước đang bước vào giai đoạn mới của quá trình phát triển trong bối cảnh công nghệ 4.0 và khoa học công nghệ phát triển. Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Công thương nói chung, ngành Điện nói riêng, trong đó có EVNNPC là rất nặng nề, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng còn hạn chế… Tôi mong muốn và tin tưởng rằng, phát huy truyền thống vẻ vang và những thành tựu đã đạt được, EVNNPC sẽ đoàn kết, không ngừng sáng tạo, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh.
Nỗ lực thay đổi nếp nghĩ
Được biết, ông là người của “Điện miền Bắc”từ rất lâu, với nhiều nhiệm kỳ Phó Tổng Giám đốc sau đó là Tổng Giám đốc và nay là Chủ tịch Hội đồng Thành viên. Ông có thấy áp lực khi trên vai mình là cả một truyền thống vẻ vang của đơn vị như thế?
- Tôi trưởng thành từ cơ sở, sau đó về Tổng công ty và kinh qua khá nhiều vị trí công tác ở đây. Với sự học hỏi từ những thế hệ đi trước và kinh nghiệm tự mình tích lũy được trong quá trình làm việc, cá nhân tôi không thấy áp lực khi điều hành đơn vị. Nhưng ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn phát triển, với những mục tiêu, đòi hỏi khác nhau thì có áp lực.
Tôi lấy ví dụ, thời điểm bao cấp, khi còn thiếu điện, ngành Điện cung cấp thế nào, khách hàng nhận thế đó. Ngành Điện khi ấy bỗng dung thấy mình vô cùng “quan trọng”! Nhưng giờ, cung - cầu đã thay đổi, cả ngành Điện và EVNNPC cũng phải thay đổi cách nghĩ, cách làm vì đó là sự tồn tại của chính mình.
Làm sao để thay đổi được nếp nghĩ trong hàng vạn người lao động để EVNNPC thực sự là một đơn vị dịch vụ, khách hàng phải thực sự là trung tâm của dịch vụ đó - là một áp lực lớn với cả ban lãnh đạo EVNNPC chứ không riêng cá nhân tôi.
Trên thực tế, chúng tôi đã và đang thay đổi dần tư duy đó. Cụ thể, sau gần 10 năm hoạt động theo khẩu hiệu “Vì sự phát triển cộng đồng” nay EVNNPC đã hành động theo phương châm “Vì niềm tin của bạn”, để có sự tín nhiệm của khách hàng. Phải nói thật, khi thay đổi một cái gì đó đã “ăn sâu, bám rễ” trong một thời gian dài ở một ai đó - không phải là đơn giản, nhưng tập thể chúng tôi đã quyết tâm làm chứ không thể ngồi nhìn nhau với niềm niềm tự hào mình là “chiếc nôi” để nhận lấy sự tụt hậu, sự “hụt hơi” khi ngoài kia, các ngành dịch vụ - người ta đang từng ngày, từng giờ chuyển động...
Một số ý kiến cho rằng, gần 10 năm trở lại đây - kể từ thời điểm EVNNPC hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con là thời điểm mà Tổng công ty có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Là người trong cuộc, ông cảm nhận điều đó ra sao?
- Đúng là giai đoạn này có sự thay đổi cả về lượng và chất, phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước. Những điểm đáng lưu ý ở EVNNPC giai đoạn này là bộ máy tổ chức được cơ cấu kiện toàn; EVNNPC tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ áp nông thôn, điện được đưa đến tận các thôn bản miền núi, hải đảo xa xôi và người dân thì được hưởng giá điện theo quy định của Chính phủ, góp phần xóa đói giảm nghèo; tiếp đó, chúng tôi đã tối ưu hóa được chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, ứng dụng khoa học công nghệ và bắt đầu có dấu ấn trong đổi mới quản trị, hình thành văn hóa doanh nghiệp để nâng tầm thương hiệu.
Đến nay, EVNNPC là đơn vị dẫn đầu toàn ngành về điện nông thôn; là đơn vị có tốc độ gia tăng điện thương phẩm (12 - 14%/năm) cũng như doanh thu cao nhất EVN. Đặc biệt, điện thương phẩm khối công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng cao với hơn 65%, đảm bảo cho nhiều khu công nghiệp nhà máy hoạt động ổn định trên toàn miền Bắc, điển hình như Khu công nghiệp Samsung ở Bắc Ninh, Thái Nguyên và nhiều khu, cụm khác ở Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam… Ngoài ra, chỉ số tiếp cận điện năng cũng cải thiện rõ rệt (5,77/7 ngày) so với quy định, đã góp phần đưa chỉ số tiếp cận điện năng của EVN tăng 129 bậc…
“Lưới điện không thể là chiếc xe u oát già nua”
Con đường phía trước của EVNNPC là gì, thưa ông?
- Với những mục tiêu và nhiệm vụ mới đã được xác lập trong khoảng 10 năm gần đây, sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục hành động trên nền tảng đó để EVNNPC trở thành thương hiệu dịch vụ hàng đầu của ngành Điện. Vì thế, phải đề cao văn hóa doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực theo hướng lãnh đạo vững vàng, quản lý sắc bén, công nhân tinh nhuệ; đặc biệt, ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào quản lý, vận hành để nâng cao độ tin cậy cấp điện, cải thiện các chỉ số SAIDI, SAIFI và hỗ trợ dịch vụ khách hàng tốt nhất…
Sở dĩ phải chú trọng những vấn đề nói trên vì tới đây khi chúng ta vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, nhiều thành phần kinh tế có thể tham gia lĩnh vực này, EVNNPC không chủ động hoặc không có những “trợ thủ” đắc lực đó chắc chắn sẽ yếu thế, thậm chí thua thiệt trước đối thủ cạnh tranh.
Một thách thức nữa ở phía trước cần phải giải quyết đó là làm sao để kéo giảm tỷ lệ tổn thất điện năng, nhất là tổn thất kỹ thuật. Điều này bắt buộc EVNNPC phải dành một nguồn lực thỏa đáng để đầu tư, cải tạo lưới điện bởi chúng ta không thể có được các chỉ số mơ ước khi chúng ta vẫn quản lý, vận hành trên một lưới điện già nua, cũ kĩ như những chiếc xe u oát trước đây.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Ngành Điện cần sự chung sức của EVNNPC!
“Để hoàn thành trọng trách, sứ mệnh của mình, đáp ứng đủ điện cho 100% hộ dân trong cả nước, không ngừng nâng cao chất lượng điện năng và hoàn thiện chất lượng dịch vụ khách hàng, thực hiện thành công Quy hoạch điện VII, triển khai thị trường điện, xây dựng và vận hành lưới điện thông minh, liên kết lưới điện khu vực và quốc tế, đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động toàn ngành…, EVN cần sự chung sức, đồng lòng của toàn thể cán bộ, người lao động, trong đó có EVNNPC”, Chủ tịch EVN Dương Quang Thành.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/co-mot-nganh-dien-thu-nho-trong-evnnpc-473402.html