Có một ngọn núi mang tên Đại học

Nhận được thông báo trúng tuyển đại học, tưởng chừng đã đến đỉnh núi rồi, nhưng không, chào mừng bạn đến hành trình mới, một ngọn núi mới mang tên Đại học.

Trạng thái phổ biến trong năm học đầu tiên là buông lỏng, hưởng thụ. Điều này có thể dễ hiểu sau thời gian dài căng thẳng với kỳ thi đại học gian nan. Bên cạnh đó, những môn học trong năm đầu tiên hầu hết mang tính nền tảng, cơ bản chưa quá nhiều thách thức nên phần nào dẫn đến tâm lý chủ quan.

Trên thực tế, nếu bạn là một nhà leo núi chuyên nghiệp, ý thức được tầm quan trọng của giai đoạn “Khởi động”, bốn năm đại học thực sự không quá dài để bạn buông lỏng như vậy.

Trước hết, để có ưu thế so với các bạn đồng trang lứa sau khi tốt nghiệp, bằng đại học là tấm vé thông hành đầu tiên đưa bạn đến những cơ hội tốt bao gồm xin việc làm và ứng tuyển các chương trình sau đại học hay xin học bổng du học. Vì vậy, mục tiêu trước mắt bạn cần chinh phục là tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi hay xuất sắc.

Về mặt điểm số, tương tự như chương trình học trung học phổ thông hay trung học cơ sở, xếp loại bằng tốt nghiệp căn cứ vào điểm trung bình của tất cả các môn, tùy theo số lượng tín chỉ của từng môn sẽ chi phối tổng điểm cuối cùng.

Điều này đồng nghĩa với việc, để được bằng tốt nghiệp loại giỏi, bạn cần cố gắng hầu hết môn đạt điểm giỏi và xuất sắc, trong đó những môn không phải là ưu thế cũng không để điểm số quá thấp, đảm bảo môn này có thể bù đắp cho môn khác.

Bên cạnh đó, điểm tổng kết môn học là kết quả của điểm cuối kỳ, điểm giữa kỳ và điểm chuyên cần (nếu có). Vì thế, để đạt được tấm bằng đại học giá trị là cả quá trình tích lũy của từng kỳ thi, từng môn học. Về mặt kiến thức, khoan hãy đi quá sâu vào việc đánh giá chuyên ngành hay môn học cụ thể, phần lớn chương trình học được các nhà quản lý giáo dục thiết kế thường bắt đầu với các môn học từ cơ bản đến chuyên ngành, từ tổng quan đến chi tiết.

Bạn biết đấy, móng có vững mới xây được nhà cao. Do vậy, dành sự tập trung từ giai đoạn đầu tiên sẽ giúp bạn củng cố nền tảng tri thức mà nhờ đó, quá trình học tập chuyên ngành sau này sẽ thuận lợi hơn. Kế đến, điểm số là chưa đủ để giúp hồ sơ của bạn tạo ấn tượng trong mắt nhà tuyển dụng hay đơn vị tuyển sinh. Một số hoạt động phổ biến bạn có thể tích lũy trong thời gian đi học như tham gia nghiên cứu khoa học, hoạt động ngoại khóa, khóa học ngắn hạn về chuyên môn, kỹ năng và đi thực tập.

Thông thường, chúng ta sẽ dành năm nhất và năm hai cho hoạt động ngoại khóa như các câu lạc bộ trong và ngoài nhà trường. Năm hai và năm ba thường là khoảng thời gian có kiến thức khá nặng và đi sâu vào chuyên ngành cụ thể nên sẽ phù hợp với các hoạt động nghiên cứu khoa học hay tham gia các chương trình đào tạo hoàn thiện chuyên môn và kỹ năng mềm.

Đến cuối năm ba và năm tư là khoảng thời gian để xách ba lô lên và đi kiến tập/ thực tập. Một số bạn có thể tìm đến công việc phù hợp ngay tại công ty đầu tiên, tuy nhiên, có không ít bạn phải tìm đến công việc thứ hai, thậm chí thứ ba, thứ tư.

Vì thế, không khó để nhận ra, việc phân bổ thời gian cho từng mục tiêu đóng vai trò quan trọng để làm phong phú hành trang ra trường của bản thân. Trong số đó, tham gia hoạt động ngoại khóa tưởng như là chuyện ngoài lề, thực chất đem lại giá trị hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể cần phải mất nhiều năm để phấn đấu từ vị trí nhân viên lên quản lý.

Tuy nhiên, ngay thời sinh viên, bạn đã có thể mài giũa năng lực lãnh đạo của mình ở các vai trò như chủ nhiệm câu lạc bộ hay bí thư chi đoàn hoặc chủ tịch hội sinh viên. Đây thực sự là cơ hội quý giá để bạn thể nghiệm vị trí của người đứng đầu, dẫn dắt triển khai công việc, xây dựng mối quan hệ, kết nối đội nhóm và chịu trách nhiệm trước tập thể.

Không chỉ vậy, trong khoảng thời gian này, một quản lý tập sự như bạn có thể dễ dàng nhận được sự bao dung từ “cấp trên”, “cấp dưới”, “cộng sự”, “đối tác”, có thể là thầy cô, tiền bối, bạn bè. Sau khi đi làm, chủ doanh nghiệp phải trả lương cho bạn, lương thưởng của cấp dưới phụ thuộc vào bạn, cộng sự gặp những áp lực công việc như bạn, đối tác đòi hỏi bạn phải tốt và tốt hơn nữa, trách nhiệm của người quản lý vì thế cũng nghẹt thở hơn nhiều.

Một số người có “tố chất lãnh đạo” vốn có, nhưng số đông những người bình thường như chúng ta vẫn có thể bù đắp khoảng trống này bằng những kinh nghiệm “thực chiến” từ khi còn ngồi ghế nhà trường như thế. Không chỉ dừng lại ở tờ giấy chứng nhận, điều quý giá chúng ta có được là trải nghiệm chân chính về công việc, từ đó rèn luyện năng lực của bản thân như quản lý thời gian, giải quyết vấn đề và ra quyết định, chịu áp lực công việc…

Hơn thế, ngoài chương trình học trên lớp, bản thân quá trình học đại học đòi hỏi khả năng tự học, tự nghiên cứu để làm vững vàng kiến thức của bản thân. Thay vì mướt mải chạy theo những lớp học thêm như hồi cấp ba, cuộc sống đại học đòi hỏi bạn hàng giờ tra cứu tài liệu, lăn xả trên thư viện, thảo luận làm việc nhóm, trao đổi với giáo sư.

Như bạn thấy, quỹ thời gian của chúng ta không có quá nhiều như chúng ta vẫn nghĩ. Vì thế, mong bạn hãy trân trọng, đừng bỏ lỡ bất cứ giai đoạn nào của năm tháng đại học.

Giáp Văn Dương - Nhiều tác giả / Times - NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/co-mot-ngon-nui-mang-ten-dai-hoc-post1487478.html