Có một Quảng Nam vươn lên từ miền cát trắng
Quảng Nam ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm. Sau gần 30 năm tái lập tỉnh (1997-2024), Quảng Nam đang vươn lên, vững vàng trở thành cực tăng trưởng quan trọng của cả nước nói chung và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng.
Mảnh đất trung dũng, kiên cường
Cái tên Quảng Nam có từ năm 1471 dưới triều vua Lê Thánh Tông. Đây là vùng đất khoa bảng, gắn với tên tuổi các chí sĩ yêu nước, những danh xưng “Tứ hổ”, “Tứ kiệt”, “Ngũ phụng tề phi”... nổi tiếng một thời. Người Quảng Nam thì như vậy còn vị thế địa lí Quảng Nam đã được chúa Nguyễn Hoàng nhận định: “Đây là đất yết hầu của miền Thuận, Quảng”, là “đất dụng võ của kẻ anh hùng”, bởi nó hội đủ những điều kiện cho thế công, cũng như thế thủ; nếu biết “dạy dân, luyện binh” thì có thể xây dựng sự nghiệp cho muôn đời”...
Về thăm đất Quảng hôm nay, đi theo quốc lộ 1A, đến địa bàn xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, nhìn lên đồi cao dễ dàng thấy tượng đài chiến thắng sừng sững. Đây là chứng tích sống động, niềm tự hào của quân và dân đất Quảng trong trận đầu thắng Mỹ năm xưa. Trong trận Núi Thành, ta đã vận dụng cách đánh tập kích, sử dụng lực lượng bộ binh kết hợp với đặc công bí mật khắc phục vật cản, tiếp cận, áp sát mục tiêu hình thành thế bao vây, đánh gần diệt địch. Với cách đánh đó ta đã vô hiệu hóa vũ khí, khí tài quân sự hiện đại của quân đội Mỹ. Chính vì vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút, đại đội thủy quân lục chiến tinh nhuệ, niềm tự hào của quân đội Hoa Kỳ, có số quân đông gấp đôi đã bị ta tiêu diệt. Đây là cú nốc ao giành cho sự huênh hoang của Mỹ, cũng là câu trả lời cho thế giới biết rằng quân và dân Việt Nam dám đánh Mỹ và đánh thắng Mỹ ngay từ trận đầu.
Với ý nghĩa to lớn trận đầu đánh thắng giặc Mỹ, ngày 17/9/1967, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Nam vinh dự và tự hào được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương và tặng cờ thêu 8 chữ vàng: “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ 2.
Những lần về đất Quảng, tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện để hiểu thêm về con người vùng đất trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ năm xưa. Cụ Mai Dũng (87 tuổi) trú quán Khối phố Mỹ Đông, Phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ kể lại: Tôi tham gia cơ sở cách mạng từ năm 1973 đến khi quê nhà được giải phóng. Ký ức của những năm tháng đánh Mỹ Thiệu mà đặc biệt là ngày quê hương được giải phóng sẽ theo tôi đến hết cuộc đời. Sáng 24/3/1975, các cánh quân của bộ đội ta tiến vào thị xã Tam Kỳ. Đến 26/3/1975, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hoàn toàn giải phóng, lúc này chúng tôi mới có dịp ăn mừng. Quảng Nam giải phóng - chiến công này đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam mùa Xuân năm 1975.
Trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc, Quảng Nam là địa phương có nhiều cái “nhất”, nhưng những cái “nhất” này đều ghi dấu từ sự mất mát đau thương, được dệt nên từ máu và nước mắt. Đây là tỉnh có số lượng đối tượng chính sách, người có công với cách mạng nhiều nhất cả nước với trên 65.400 liệt sỹ, trên 30.700 thương, bệnh binh, trong đó huyện Điện Bàn - quê hương Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi là địa phương có nhiều liệt sỹ nhất cả nước. Mảnh đất Thành đồng Quảng Nam cũng là nơi có nhiều Mẹ VNAH nhất với trên 15.300/127.000 bà mẹ của cả nước được Đảng, Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.Trong đó Bà mẹ VNAH chịu nhiều thương đau mất mát nhất là Mẹ Nguyễn Thị Thứ có chồng, cùng 9 người con đẻ, một con rể, 2 cháu ngoại là liệt sỹ hay Mẹ VNAH Lê Thị Tự có 9 người con là Liệt sỹ.
Mỗi lần về Quảng Nam, lần nào tôi cũng đến thắp hương tri ân và tưởng nhớ tại tượng đài Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ. Đây là công trình tượng đài về người mẹ lớn nhất Việt Nam, cũng là biểu tượng thiêng liêng của vùng đất Thành đồng đất Quảng.
Khu tượng đài mẹ Thứ tọa lạc sừng sững trên trên núi Cấm, thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, Thành phố Tam Kỳ. Công trình khởi công xây dựng ngày 27/7/2009 trước một năm ngày mẹ Thứ mất. Toàn bộ Khu tượng đài trên diện tích 15ha. Khối tượng cao đến 18,5m được làm từ đá sa thạch, chính giữa cụm tượng đài là nguyên mẫu chân dung Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ. Những đường nét tạo hình trên gương mặt mẹ cho thấy sự khắc khổ song vô cùng rắn rỏi và nghị lực phi thường của người mẹ Việt Nam trước những mất mát hi sinh và thử thách của cuộc đời. Theo mỗi bước đi hướng về tượng đài người mẹ là 30 ngọn đèn đá tượng trưng cho 30 năm mòn mỏi, đợi chờ của mẹ. Tôi đi đến bên một phiến đá lớn dưới tán cây hoa đại, ở đây khắc những câu thơ của nhà thơ Xuân Hồng: “Cho con xin chia sót nỗi buồn/Cho con xin sẻ đôi bát cơm/Cho con hôn đôi mắt mỏi mòn/ Cho con soi lại bóng hình con/ Mẹ Việt Nam ơi, Mẹ Việt Nam ơi/Xin cám ơn người người mẹ của tôi”.
Cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Trong những lần về miền đất thành đồng Quảng Nam, lần nào tôi cũng giành nhiều thời gian thăm các chứng tích chiến tranh, các công trình kiến trúc. Mỗi một lần đi về lại thấy rõ sự đổi thay của vùng đất này. Cách đây chưa lâu, vùng đất này mênh mông cát trắng, mùa nắng lóa nhức mắt, mùa mưa sũng nước, cây cối xác xơ bởi sự khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết... Thế mà giờ đây, các khu công nghiệp, sân bay, cảng biển đã mọc lên. Quá trình đô thị hóa ở thành phố tỉnh lị diễn ra thật nhanh và mạnh. Mạng lưới giao thông đô thị được đầu tư hoàn thiện nhanh chóng, thêm nhiều tuyến đường mới mở, những tuyến cũ được cải tạo nâng cấp.
TP Tam Kỳ thời chiến tranh nổi danh với địa đạo Kỳ Anh- công trình sáng tạo trong chiến tranh nhân dân, có sức chứa cả một tiểu đoàn đủ quân. Tam Kỳ giờ đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Khu công nghiệp Tam Thăng hiện đã có hơn 20 dự án đầu tư, trong đó 18 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD, các dự án đầu tư trong nước có tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 338 tỷ đồng. Khu công nghiệp Tam Thăng không những góp phần dựng xây nên diện mạo mới mà còn tạo nguồn thu đáng kể đóng góp vào ngân sách của tỉnh và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Trên vùng “đất thép” Núi Thành, vùng quê năm xưa chỉ có những rặng dương già cằn cỗi giữa mênh mông cát trắng, với những mái nhà tranh bạc thếch vì nắng gió, giờ đây mọc lên hàng nghìn ngôi nhà mái ngói, tường xây kiên cố và hàng trăm công trình, nhà máy hiện đại... Tiêu biểu phải nói đến Khu kinh tế mở Chu Lai bề thế được áp dụng các cơ chế, chính sách mới, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế.
Từ một tỉnh thuần nông, sau gần 30 năm tái lập tỉnh (1997-2024), nay Quảng Nam đã vươn lên, có những thế mạnh được ưu tiên phát triển như cảng biển, cảng hàng không Chu Lai; đường biên giới và đường bờ biển dài và có 3 Di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận là Phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Hát bài chòi. Khu kinh tế mở Chu Lai nổi bật là Tập đoàn THACO Chu Lai - Trường Hải tiếp tục là điểm sáng, hướng đến hình thành Trung tâm Cơ khí ô tô quốc gia, duy trì tăng trưởng, đa dạng sản phẩm xuất khẩu ra các nước.
Với ý chí, khát vọng vươn lên, Quảng Nam hướng tới mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển cảng hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp ô tô, công nghiệp cơ khí, điện khí mang tầm khu vực; hình thành trung tâm công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, dược liệu, silica mang tầm quốc gia; có hệ thống đô thị đồng bộ gắn kết với nông thôn.
Thật mừng là từ năm 2017 đến nay Quảng Nam đã có đóng góp cho ngân sách Trung ương, trở thành tỉnh trung bình khá của cả nước. Từ miền cát trắng, đang có một Quảng Nam vươn lên, vững vàng trở thành cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/co-mot-quang-nam-vuon-len-tu-mien-cat-trang-210359.htm