Có một thế hệ người trẻ biết ơn

Từ hành động hàng ngàn bạn trẻ trên khắp cả nước lặng lẽ xếp hàng tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sự kiện 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Lễ quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cho đến tạo ra 'trend' vẽ lá cờ Tổ quốc lên mái nhà, lên cửa, lên tường… tất thảy đó chính là lòng yêu nước, sự biết ơn đối với các bậc tiền nhân có công với đất nước. Đó chính là truyền thống uống nước nhớ nguồn luôn nảy nở, luôn chảy tràn trong huyết quản một thế hệ trẻ Việt Nam.

Yêu nước - tự nhiên như thở!

Có đôi lúc, vì chuyện này chuyện khác, chúng ta có cảm giác giới trẻ không còn muốn học môn lịch sử và nhiều người nghĩ cần phải dạy lại lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Thế nhưng, thực tế là cứ mỗi khi đất nước diễn ra một sự kiện văn hóa, lịch sử, chính trị nào đó hoặc là chứng kiến một vài biến cố của đất nước, là lại thấy có một thế hệ trẻ Việt Nam không hề vô cảm, ngược lại còn quan tâm sâu sắc và họ thể hiện lòng yêu nước theo cách của người trẻ.

Hình ảnh xúc động của thanh niên Thủ đô giúp đỡ một cụ già trong lễ quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hình ảnh xúc động của thanh niên Thủ đô giúp đỡ một cụ già trong lễ quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Sự kiện 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) vừa qua đã là một minh chứng rõ rệt nhất cho lòng yêu nước, sự biết ơn của thế hệ trẻ hôm nay. Hàng ngàn bạn trẻ không quản đường xa đã đến tham dự sự kiện, cùng vô số hình ảnh, video được đăng tải lên mạng xã hội về ngày trọng đại của đất nước. Có thể thấy hành động này không chỉ để tôn vinh chiến thắng lịch sử, mà còn là những lời nhắc nhở giới trẻ về giá trị của độc lập tự do, mà thế hệ cha ông đã phải đổi bằng máu và nước mắt. Cách mà người trẻ truyền tải tới cộng đồng mạng rất sinh động và cũng thật đặc biệt, không hề sáo rỗng, lý thuyết khô cứng mà ngược lại rất thực tế đời thường. Chính điều ấy đã truyền cảm hứng cho nhiểu bạn trẻ khác tiếp nối, nuôi dưỡng truyền thống yêu nước như một mạch chảy mãnh liệt không ngừng nghỉ.

Mới đây nhất, sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với nhân dân, để lại nhiều cảm xúc sâu sắc trong lòng mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chỉ ngay sau khi có thông báo về Lễ Quốc tang, đã có hơn 4.000 đoàn viên thanh niên của Thủ đô đăng ký làm tình nguyện viên để phục vụ Lễ Quốc tang.

Nhớ lại những ngày ấy, thời tiết Hà Nội nắng như đổ lửa, nhưng cũng không cản được tinh thần thanh niên tình nguyện, xung kích vì cộng đồng. Tại các điểm diễn ra lễ viếng của Tổng Bí thư tại Nhà tang lễ Quốc gia và huyện Đông Anh, đều được bố trí các chốt trực của thanh niên phục vụ cho bà con nhân dân miễn phí về nước uống, đồ ăn nhẹ, mũ, quạt cũng như trong thời tiết xấu sẽ có áo mưa để phát cho bà con đến viếng.

Và sau đó, tràn ngập trên không gian mạng, trên khắp các nền tảng xã hội là hình ảnh các bạn thanh niên tình nguyện dùng quạt làm mát cho những người xếp hàng vào viếng, là hành động vô cùng ấm áp và gây xúc động mạnh của nhiều bạn trẻ khác khi chia sẻ từng chai nước cho người khác miễn phí... Là những chiếc ô được các bạn trẻ giương lên, che nắng cho những anh công an, bộ đội làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự dọc cung đường mà Đại linh xa chở linh cữu Tổng Bí thư đi qua.

Tất cả những hình ảnh ấy không chỉ thể hiện sự tôn trọng đối với một lãnh tụ tài ba, mà còn thể hiện lòng biết ơn đối với những cống hiến to lớn mà ông đã dành cho đất nước. Những lời chia sẻ, những dòng trạng thái trên mạng xã hội trong những ngày quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều cho thấy sự kính trọng, ngưỡng mộ và lòng biết ơn từ thế hệ trẻ dành cho vị lãnh tụ tài đức. Sự ra đi của ông là một mất mát lớn, nhưng cũng là dịp để giới trẻ nhìn lại và tiếp tục phấn đấu theo những giá trị, những di sản hết sức giản dị nhưng vô cùng lớn lao mà ông đã để lại.

Giới trẻ không chỉ có những hành động thể hiện lòng yêu nước qua những sự kiện lịch sử, sự ngưỡng mộ đối với các vị lãnh tụ của dân tộc mà còn tạo ra hàng loạt những trend rất đặc biệt, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của dân tộc như cover (thể hiện lại) giai điệu ca khúc “Trống cơm”, hay vẽ tranh các anh hùng cứu người trong đám cháy.

Còn nhớ trong vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra trên phố Trung Kính (Phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), Đồng Văn Tuấn (sinh năm 2003, Nam Định), Hoàng Anh Tuấn (sinh năm 2003, Nam Định) và anh Phạm Quốc Luật (sinh năm 1989, Hà Tĩnh) được ca ngợi khi hỗ trợ nhau giải cứu nhiều nạn nhân khỏi nguy hiểm.

Nể phục trước 3 “người hùng” đã dũng cảm cứu người trong vụ cháy ở trung kính, dân mạng vẽ tranh và lan truyền như lời tri ân sâu sắc.

Nể phục trước 3 “người hùng” đã dũng cảm cứu người trong vụ cháy ở trung kính, dân mạng vẽ tranh và lan truyền như lời tri ân sâu sắc.

Cộng đồng mạng không khỏi xúc động khi xem video Đồng Văn Tuấn - làm công việc lái xe công nghệ - mình trần, đứng trên thang gỗ, một tay bám vào thanh sắt cửa sổ, tay còn lại dùng búa tạ liên tục đập tường để giải cứu người mắc kẹt. Khi chàng trai đuối sức, anh Phạm Quốc Luật trèo lên thay và đập những nhát búa cuối cùng, còn Hoàng Anh Tuấn giữ thang ở phía dưới.

Nể phục trước 3 “người hùng” đã quên mình dũng cảm cứu người, dân mạng liên tục tái hiện khoảnh khắc về họ qua tranh vẽ và lan truyền như lời tri ân sâu sắc. “Không phải anh hùng nào cũng mặc áo choàng”, “Siêu nhân ngay ở trong mỗi con người chúng ta”, “Dòng máu Việt Nam luôn chảy trong tim mỗi con người”, hay “ở Việt Nam cứ ra ngõ là gặp anh hùng”,… là những lời bình đầy xúc động.

Ai cũng có thể trở thành anh hùng, từ những người làm công việc bình thường nhất, nhưng trên tất cả, mỗi người Việt Nam đều mang trong mình một niềm tự hào dân tộc, sẵn sàng hy sinh vì đồng bào, vì bình yên của cuộc sống.

Không chỉ dừng lại ở việc tôn kính các nhân vật lịch sử có công với Tổ quốc và các sự kiện trọng đại của đất nước, lòng yêu nước của giới trẻ Việt Nam còn thể hiện qua các xu hướng trực tuyến và các hoạt động cộng đồng. Sức nóng của lòng yêu nước và tự hào dân tộc đang lan tỏa, tạo thành trào lưu “biến mỗi mái nhà thành một lá cờ Tổ quốc” ở khắp các địa phương.

Yêu nước theo cách riêng

Phong trào biến mỗi mái nhà thành một lá cờ Tổ quốc xuất hiện tự phát, không cơ quan, tổ chức nào phát động. Ý tưởng này bắt nguồn từ anh Lê Quang Vũ (Vĩnh Phúc). Anh Vũ kể, ngôi nhà được anh xây dựng đầu năm 2024 là món quà dành tặng cho bố mẹ. Đến giữa tháng 4, anh vô tình xem được video về một cô gái tự vẽ và tạo lá cờ đỏ sao vàng lên mái nhà, dù diện tích nhỏ.

Thấy ý tưởng này khá mới và nghĩ nó sẽ lan tỏa tình yêu nước, có thể truyền cảm hứng được tới cho nhiều người, lại thấy căn nhà đang xây lợp tôn bằng có màu đỏ, anh ấp ủ ý định tạo hình lá cờ đỏ sao vàng lên mái. Quyết định này của anh được cả gia đình ủng hộ. Sau khi hoàn thành tác phẩm, anh Vũ chia sẻ hình ảnh và video lên mạng xã hội. Bất ngờ, video của anh nhanh chóng thu hút sự chú ý của hàng triệu người và trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người khác “bắt trend” thực hiện.

Người dân cần hiểu luật khi vẽ cũng như sử dụng Quốc kỳ đúng nơi, đúng chỗ, đúng mục đích.

Người dân cần hiểu luật khi vẽ cũng như sử dụng Quốc kỳ đúng nơi, đúng chỗ, đúng mục đích.

Để có hình ngôi sao vàng 5 cánh đúng tỷ lệ, Vũ phải tính toán, đo đạc trước trên máy tính, khi ra thực tế sử dụng thêm flycam để căn chỉnh góc sao cho ngôi sao ngay ngắn và đẹp nhất. Sau khi tạo được khung ngôi sao, anh tiếp tục pha sơn và quét hai lớp để có được màu vàng ưng ý. Tổng thời gian thực hiện mất khoảng một ngày.

Hàng triệu bạn trẻ trên cả nước đã xem video của anh Vũ và để lại nhiều bình luận ủng hộ tích cực, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay biến ý tưởng này thành một trào lưu mới trên không gian mạng.

Điều đáng chú ý không chỉ là sự độc đáo của ý tưởng này, mà còn là cách nó nhanh chóng lan tỏa mạnh mẽ khắp cả nước. Từ các vùng núi phía Bắc, qua những làng quê miền Trung, đến các thành phố lớn ở miền Nam, người dân từ mọi miền đã bắt đầu tham gia vào phong trào này. Không chỉ dừng lại ở những mái nhà lợp tôn hoặc ngói, mà lá cờ đỏ sao vàng còn xuất hiện trên cánh cửa, trên tường, và thậm chí trên các vật dụng hàng ngày.

Phong trào này không chỉ mang tính thẩm mỹ, mà còn thể hiện một thông điệp sâu sắc hơn: Lòng yêu nước và niềm tự hào về dân tộc. Việc vẽ lá cờ Tổ quốc lên mái nhà là cách để mỗi người dân thể hiện tình yêu với đất nước theo một cách rất riêng. Anh Lê Quang Vũ cũng không ngờ rằng hành động của mình lại được nhiều người ủng hộ đến vậy. Anh chia sẻ: "Tôi chỉ mong muốn lan tỏa tình yêu quê hương đất nước đến mọi người và chứng minh rằng lòng yêu nước của người Việt Nam là bất diệt".

Trên các nền tảng mạng xã hội, phong trào này đã nhận được sự hưởng ứng từ khắp các tỉnh, thành như Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Nội, cho đến Ninh Thuận, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Nhiều người đã bắt đầu chuẩn bị để vẽ lên mái nhà của mình, dù đó là mái ngói hay fibro xi măng. Chỉ sau một thời gian ngắn, các nền tảng như Facebook, TikTok đã tràn ngập hình ảnh những lá cờ Tổ quốc rực rỡ xuất hiện trên mái nhà khắp các vùng quê, trải dài dọc dải đất hình chữ S.

Một bạn trẻ bình luận trên mạng rằng, tim anh “nhói lên niềm kiêu hãnh khi xem những hình ảnh vừa bình dị vừa hùng vĩ ấy, cảm thấy lòng yêu nước và tự hào dân tộc bỗng bừng lên trong tim”. Có lẽ đó cũng chính xác là điều mà những người dân đã và đang sơn quốc kỳ lên mái nhà mình cảm thấy. Cảm xúc này đã kết nối nhiều người Việt Nam, tạo thành làn sóng nhiệt đang lan tỏa ngày một rộng rãi từ hồi tháng 7 và giờ đây càng sôi nổi, hướng tới dịp lễ Quốc khánh 2/9 sắp tới.

Lá cờ Tổ quốc Việt Nam, với nền đỏ và ngôi sao vàng năm cánh, không chỉ là một biểu tượng quốc gia mà còn mang trong mình những ý nghĩa lịch sử và chính trị sâu sắc. Nền đỏ của lá cờ tượng trưng cho dòng máu đã đổ xuống trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đó là sự hy sinh, của lòng quả cảm và quyết tâm không ngừng nghỉ để bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, để tránh việc Quốc kỳ bị biến tướng, mất thẩm mỹ thì hình ảnh của Quốc kỳ cần phải vẽ ở những vị trí đẹp, dễ nhìn, thông thoáng và đảm bảo tỷ lệ, kích thước, màu sắc của Quốc kỳ theo đúng quy định. Điều đặc biệt là không nên thái quá trong cách thể hiện.

Đứng ở góc độ pháp lý, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng Luật Intelia cho rằng, căn cứ quy định tại điều 13 Hiến pháp năm 2013 của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Quốc kỳ (Lá cờ đỏ sao vàng, Cờ Tổ quốc…) được xác định là hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Nội dung về hình dáng, kích thước Quốc kỳ được xác định chi tiết tại khoản 1 điều I của Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL ngày 02/10/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thế hệ trẻ đang tiếp nối, phát huy và lan tỏa những giá trị cao đẹp của dân tộc Việt Nam, khẳng định rằng họ là những người kế thừa xứng đáng của một dân tộc kiên cường và bất khuất. Thế hệ trẻ ngày nay không chỉ tiếp nhận mà còn tìm cách làm mới, làm phong phú thêm các giá trị truyền thống, biến chúng thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại.

Liệu rằng, trong thời bình giới trẻ Việt Nam đang có yêu nước hơn hay không? Có lẽ khó có câu trả lời chính xác, bởi chúng ta không thể so sánh đơn thuần lòng yêu nước giữa các thế hệ. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, lòng yêu nước của thế hệ trẻ đang được thể hiện qua những cách thức khác nhau, những việc làm khác nhau. Điều quan trọng là, dù cách thức có thay đổi, tình yêu nước vẫn luôn là một giá trị cốt lõi, gắn kết mỗi người Việt Nam với quê hương, lịch sử và tương lai của đất nước.

Đinh Hiền

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/co-mot-the-he-nguoi-tre-biet-on-i741878/