Có một 'vườn thơ' như thế

Làng Đông Bích, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An là một làng quê có truyền thống hiếu học và văn chương. Chỉ một làng nhỏ thôi nhưng có đến ba nhà thơ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam; ba nhà thơ thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Đấy là một điều không dễ và đã trở thành niềm tự hào cho người Đông Bích nói riêng và người Đô Lương nói chung.

xVương Trọng là đứa con của làng, sinh ra trong một gia đình đông anh em, từng trải qua thời kỳ cơ cực tuổi thơ. Ông nổi tiếng là người thông minh, đặc biệt ông có trí nhớ hơn người. Ông học giỏi môn toán, yêu văn chương và luôn trăn trở cuộc sống của những người bất hạnh và thể hiện điều đó trong thơ.

Những tác phẩm thành công nhất của ông thường chứa nặng tình thương, như “Bên mộ cụ Nguyễn Du”, “Với đứa con ngoài giá thú”, “Khóc giữa chiêm bao”, “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc”,... Thơ của ông nổi bật là lòng thương người và sự đồng cảm, sẻ chia sâu sắc. Vương Trọng từng chia sẻ rất thấm thía về thơ rằng: “Tôi yêu Đỗ Phủ hơn Lý Bạch, yêu Nguyễn Du hơn Hồ Xuân Hương; bởi Đỗ Phủ, Nguyễn Du ngoài tài thơ ra còn có trái tim lớn, đau nỗi đau những cuộc đời bất hạnh. Thơ sinh ra không phải cho người đời chơi chữ, mà cốt để chuyển tải nỗi lòng. Bài thơ hay nhiều khi không còn thấy thơ đâu mà chỉ thấy cuộc đời, tâm trạng và số phận...”.

Nhà thơ Vương Trọng.

Nhà thơ Vương Trọng.

Với quan niệm về thơ như thế, các tác phẩm của ông thường chạm đến trái tim của độc giả để họ cùng thổn thức. Tiếng thơ cũng chính là tiếng lòng ông muốn gửi gắm đến bạn đọc.

Quê hương là một đề tài lớn trong sáng tác của ông. Ông tự nhận mình là gã nhà quê ở phố, hồn ở quê: “Tôi đây đích thực nhà quê/ Ai khen cứ việc, ai chê xin mời”. Ông giới thiệu làng mình: “Làng tôi nhỏ, lối vào làng cũng nhỏ/ Ô tô về phải đậu lại đường quan”. Và, bạn bè của mình thì: “Những bàn tay lam nham cua cắp/ Những bàn chân tập tễnh bước gai đâm...”.

Bài thơ “Lời dặn” được xem như “bản di chúc” của ông được viết năm 1989, cách nay đã trên một phần ba thế kỷ. Ông ước khi từ giã cõi đời thì về an nghỉ ở quê hương, bởi:

Núi Quỳ Sơn sẵn dành chỗ tôi nằm
Hoa ấm lửa đất nồng hơi than cháy.

Cách đây 3 năm, ông về quê dài ngày để tự chọn mảnh đất cho mình khi trăm tuổi.

Nơi ông chọn là mảnh đất ngay chân núi, mặt nhìn ra đồng lúa, phía sau là cả dãy núi Quỳ Sơn dang tay nâng đỡ và vỗ về, phía bên phải là suối nước rì rầm quanh năm... Trong khu đất ấy, ông tự thiết kế cho mình các khu vực rõ ràng, hợp lý. Phía trên cùng là hai chỗ nằm cho ông và bà khi trăm tuổi; trung tâm của khu đất là bia đá dựng có khắc bài thơ “Lời dặn” và bài “Nghĩ về thơ”. Điểm đặc biệt nhất của mảnh vườn này đó chính là những bài thơ được in rất đẹp đẽ, được trang trí giống như những trang sách ngay ngắn, phẳng phiu rất ấn tượng ngay trên tường vôi bao quanh. Vườn thơ có tất cả 15 bài thơ, bia chính có hai bài: “Lời dặn” và “Nghĩ về thơ”, phần còn lại chia ra làm hai nửa, nửa nhiều hơn viết về quê hương như “Núi Quỳ”, “Làng trong chiêm bao”,… nửa viết về vùng đất khác như “Nhà Rông”, “Trăng Ghềnh Ráng”...

Ông đã đi qua nhiều nơi, sinh sống và làm việc ở Thủ đô bao nhiêu năm nhưng quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn vẫn có sức lay gọi ông tìm về, lòng ông luôn đau đáu chốn quê nhà. Ở đó có núi Quỳ, nơi tuổi thơ ông gắn bó với bạn bè, với nhiều kỷ niệm không bao giờ cũ. Nghĩ về núi Quỳ, bao suy tư cứ dội về trong ông từ cái nắng, vách đá, tiếng gọi của trẻ chăn trâu đến nỗi nhớ của trai làng khi rời quê vào chiến trận để ngày trở về vẫn thương nhớ rưng rưng:

Nắng hè dội lửa vào khe đá
Khe đá bức xạ từng chùm hoa
mẫu đơn
Trẻ trâu gọi nhau dội vào vách đá
Tiếng hồi âm vang đến tận làng.

(Núi Quỳ)

Núi Quỳ là một trong những điểm nhấn của làng quê Đông Bích của ông. Núi Quỳ thật nhiều đá, đá sắc nhọn, dựng đứng, vách đá kiên cường như con người quê ông. Núi Quỳ và làng quê Đông Bích có mối quan hệ khăng khít, bền chặt, người dân quê bao đời vẫn hướng núi mà nhìn, hướng núi tìm về khi thành người thiên cổ. Núi và người gắn bó trăm năm. Núi cũng như làng, chứng kiến bao thăng trầm dâu bể, cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc đã gọi biết bao trai làng tòng quân, cứu nước. Núi Quỳ trở thành một phần trong kí ức, nỗi nhớ của người làng khi đi xa và cũng là nơi họ khao khát tìm về.

Ngôi làng Đông Bích nhỏ xinh với những mái nhà cỏ gianh đơn sơ, những khu vườn rậm rạp gọi bao loài chim tìm về lanh lảnh tiếng hót, con đường nhỏ quen thuộc với hai dãy cau bên bờ, cỏ tràn cả lối đi, cây đa ba chánh chín chồi ngàn tuổi luôn níu bước chân người đi xa, đã ghim vào trái tim, trí nhớ của thi nhân trở thành mạch nguồn của sự sống, sự sáng tạo.

Về quê hồn thảng thốt
Làng xưa giờ nơi nao?

(Làng trong chiêm bao)

Với ông, người mẹ có một vai trò đặc biệt. Phải chăng, vì tuổi thơ khốn khó, cha mất sớm, anh em lớn lên trong tình yêu thương và sự chăm lo giáo dục của mẹ mà bà trở thành một “tượng đài” trong trái tim ông. Bài thơ “Khóc giữa chiêm bao” đã khiến bao độc giả rưng rưng, thổn thức với cảm xúc chân thành mà thống thiết của nhà thơ. Đó là giấc mơ gặp mẹ khi người đã thành người thiên cổ, khoảnh khắc gặp bà là những năm tháng tuổi thơ của anh em nheo nhóc, cơ hàn để rồi giấc mơ qua, giọt nước mắt vẫn dầm dề và khát khao gặp lại dù “thêm lần con khóc giữa chiêm bao”:

...Chiêm bao tan, nước mắt dầm dề
Con gọi mẹ một lần trong đêm vắng.

(Khóc giữa chiêm bao)

Quê hương là mẹ, mẹ là quê hương. Dù lập nghiệp, sinh sống xa quê nhưng ông luôn hướng về quê hương với một tình yêu cội rễ. Mỗi lần đi đâu thấy loài cây lạ là ông lại tìm cách đưa về trồng trên đất quê. Ông từng mang cây gạo lấy từ Hà Giang, cây bồ đề ở Hà Nội về trồng ở miếu Đông Sơn, vườn nhà thờ họ. Hiểu được tình yêu mà người mang giống cây gửi gắm, cây tốt tươi để đền đáp ơn người. Đến nay, dù đã ngoài bát thập, ông vẫn một lòng hướng về quê hương, nguồn cội. Việc họ, việc làng ông đều quan tâm và có những đóng góp lớn cả về tinh thần lẫn vật chất. Ông là con người của làng quê, trọn một đời luôn đau đáu với quê nhà.

Vườn thơ của nhà thơ Vương Trọng.

Vườn thơ của nhà thơ Vương Trọng.

Đến với vườn thơ của ông, chúng ta cũng sẽ biết thêm về những nơi khác ngoài làng quê Đông Bích. Ta sẽ thấy được một nhà Rông ngay dưới chân núi Quỳ:

Nhìn dọc: dựng mũi tên
Nhìn ngang: xóc lưỡi búa
Bước lên hóa con thuyền
Sóng rượu cần nghiêng ngửa.

(Nhà Rông)

Đã có nhiều nhà thơ viết về nhà Rông, nhưng nhà Rông của Vương Trọng với những nét khắc họa, thật khó quên. Thơ ông đã đưa một nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tây Nguyên về sát với làng mình.

Vườn thơ còn đưa ta về với “Trăng Ghềnh Ráng” về với một địa điểm du lịch vùng đất Quy Nhơn và nhớ về nhà thơ tài năng mà đoản mệnh Hàn Mặc Tử. Tiếng thơ hay tiếng lòng tác giả đang thổn thức trước cảnh đẹp và chuyện thi nhân:

Vầng trăng xưa người bán ở Quy Hòa
………………………………….
Ta nhìn trăng cứ sợ trăng rơi.

(Trăng Ghềnh Ráng)

Trong vườn thơ của ông không chỉ có hình ảnh của quê hương xứ sở mà còn có cả những địa danh, vùng đất khác với những cuộc đời và số phận khác nữa. Chúng ta bắt gặp bài thơ “Nguyễn Du” trong vườn thơ đa sắc ấy. Ông yêu Nguyễn Du không chỉ bởi tài thơ trác tuyệt mà bởi vì tấm lòng luôn trăn trở đau nỗi đau của những số phận bất hạnh trong cuộc đời:

Tóc bạc cảm thương người phận mỏng
Lưng gầy trĩu nặng nỗi bể dâu.

Không có trái tim yêu thương, không có sự đồng cảm, sẻ chia chắc chắn không có được những vần thơ cảm động đến thế.

Một vườn thơ nho nhỏ dưới chân núi Quỳ, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An của nhà thơ Vương Trọng cũng giúp ta hiểu hơn về ông: một người con luôn hướng về quê hương gốc rễ với tình yêu thương âm ỉ và mãnh liệt, một nhà thơ luôn trăn trở với nghệ thuật và cuộc đời, một người nghệ sĩ in dấu chân mình qua nhiều vùng đất, hiểu nhiều con người trong cõi nhân sinh và sáng tạo nghệ thuật. Về bên vườn thơ của ông, ta nghe rõ cả tiếng lòng ông cùng con tim bâng khuâng, xao xuyến. Về với vườn thơ ông, ta nghe lòng mình dịu lại, chan hòa cùng cỏ cây, lắng nghe tiếng suối chảy, tiếng lá thông vi vu, mùi hương ngào ngạt. Và, ta nghe thấy tiếng lòng mình nhẹ bẫng, thanh cao!

Tháng 7/2024

Vương Thư

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/co-mot-vuon-tho-nhu-the-i739184/