Có nàng thiếu phụ Nam Xương... ra trận
Có một nàng thiếu phụ Nam Xương… ra trận vừa được Đoàn Thể nghiệm, Nhà hát Tuồng Việt Nam khắc họa, đem đến cho khán giả những hứng thú đặc biệt.
Sau nỗi oan khiên bị chồng từ chiến trận trở về đuổi ra khỏi nhà bởi lời mách ngây thơ của con trẻ rằng đêm đêm cha nó đến, mẹ đi đâu thì đi theo đấy, Mai Hương được thiền sư cứu mạng, gieo nhân duyên.
Để tự minh oan cho mình, nàng liền búi tóc giả trai gia nhập đội quân nơi biên ải, góp sức bảo vệ bờ cõi quê hương.
Có một nàng thiếu phụ Nam Xương… ra trận như thế vừa được Đoàn Thể nghiệm, Nhà hát Tuồng Việt Nam khắc họa, đem đến cho khán giả những hứng thú đặc biệt.
Khác xa với sách học
Rạp Hồng Hà kín chỗ và không ngớt tiếng vỗ tay trong đêm công diễn vở tuồng “Thiếu phụ Nam Xương”. Khán giả được khóc cười cùng cuộc đời dâu bể của nàng Mai Hương - thiếu phụ Nam Xương.
Dù tên gọi có sự thay đổi từ Vũ Nương thành Mai Hương và người con tên Đản đổi thành Trịnh Đồng nhưng ngay khi cánh màn nhung vở diễn mở ra, người xem được cùng nhớ lại những tình tiết quen thuộc trong văn bản “Chuyện người con gái Nam Xương” ở “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ là ở sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9 (2005).
“Những hư cấu từ góc nhìn không chỉ lên án chiến tranh mà còn đề cao nữ quyền của ê-kíp sáng tạo vở diễn “Thiếu phụ Nam Xương” rất hợp lý và hợp với thời nay. Nhất là phần sau của câu chuyện khá mới mẻ, không khiến người xem cảm thấy ức chế với cái kết trong tác phẩm văn học đã được đọc và học ở chương trình Ngữ văn phổ thông”. Mỹ Vân, cựu sinh viên Trường Đại học RMIT Việt Nam
Đó là cảnh người mẹ chơi đùa với con nhỏ, nói cái bóng của mình chính là cha đứa bé (qua nghệ thuật rối bóng). Nối tiếp đó là chuỗi bi kịch của người vợ đang mừng rỡ đón chồng từ chiến trận trở về để rồi bị người đàn ông nông cạn, ghen tuông ấy một mực xua đuổi mà phẫn uất, toan trẫm mình xuống sông…
Những tình tiết ấy gói gọn trong cảnh mở màn và giao đãi để dẫn dắt đến bước ngoặt của cuộc đời Mai Hương không phải như trong truyện được Linh Phi, vợ vua Nam Hải cứu rồi sau đó gặp người cùng làng mà gửi lời về cho chồng lập đàn giải oan.
Trong vở diễn, nàng được thiền sư đưa về truyền dạy võ nghệ tinh thông hơn người để giả trai ra giúp dân, giúp nước. Trên bước đường này có nhiều tai ương thử thách đặt ra với Mai Hương như gặp kẻ phản bội, cõng rắn cắn gà nhà hay cuộc hội ngộ bất ngờ với chồng, con sau bao năm xa cách. Vậy, nàng đã có cách ứng xử như thế nào để vừa vạch mặt được kẻ gian vừa tự minh oan cho mình?
Cùng nhóm bạn đến xem “Thiếu phụ Nam Xương”, Mỹ Vân (Đống Đa) dành nhiều lời khen ngợi cho vở tuồng. Dù là lần đầu đến với sân khấu tuồng nhưng cô không cảm thấy khó khăn trong việc tiếp cận với những phương thức trình diễn độc đáo của loại hình nghệ thuật dân tộc này được đạo diễn “khoe” rất nhiều ở vũ điệu, lời hát… Nhất là, cô còn thấy mình nhanh chóng cuốn vào câu chuyện đầy quyến rũ, cảm xúc.
Theo Mỹ Vân, phiên bản này khác xa so với những gì cô được đọc, học trong sách giáo khoa vì có góc nhìn khá mới mẻ và được các nghệ sĩ truyền tải đầy nhiệt huyết, đam mê rất chân thực, xúc động.
Khi đó, Vũ Nương không chỉ được minh oan mà nàng còn tự minh oan cho chính mình. Điều này được vở diễn thể hiện rất tinh tế bằng việc thêm thắt yếu tố nữ quyền: Ngoại trừ việc tròn bổn phận chỉ chăm lo cho chồng con thì Vũ Nương rất mạnh mẽ, bản lĩnh. Nàng giả trai ra trận thậm chí còn làm tướng quân.
Từ sự hào hứng và yêu thích đó, cô mong muốn được góp phần lan tỏa vở diễn đến bạn bè quốc tế, nhất là những người bạn ở Đại học RMIT Việt Nam, nơi cô vừa hoàn thành chương trình học tập và vẫn tham gia Câu lạc bộ gắn kết với bạn bè quốc tế.
Để ý quan sát từ buổi công diễn, Mỹ Vân mừng vui khi thấy một số người ngoại quốc đang tham gia các lớp học tiếng Việt cũng tìm đến và thưởng thức vở tuồng. Cũng dễ dàng lý giải về điều này vì họ vốn tò mò về văn hóa Việt Nam, trong đó có tuồng – một loại hình nghệ thuật truyền thống rất độc đáo, hấp dẫn, cuốn hút từ kịch bản đến dàn dựng, diễn xuất... Tuy nhiên, điều Mỹ Vân cảm thấy chạnh lòng khi thấy giới trẻ Việt Nam dường như ít quan tâm hoặc có khi còn ít biết đến để dần khám phá và yêu thích tuồng.
“Nếu có cơ hội, tôi sẽ quay trở lại mua vé thưởng thức các vở diễn của nhà hát để từ đó lan tỏa không chỉ đến bạn bè quốc tế mà cả bạn bè trong nước. Xem nghệ sĩ biểu diễn mướt mồ hôi trên sân khấu tôi thầm tiếc công sức lao động nghệ thuật của họ chưa được trân trọng và ghi nhận xứng đáng.
Tất nhiên, trong câu chuyện này còn cần cả sự chủ động tiếp cận với khán giả và tiếp tục dàn dựng những vở diễn có sức cuốn hút của nhà hát thì chắc chắn rằng nghệ thuật tuồng sẽ phát triển, rạp hát không vắng khách”, Mỹ Vân bày tỏ.
Sức sống bền lâu
Cố đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang từng nức tiếng là “phù thủy” của sân khấu nước nhà vì những “phép màu” ông đưa vào hàng trăm vở diễn và được nhiều thế hệ khán giả yêu thích suốt mấy thập kỷ qua.
Vậy mà dịp này, những người yêu sân khấu nước nhà còn được “gặp lại” ông không phải ở vai trò đạo diễn mà là tác giả kịch bản văn học “Chiếc bóng oan khiên” hay “Thiếu phụ Nam Xương”. Ông viết kịch bản này cách đây khoảng 30 năm, từng được nhiều đơn vị nghệ thuật trong cả nước như tuồng, chèo, cải lương, kịch nói dàn dựng và rất ăn khách.
Theo ông Tạ Văn Sốp, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, hồi đó, NSND Lê Tiến Thọ đã đứng ra dàn dựng kịch bản này với bản chuyển thể của Nguyễn Khắc Duyên cho đoàn thanh niên nhà hát trình diễn. Dù chỉ trong quy mô của chi đoàn nhưng bản dựng cũng dành được sự yêu mến của khán giả nên sáng đèn thường xuyên.
Sau gần 3 thập kỷ, dịp này, nhà hát phục dựng vở diễn và lực lượng thực hiện không chỉ có nghệ sĩ đã thành danh như: NSƯT Kiều Oanh, NSƯT Lộc Huyền, Mạnh Linh… mà phần lớn là nghệ sĩ trẻ được nhà hát liên kết đào tạo với Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội như: Ngọc Quân, Đình Tiến, Hán Phương, Đình Thuận, Việt Nam, Lan Hương…
Dẫu vẫn còn đó đôi chỗ chưa thực sự chuẩn chỉnh song bản phục dựng có chỉnh lý một số màn giao đãi cũng như biên tập lời thoại cho gọn ghẽ, thời sự, hấp dẫn của đạo diễn, NSND Lê Tiến Thọ và sự cháy hết mình trên sân khấu của các nghệ sĩ trẻ, “Thiếu phụ Nam Xương” tiếp tục nhận được sự yêu mến.
Nhưng cần phải nhấn mạnh rằng, “có bột mới gột nên hồ”, nếu không có kịch bản văn học xuất sắc thì vở diễn cũng khó lòng chinh phục được khán giả không chỉ của mấy mươi năm trước mà cả hôm nay. Điều đó cho thấy tài năng của đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang không chỉ rực rỡ trên sàn diễn, mà còn tỏa sáng ở những trang viết mà điển hình là kịch bản “Chiếc bóng oan khiên”.
Dù khởi bút từ “Chuyện người con gái Nam Xương” – tác phẩm văn học nổi tiếng và quen thuộc với bao thế hệ học trò nhưng tác giả không minh họa theo mà chỉ là lấy cảm hứng để có những hư cấu táo bạo theo góc nhìn của mình.
Vì thế, sau gần 30 năm phục dựng, câu chuyện không hề bị cũ kĩ, lạc lõng nhờ việc tình huống kịch được “bẻ lái” rất mạnh dạn, tăng thêm kịch tính, sự hấp dẫn bằng việc cho nàng Mai Hương vẫn sống và giả trai ra trận. Nó khiến khán giả phải chuyển đổi góc nhìn, cách đón nhận không phải để “ôn bài” mà là tò mò dõi theo đến cùng về chặng đường mới của thiếu phụ Nam Xương.
Thêm nữa, những hấp dẫn ấy không dừng lại ở yếu tố giải trí đơn thuần theo kiểu cười bỏ đó mà luôn đủ cả sắc màu hỉ - nộ - ái - ố để khán giả cùng đắm mình thấu cảm và thu nhận được những thông điệp thời sự nóng hổi về đời sống mà sâu sắc, nhân văn về tình người, nhất là tình thân gia đình.
Có thể kể đến những lớp diễn xuất hiện các nhân vật như lý trưởng, Tể tướng và tên tướng Trần Mỹ không đơn thuần qua đó làm nổi bật và ngợi ca bản lĩnh, tài đức, lòng thủy chung và trung trinh ái quốc của Mai Hương, mà còn phản ánh đám quan tham, mưu cầu danh lợi nên chúng sẵn sàng bán rẻ nhân phẩm, thậm chí có kẻ còn phản bội bán nước cầu vinh.
Nhưng, dưới sự trị vị của minh quân biết lắng nghe lời can gián đúng từ các bậc trung thần dốc lòng bảo vệ non sông thì những kẻ ấy sớm muộn cũng bị lộ tẩy và trừng phạt vì “quân pháp bất vi thân”.
Hay có thể kể đến lớp diễn về tình mẫu tử - khi Mai Hương gặp lại con trong hoàn cảnh trớ trêu: Nàng là quan Tổng trấn đứng ra xử vụ án ăn cắp mà “tội phạm” bị tố giác oan chính là đứa con thơ sau bao năm đằng đẵng xa cách, nhớ thương.
Nghe mỗi lời kể của con trẻ mà người mẹ ấy quặn thắt ruột gan. Lớp diễn này xoáy sâu vào tâm cảm người xem với bao xúc động trong mừng vui khi mẹ con nàng được sum vầy.
Nhưng rồi đến phân cảnh vợ gặp chồng - người chồng hồ đồ, ghen tuông mù quáng năm xưa dập đầu tạ lỗi lại là những hả hê, hãnh diện cho nàng Mai Hương.
Người thiếu phụ Nam Xương ấy thật mạnh mẽ, bản lĩnh vượt qua định kiến trọng nam khinh nữ thời phong kiến để vừa khẳng định tuy là nữ giới nhưng nào có thua kém gì một trang nam tử. Nàng cũng tinh thông võ nghệ, mưu trí quả cảm, dám giả trai xông ra trận tiền lập công giúp nước.
Khi bị vu oan chốn quan trường, nàng chẳng hề run sợ trái lại còn thẳng tay vạch mặt kẻ mưu gian bán nước hại dân như Trần Mỹ. Và, trước người chồng năm xưa - không chỉ là hắn ta phải nhận sai trong những giày vò tủi hổ bao tháng năm mà chính nàng được kiêu hãnh tự minh oan cho mình để rồi nghe tiếng gọi tha thiết của con thơ rồi rộng lượng thứ tha.
Thế đó, với mỗi phụ nữ Việt Nam luôn thừa bản lĩnh “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” nhưng sau cùng vẫn là tấm lòng vị tha, nhân hậu bao la…
“Ngoài các vở tuồng về đề tài quân quốc, không thể không nhắc tới đề tài dân gian, nó luôn có sức mạnh hấp dẫn và là mảnh đất màu mỡ để các nghệ sĩ tuồng thể hiện tài năng cũng như sự sáng tạo, làm nên những tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn, trong đó có vở “Thiếu phụ Nam Xương”.
Dịp phục dựng này do các nghệ sĩ trẻ của Đoàn Thể nghiệm thực hiện - đây là việc hiện thực hóa chủ trương chuyển giao thế hệ trẻ của nhà hát. Chúng tôi đang tổ chức suất diễn bán vé tại rạp Hồng Hà, đi lưu diễn và đến năm học mới 2024 - 2025 sẽ đưa vở diễn tới trường học” - Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-nang-thieu-phu-nam-xuong-ra-tran-post687311.html