Có nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online?
Trong khi có ý kiến cho rằng nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online thì có ý kiến lại cho rằng cần có chính sách hỗ trợ phát triển ngành này thay vì áp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bộ Tài chính mới đây đã đề nghị xây dựng dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trong đó đề xuất bổ sung loại hình “kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất hợp lý”. Theo đó, Bộ Tài chính xếp game online nằm chung danh mục với đồ uống có đường, thức uống đại mạch, nước giải khát không cồn, thuốc lá điện tử.
Theo Bộ Tài chính, game online là loại hình giải trí có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia. Do vậy, cần thiết phải nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để định hướng tiêu dùng.
Trước đề xuất này của Bộ Tài chính, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông) cho rằng ngành game là ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển tốt của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang thúc đẩy chuyển đổi số và xây dựng cách mạng công nghiệp 4.0.
"Ngành game ở đây không phải là ngành chơi game. Rất nhiều người đã có lầm tưởng, định kiến như vậy về ngành này. Ngành game là hệ sinh thái sản xuất game, phát hành game và các hoạt động liên quan đến game. Ở nhiều nước, game là ngành công nghiệp không khói chủ lực trong thời đại 4.0", ông Lê Quang Tự Do nói.
Tại Việt Nam, ngành game còn rất non trẻ, giá trị doanh thu vẫn còn rất nhỏ, chỉ khoảng 600 triệu USD. Do vậy, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ phát triển ngành này thay vì thu nhiều hơn. Theo ông Do, sẽ rất khó thu thuế nhiều hơn với game online tại Việt Nam vì các công ty hoạt động trong mảng này rất dễ chuyển sang nước ngoài.
Sau đó, các doanh nghiệp này vẫn tiếp tục cung cấp sản phẩm xuyên biên giới vào Việt Nam. Trong khi, việc ngăn chặn game lậu, xuyên biên giới còn rất khó khăn do tính "phẳng" không biên giới của Internet.
Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã làm việc với Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), phối hợp với các doanh nghiệp và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị về vấn đề này, trong đó nêu quan điểm rất rõ ràng. Quan điểm này tiếp tục được nhắc lại một lần nữa trong ngày hội game Game Việt Nam 2023 vừa được tổ chức mới đây.
Theo số liệu của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử , doanh thu game năm 2022 của thị trường trong nước ước tính hơn 500 triệu USD. Trong đó, 78% doanh thu game tại Việt Nam thuộc về các nhà cung cấp ngoài lãnh thổ Việt Nam và không quản lý được; chỉ có 22% doanh thu game là của doanh nghiệp trong nước, cung cấp các game được cấp phép và đóng thuế.
Để chặn game không phép, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối kết hợp nhiều biện pháp đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới gỡ bỏ game vi phạm. Nhưng game lậu sống được do có các kênh thanh toán hỗ trợ, tạo ra sự bất bình đẳng với doanh nghiệp trong nước.
Liên quan đến chính sách, đại diện một đơn vị phát hành game phân tích, khi phát hành game qua kho ứng dụng, doanh nghiệp nước ngoài chỉ mất 15% tiền hoa hồng, lại không phải đóng thuế. Trong khi đó, nếu bán bản quyền cho 1 doanh nghiệp Việt Nam phát hành, họ sẽ mất 24-28% thuế các loại, lại mất thời gian xin phép (45-60 ngày) do vậy, doanh nghiệp nước ngoài chọn cách phát hành trực tiếp qua kho ứng dụng.
Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin cho rằng chịu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm yếu sức cạnh tranh của game Việt trên sân nhà. Ngoài ra, nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, thì chính sách này mâu thuẫn với chính sách của Đảng và Nhà nước về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chưa thấy quốc gia nào thu thuế tiêu thụ đặc biệt với game online, đề xuất của Bộ Tài chính là không phù hợp với xu hướng quốc tế.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/co-nen-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-game-online-195297.html