Có nên 'bơm' tiền ngân sách để hạ nhiệt lãi suất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng?
Thay vì mức lãi suất ưu đãi dành cho gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chỉ thấp hơn lãi suất trên thị trường từ 1,5-2%, các chuyên gia kiến nghị Nhà nước đứng ra cấp bù lãi suất để giảm mức lãi suất cho vay thấp hơn 5% so với lãi suất thị trường mới hấp dẫn được người vay vốn.
Hiện nay 4 ngân hàng thương mại quốc doanh (Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank) đã sẵn sàng nguồn vốn để giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến nay chưa phát sinh dư nợ, nguyên nhân do thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, mặt khác lãi suất 8,2%/năm và thời gian ưu đãi chỉ kéo dài 5 năm là mức lãi quá cao so không phù hợp với khả năng chi trả của người có thu nhập thấp.
Lãi suất vay mua nhà ở Việt Nam có cao so với thế giới?
Trong các diễn đàn về nhà ở xã hội gần đây, vấn đề được các chuyên gia quan tâm nhất đó là lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã phù chưa? Hầu hết các ý kiến cho rằng mức lãi vay ưu đãi 8,2% dành cho người mua nhà ở xã hội chưa thực sự hấp dẫn.
Dẫn số liệu từ gói tín dụng mua nhà ở xã hội ở các nước, ông Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện phát triển công nghệ tài chính cho biết, lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội tại Mỹ chỉ vào khoảng 5 – 6%/năm, thời hạn ưu đãi lãi suất lên tới 30 năm. Hàn Quốc cũng có mức lãi suất tương tự. Trong khi đó, tại Trung Quốc lãi suất cho vay mua nhà dưới 5%.
“Điều này cũng phần nào cho thấy, mức lãi suất của Việt Nam là 8,2% đối với người mua nhà cao so với thế giới. Điều này cũng gây khó khăn đối với việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho nhân công”, ông Cường nhận định.
Tuy nhiên, để áp dụng được mức lãi suất cho vay hấp dẫn như vậy, các quốc gia này đều có những "cơ chế đặc biệt" từ thuế, từ chính sách đất đai, cơ chế ưu đãi với chủ đầu tư xây nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hoàn toàn là sử dụng vốn huy động của người dân, không phải sử dụng vốn ngân sách. Do đó, việc cho vay theo quy định của ngân hàng. "Lãi suất theo quy định thấp hơn mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường từ 1,5% - 2% là một sự cố gắng của các ngân hàng, dù mức lãi suất này chưa thể hoàn toàn đáp ứng được mong muốn của khách hàng vay vốn", ông Bắc nêu rõ.
Lãi suất xuống mức 5-6% sẽ phù hợp hơn
Dù vậy, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, việc cho phép điều chỉnh lãi suất 6 tháng một lần, khi mặt bằng lãi suất giảm, lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội từ gói tín dụng này cũng sẽ giảm.
Thực tế, so với thời điểm đầu năm, hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh. Số liệu thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất cho vay phát sinh mới bình quân đã tiếp tục giảm về 8,6%/năm, tức là giảm 1,3%/năm so với cuối năm ngoái.
Thậm chí, nhiều ngân hàng cũng chào mời các gói vay với lãi suất hấp dẫn dành cho bất động sản như: MSB chào mời vay mua nhà thổ cư với mức lãi suất từ 4,99%/năm, Shinhan Bank cho vay mua nhà với lãi suất 7,99%/năm, TPBank cho vay với lãi suất 8%/năm…
Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), ngoài gói tín dụng 120.000 tỷ này, Ngân hàng Chính sách Xã hội có chương trình lãi suất thấp hơn 4,8%/năm, tuy nhiên đòi hỏi khách hàng gửi tiết kiệm tối thiểu 12 tháng.
Trên thực tế, tại Việt Nam đã từng triển khai thành công gói 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội với lãi suất từ 4,8 - 5%/năm, cố định trong 15 năm, và hàng năm chương trình ưu đãi này vẫn đang tiếp tục được triển khai.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, với gói 120.000 tỷ đồng cũng cần có cơ chế thiết thực hơn theo hướng ngân hàng thương mại vẫn cho vay theo lãi suất thương mại nhưng Nhà nước đứng ra cấp bù lãi suất để làm sao lãi suất cho vay đối với gói này chỉ bằng một nửa thị trường.
Bày tỏ quan điểm ủng hộ việc dùng một gói hỗ trợ tương tự như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội cách đây 10 năm, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay, nếu như gói trước đây, Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại 3%, các ngân hàng thương mại cho vay ra với lãi suất 5%, thì hiện tại Ngân hàng Nhà nước có thể tái cấp vốn với lãi suất 4% và các ngân hàng cho vay ra với mức 7%, nằm trong khả năng trả nợ của người dân.
Các chuyên gia kỳ vọng, với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, nếu lãi suất được đưa xuống mức 5-6% sẽ phù hợp hơn. Đặc biệt là vốn này phải được cho vay trong thời gian dài đối với cả nhà đầu tư và người mua để họ có thể trả lãi. Bởi thời gian 5 năm, giá vốn cao là một thách thức đối với người mua nhà ở xã hội.
Ông Phạm Viết Thắng, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh (BID) đề xuất, lãi suất cho vay đối với các chủ đầu tư nên áp dụng theo phương thức lãi suất thị trường trừ đi 2%, còn đối với người mua nhà thì bằng lãi suất thị trường trừ 5%; trong đó, phần 5% giảm trừ này do ngân sách tài trợ trực tiếp cho các ngân hàng thương mại.