Có nên buộc doanh nghiệp kiểm toán sâu?
Để chặn tình trạng doanh nghiệp nói quá về mình khi cần gọi vốn hay cần 'đánh bóng', VACPA vừa kiến nghị mở rộng không gian kiểm toán sang bản cáo bạch niêm yết, cáo bạch phát hành.
Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp niêm yết và đại chúng quy mô lớn phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm và báo cáo tài chính bán niên.
Với các báo cáo hiệu quả kinh doanh hàng tháng, nhiều doanh nghiệp như CTCP Cao su Đồng Phú (DPR), CTCP Cao su Tây Ninh (TRC), CTCP Đầu tư và thương mại TNG (TNG), CTCP Cao su Hòa Bình (HRC)… đã công bố ra thị trường từ lâu, nhưng không được xác thực bởi một bên thứ ba (kiểm toán).
Cùng với đó, thông tin từ doanh nghiệp về việc niêm yết mới, phát hành thêm cổ phiếu/trái phiếu cũng mới chỉ mang tính chủ quan của doanh nghiệp, không có sự đánh giá, kiểm chứng của kiểm toán.
Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) vừa đề xuất Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) bổ sung vào dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán một số nội dung mới, mở đường cho doanh nghiệp kiểm toán “soi” doanh nghiệp niêm yết, đại chúng sâu hơn.
Theo VACPA, bản cáo bạch mà doanh nghiệp công bố ra công chúng cần được kiểm toán soát xét, để tăng tính tin cậy của thông tin tài chính quá khứ và đảm bảo nhất quán với thông tin trên các báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Quy định pháp lý cần mở đường cho kiểm toán làm việc này để góp phần cải thiện tính tin cậy của các thông tin mà doanh nghiệp công bố khi lên sàn, khi phát hành…, bởi đây là những thời điểm nhạy cảm với tâm lý đầu tư.
Có thêm bước kiểm toán này, nhà đầu tư có thể yên tâm hơn khi đặt niềm tin vào doanh nghiệp. Tuy nhiên, quan sát từ thị trường cho thấy, việc buộc thêm trách nhiệm kiểm toán cho doanh nghiệp chưa nhận được sự đồng tình.
Thứ nhất, trách nhiệm của kiểm toán đến đâu khi các báo cáo được soát xét nhưng vẫn xảy ra sai sót, gian dối, gây thiệt hại cho nhà đầu tư?
Trong quá khứ, nhiều nhà đầu tư từng chịu mất mát lớn với sự vụ vỡ lở tại CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF), CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD)…, nhưng kiểm toán lại gần như vô can, không chịu trách nhiệm gì cụ thể.
Đây là điểm cần phải được làm rõ khi xem xét mở rộng không gian tác nghiệp cho công ty kiểm toán, nhưng lại tiếp tục không gắn với trách nhiệm gì.
Thứ hai, công ty kiểm toán liệu có đủ khả năng đánh giá triển vọng, hiệu quả tương lai của các doanh nghiệp được nêu ra trong bản cáo bạch hay các dự báo hàng tháng, hàng quý?
Có thêm đánh giá của kiểm toán có thể làm giảm bớt sai lệch thông tin từ doanh nghiệp ra công chúng, nhưng tính hữu ích cụ thể hiện tại chưa rõ ràng.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Phạm Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (APS) cho rằng, việc mở ra quy định pháp lý cho công ty kiểm toán soát xét các thông tin về dự báo lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết chỉ thêm rối, không cần thiết.
Lý do là trong môi trường kinh doanh có quá nhiều biến động như hiện nay, ngay cả những doanh nghiệp kinh doanh nghiêm túc, bài bản cũng còn đưa ra dự báo sai về hiệu quả (lợi nhuận) so với kết quả trên thực tế.
Công ty kiểm toán khó có thể nêu ra ý kiến đánh giá dự báo lợi nhuận doanh nghiệp đưa ra là chuẩn mực hay không chuẩn mực, khi sự chuẩn mực chưa có tiêu chuẩn đo lường.
Ông Hưng cho rằng, không nên trao thêm quyền cho công ty kiểm toán cũng như trách nhiệm cho doanh nghiệp niêm yết.
Ở góc nhìn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc đưa ra bất kỳ quy định mới nào mà dẫn đến làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tính cân bằng giữa cải thiện minh bạch thông tin với gánh nặng chi phí của doanh nghiệp.
Có thêm đánh giá của kiểm toán có thể làm giảm bớt sai lệch thông tin từ doanh nghiệp ra công chúng, nhưng tính hữu ích cụ thể hiện tại chưa rõ ràng.
Quan trọng hơn, thêm áp lực kiểm toán sâu khiến cho doanh nghiệp phải thêm gánh nặng chi phí. Đây là lúc chưa phù hợp cho giải pháp VACPA nêu ra.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải gồng mình vượt qua thách thức đại dịch, sẽ là phù hợp hơn nếu công ty kiểm toán cung cấp dịch vụ với chi phí hợp lý, đồng thời mang lại nhiều hơn giá trị tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp.
Việc kiểm toán sâu chỉ nên ở mức khuyến khích doanh nghiệp thực hiện khi muốn tăng uy tín, hình ảnh của mình trong các thông tin ra công chúng.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-nen-buoc-doanh-nghiep-kiem-toan-sau-post249651.html