Có nên cấm nhà giáo giữ chức vụ quản lý khi kéo dài tuổi nghỉ hưu?

Đại biểu Quốc hội băn khoăn về việc cấm giữ chức vụ quản lý khi kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với nhà giáo, được quy định tại Luật Nhà giáo.

Quy định cụ thể việc xếp lương với các bậc học

Dự án Luật Nhà giáo dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Một trong các chính sách đang được quan tâm nhất tại dự án Luật đó là tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo; chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.

Đại biểu Thạch Phước Bình - đoàn Trà Vinh

Đại biểu Thạch Phước Bình - đoàn Trà Vinh

Góp ý về vấn đề này, đại biểu Thạch Phước Bình - đoàn Trà Vinh cho biết, tại Điều 25 về tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo, về việc xếp lương cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp.

Theo vị đại biểu Quốc hội, việc xếp lương nhà giáo là cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp, là một chính sách quan trọng thể hiện sự coi trọng nhà giáo. Tuy nhiên, cần có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với sự phát triển của hệ thống giáo dục. Đồng thời, cần quy định cụ thể hơn về việc xếp lương đối với các bậc học, cấp học khác nhau, đặc biệt là giáo viên các môn học đặc thù và có vai trò quan trọng trong xã hội.

Về phụ cấp ưu đãi nghề, các phụ cấp khác, đại biểu đề xuất cần làm rõ hơn các tiêu chí, điều kiện áp dụng các phụ cấp nhằm đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong việc chi trả phụ cấp cho các nhà giáo ở các vùng khác nhau, ví dụ vùng có điều kiện khó khăn hoặc vùng dân tộc thiểu số có thể có mức độ ưu đãi cao hơn nhưng cần phải có chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá cụ thể.

Về nhà giáo làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn, trường chuyên biệt, dạy hòa nhập, đại biểu đoàn Trà Vinh cho rằng, đây là một chính sách cần thiết nhằm khuyến khích giáo viên làm việc ở những khu vực khó khăn.

Tuy nhiên, cần bổ sung các biện pháp hỗ trợ lâu dài như các khóa đào tạo kỹ năng chuyên môn cho nhà giáo làm việc tại các trường chuyên biệt, trường hòa nhập, giúp họ phát triển nghề nghiệp và đáp ứng yêu cầu công việc.

Đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề tiền lương trong cơ sở giáo dục ngoài công lập. Quy định này cần có sự chi tiết hơn về cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định lương tại các cơ sở ngoài công lập nhằm đảm bảo quyền lợi nhà giáo tại các cơ sở này được bảo vệ một cách hợp lý và công bằng.

Một vấn đề khác đại biểu cũng quan tâm đó là chính sách thu hút trọng dụng đối với nhà giáo. Điều 27 chưa đưa ra tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là người có tài năng hoặc người có năng khiếu đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Vì vậy, nên bổ sung quy định giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng tiêu chí đánh giá cụ thể.

Hiện tại, dự thảo đã tập trung vào việc thu hút nhà giáo đến làm việc tại vùng khó khăn, các vùng trọng yếu. Song, cần mở rộng chính sách thu hút và trọng dụng này, khuyến khích sự phát triển chuyên môn và giữ chân nhà giáo giỏi trong hệ thống giáo dục nói chung.

Theo đó, ông Bình đề xuất bổ sung các chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học, tham gia hội thảo quốc tế, trao đổi học thuật hoặc chính sách bảo đảm quyền lợi lâu dài, chẳng hạn như chế độ hưu trí đặc biệt, ưu đãi thuế...

Ngoài ra, cụ thể hóa chính sách ưu đãi về tài chính. Mặc dù, trong dự thảo luật có đề cập đến tiền lương, phụ cấp lương nhưng chưa có quy định cụ thể về mức ưu đãi hoặc nguyên tắc xác định mức ưu đãi, nếu không có quy định rõ thì việc triển khai có thể gặp khó khăn.

Ngoài ra, cần quy định về thời gian cam kết công tác khi hưởng chính sách thu hút, một số chính sách thu hút như tuyển dụng đặc cách, hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ đi kèm với cam kết trong việc thực hiện một thời gian nhất định để tránh tình trạng nhà giáo chỉ hưởng lợi từ chính sách mà không gắn bó lâu dài với ngành giáo dục.

Đề xuất mở rộng đối tượng nghỉ hưu ở tuổi cao hơn

Về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo, khoản 1, Điều 28 quy định tuổi nghỉ hưu của nhà giáo thực hiện theo Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần xác định rõ áp dụng lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành hay không.

Đáng chú ý, tại dự thảo Luật cho phép nhà giáo mầm non nghỉ hưu sớm hơn nhưng không quá 5 tuổi mà không bị giảm tỷ lệ hưởng lương hưu. Quy định này theo đại biểu cần làm rõ một số điểm như sau: Một là, có áp dụng cho tất cả giáo viên mầm non hay không hay chỉ những người làm việc trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, độc hại. Hai là, cách thức xác định nhu cầu và nguyện vọng của nhà giáo như thế nào.

Về chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với nhà giáo, điều 29 của dự thảo Luật mới chỉ áp dụng cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo trong các ngành chuyên sâu. Tuy nhiên, có nhiều nhà giáo dù không có học hàm, học vị nhưng có chuyên môn rất cao, kinh nghiệm quý báu vẫn có thể đóng góp lâu dài cho giáo dục.

Từ đó, ông Bình đề xuất có thể mở rộng đối tượng nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, như nhà giáo có danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo có thành tích xuất sắc được Hội đồng khoa học của cơ sở giáo dục đánh giá cao.

Bên cạnh đó, điều 29 sử dụng thuật ngữ "ngành, lĩnh vực chuyên sâu, đặc thù" nhưng không nêu rõ tiêu chí xác định, điều này có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau giữa các cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, dự thảo Luật mặc dù quy định chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn thực hiện khi cơ sở giáo dục có nhu cầu và nhà giáo có đủ sức khỏe tự nguyện, nhưng cần làm rõ cơ sở giáo dục đánh giá nhu cầu như thế nào, tiêu chí nào để xác định nhà giáo có đủ sức khỏe tiếp tục giảng dạy. Do đó, cần bổ sung quy định về quy trình xét kéo dài tuổi nghỉ hưu có thể thông qua Hội đồng khoa học hoặc Hội đồng xét duyệt nhân sự ở cơ sở giáo dục.

Mặt khác, hiện nay, thời gian kéo dài tuổi nghỉ hưu là 5 năm đối với tiến sĩ, 7 năm đối với phó giáo sư và 10 năm đối với giáo sư. Song thực tế cho thấy không phải giáo sư, phó giáo sư nào cũng có đủ sức khỏe để làm việc thêm tối đa số năm trên. Vì vậy, chính sách cần linh hoạt hơn, cho phép từng cá nhân được xem xét kéo dài từng giai đoạn 2 đến 3 năm trên một lần thay vì ấn định chung một lần.

Đại biểu cũng băn khoăn về việc cấm giữ chức vụ quản lý khi kéo dài tuổi nghỉ hưu. Khoản 4 quy định "Nhà giáo kéo dài tuổi nghỉ hưu không được giữ chức vụ quản lý". Mặc dù điều này nhằm tạo cơ hội cho lớp trẻ nhưng trong một số trường hợp đặc biệt thì việc giữ lại người có kinh nghiệm làm quản lý vẫn có lợi hơn cho đơn vị.

Vì vậy, nên xem xét quy định mềm dẻo hơn. Nếu thực sự cần thiết có thể gia hạn chức vụ quản lý tối đa 1 đến 2 năm theo đề xuất của cơ sở giáo dục và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo đại biểu Thạch Phước Bình - đoàn Trà Vinh, trong dự thảo Luật Nhà giáo có đề cập đến tiền lương, phụ cấp lương nhưng chưa có quy định cụ thể về mức ưu đãi hoặc nguyên tắc xác định mức ưu đãi. Nếu không có quy định rõ, việc triển khai có thể gặp khó khăn.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/co-nen-cam-nha-giao-giu-chuc-vu-quan-ly-khi-keo-dai-tuoi-nghi-huu-380713.html