Có nên cho phép bán thuốc kê đơn qua phương thức thương mại điện tử?

Chiều 29/8, cho ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề có nên cho phép hay không cho phép việc bán thuốc kê đơn đối với việc kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử; việc quản lý giá thuốc làm sao để tránh tình trạng độc quyền, lợi ích nhóm…

 Quang cảnh Hội nghị chiều 29/8.

Quang cảnh Hội nghị chiều 29/8.

Nên cho bán thuốc kê đơn qua mạng nhưng phải kiểm soát chặt

Phát biểu góp ý tại Hội nghị, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội bày tỏ sự đánh giá cao đối với cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Y tế), cơ quan chủ trì thẩm tra (Ủy ban Xã hội của Quốc hội) dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Góp ý cụ thể, về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, việc khám chữa bệnh từ xa đang dần phát triển, kéo theo sẽ phải có kê đơn điện tử, bệnh án điện tử… đưa thuốc đến tận nhà người bệnh, chính đó là thương mại điện tử, hầu hết là các loại thuốc được kê đơn.

 Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội phát biểu góp ý.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội phát biểu góp ý.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc có thêm quy định cho phép bán thuốc qua mạng cho những trường hợp thực hiện khám, chữa bệnh từ xa với điều kiện: Một là, thuốc phải do một nhà thuốc có uy tín, được cho phép mới cung cấp thuốc. Hai là, người giao hàng là người có đăng ký và do nhà thuốc đó có danh sách quản lý.

“2 ý đó rất quan trọng, nếu có quy định như vậy thì thực hiện được việc này. Việc khám, chữa bệnh từ xa, kê đơn từ xa để đưa thuốc đến là việc không ngăn chặn được, sớm, muộn cũng xảy ra và xảy ra rất mạnh mẽ” - đại biểu Nguyễn Anh Trí kiến nghị.

Về vấn đề oxy y tế, đại biểu Nguyễn Anh Trí khẳng định, các loại khí khác sử dụng trong y tế cũng rất quan trọng, nhưng oxy là loại khí quan trọng nhất, không thể thiếu trong điều trị, đặc biệt là trong cấp cứu vì “thiếu 5 phút là không sống được”.

 Các đại biểu tham dự phiên họp.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, theo Báo cáo số 2803 của Ủy ban Xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất việc cần có quy định pháp luật về oxy y tế và các khí khác trong khám, chữa bệnh tại một văn bản quy phạm pháp luật phù hợp. “Tôi thấy như vậy là đúng, nhưng rất quan ngại về sự chậm trễ do phải chờ đợi văn bản quy phạm pháp luật phù hợp đó” – đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Anh Trí thể hiện sự thống nhất với ý kiến của Ủy ban Xã hội trong Báo cáo số 2803 là kiến nghị giao Chính phủ quy định chi tiết về khí y tế dùng trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại nghị quyết của kỳ họp tới. “Tôi mong việc này sẽ được giải quyết dứt điểm sớm nhất” - đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Tránh độc quyền trong kinh doanh thuốc

Phát biểu góp ý, đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho biết, Luật Dược là luật khó, chuyên ngành sâu, là Luật nhận được sự quan tâm của rất nhiều cử tri, các cơ sở khám chữa bệnh, doanh nghiệp, nhà thuốc…

Về vấn đề quản lý giá thuốc, theo đại biểu, đây là vấn đề rất quan trọng và kê khai giá thuốc là một cơ sở pháp lý để tổ chức đấu thầu thuốc, cho nên vấn đề về quản lý giá thuốc luôn luôn là một vấn đề nóng, nhận được rất nhiều sự quan tâm.

 Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội phát biểu góp ý.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội phát biểu góp ý.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho biết, dự thảo luật lần này tiếp tục đưa ra nội dung mới cho khái niệm “giá bán buôn thuốc dự kiến” (dự thảo lần trước là “giá bán buôn toàn chặng). Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, tên gọi có khác nhau nhưng về nội hàm thì không có sự khác biệt.

Cụ thể, dự thảo quy định, giá bán buôn thuốc dự kiến là giá bán buôn tối đa do cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc xác định trước khi bán lô thuốc đầu tiên ra thị trường, các cơ sở bán buôn thuốc không được bán cao hơn mức giá này. Như vậy, theo đại biểu, dự thảo luật vẫn quy định cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất thuốc xác định một giá bán buôn nhưng các cơ sở khác thì không được bán cao hơn giá này.

“Tôi cho rằng đây là một vấn đề thị trường rất quan tâm, xuyên suốt các khái niệm trong dự thảo là giá bán buôn thuốc dự kiến và công bố giá bán buôn thuốc dự kiến, Ban soạn thảo rất mong muốn đưa ra những nội dung này để có những biện pháp quản lý về giá thuốc, tuy nhiên nếu chúng ta quy định là các cơ sở bán buôn khác không được bán cao hơn giá bán buôn dự kiến này sẽ là một điều rất hạn chế thị trường” - đại biểu Trần Thị Nhị Hà nhận định.

 Các đại biểu tham dự phiên họp.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Theo đại biểu, cần đánh giá tác động của thị trường thuốc vô cùng phức tạp. “Tôi nêu một ví dụ là trong dự thảo Luật Dược lần này có đưa ra một nội dung rất mới, đó là chuỗi nhà thuốc và các cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc hoàn toàn có thể là cơ sở nhập khẩu thuốc. Nếu là cơ sở nhập khẩu thuốc thì sẽ xác định mức giá bán buôn nhưng lúc đó các cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc sẽ xác định một mức giá bán buôn tối đa rất thấp, có thể không có lợi nhuận dẫn đến các cơ sở bán buôn khác không được bán buôn cao hơn giá này, tổ chức chuỗi nhà thuốc lại mang vào bán lẻ tại chuỗi nhà thuốc của mình. Chúng ta chưa có quy định về giá bán lẻ, chúng ta thực hiện nghiêm kê khai giá bán lẻ mà không có quy định về giá thặng dư với giá bán lẻ. Như vậy, rõ ràng chúng ta sẽ gây ra việc thị trường thuốc có những tình trạng độc quyền hoặc rất khó khăn cho những nhà thuốc không phải là cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc”.

Đại biểu cho biết, việc quy định giá bán buôn thuốc dự kiến, công bố giá bán buôn thức dự kiến cũng dẫn đến việc kê khai giá của các cơ sở bán buôn thuốc không có nhiều ý nghĩa nữa bởi quy định kê khai giá không được cao hơn giá bán buôn đã công bố.

 Các đại biểu tham dự phiên họp.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Về vấn đề kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho biết, dự thảo luật cũng quy định là cơ sở bán lẻ thuốc phải tổ chức tư vấn, hướng dẫn trực tuyến về cách sử dụng thuốc cho người mua thuốc. Theo đại biểu, quy định này rất tốt, tuy nhiên trên trên thực tế đã là sàn thương mại điện tử thì giao dịch là 24/24 giờ, 7/7 ngày, như vậy chúng ta bố trí lực lượng nhân viên để tư vấn, hướng dẫn trực tuyến về cách thức sử dụng thuốc cho người mua thuốc như thế nào?

Theo đại biểu, mặc dù nội dung này giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tương tự như nội dung về giao thuốc đến người mua cũng giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế quy định. Quan điểm đại biểu là cần phải xây dựng nguyên tắc cụ thể tại luật, sau đó Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ quy định để tránh tình trạng mua bán thuốc tràn lan, không kiểm soát được và sử dụng thuốc quá liều, đặc biệt là những thuốc gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người dân trên môi trường thương mại điện tử.

“Quan điểm của tôi là đã thương mại điện tử thì chỉ bán thuốc không kê đơn và đây là một mô hình rất nhiều nước trên thế giới đã áp dụng việc thực hiện thương mại điện tử với thuốc không kê đơn” - đại biểu Hà bày tỏ.

Sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến của các vị ĐBQH

Phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cảm ơn, trân trọng những ý kiến hết sức xác đáng, trách nhiệm của các vị ĐBQH.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đây là một dự án Luật rất quan trọng, vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu toàn bộ các ý kiến của ĐBQH nêu trong Hội nghị, tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện dự án Luật một cách tốt nhất để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV vào tháng 10 tới đây.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận nội dung thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận nội dung thảo luận.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Luật Dược đã được các đại biểu Quốc hội tham gia rất sâu sắc, đến thời điểm này chỉ còn một số nội dung mang tính chất kỹ thuật, không liên quan đến nội dung lớn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Hội nghị chuyên trách lần này để hoàn chỉnh hồ sơ, lấy ý kiến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan có liên quan và gửi hồ sơ dự án luật lấy ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10 tới đây.

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thành công tốt đẹp

Được sự phân công của đồng chí Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, chiều 29/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tổng kết lại toàn bộ hoạt động của Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần này.

Theo đó, qua 3 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, Hội nghị đã thảo luận 12 dự án luật, gồm dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Luật Phòng không nhân dân, Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Địa chất và khoáng sản, Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật Điện lực (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

“Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho đến thời điểm này đã thành công rất tốt đẹp toàn bộ chương trình đề ra. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban, ngành, các đơn vị, các chuyên gia, các nhà khoa học trong các lĩnh vực liên quan đã đến dự khai mạc và dự một số phiên thảo luận của hội nghị…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã về dự hội nghị và có nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng và trách nhiệm rất cao. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau hội nghị này sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; tiếp tục lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan để hoàn chỉnh dự thảo luật, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội thảo luận, xem xét tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.

Vũ Cảnh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/co-nen-cho-phep-ban-thuoc-ke-don-qua-phuong-thuc-thuong-mai-dien-tu-163719.html