Có nên cho xe chở thép cuộn hàng chục tấn chạy ở đường trên cao?
Chuyên gia cho rằng nếu không kiểm soát chặt việc cố định hàng hóa trên xe tải, khi xảy ra sự cố ở đường trên cao có thể ảnh hướng đến tuổi thọ, thậm chí gây sập thanh dầm.
Thời gian gần đây, tại TP.HCM và Hà Nội liên tiếp xảy ra tình trạng ôtô đánh rơi hàng hóa ra đường. Gần đây nhất, chiếc xe chở 2 cuộn thép, mỗi cuộn nặng 21 tấn xuống đường vành đai 3 trên cao (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Sự cố không gây thương vong nhưng khiến mặt đường vành đai 3 bị cày lõm khoảng 20 cm.
Đội CSGT số 6 đã tạm giữ phương tiện để điều tra nguyên nhân. Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội đang xác định chính xác mức độ thiệt hại sau sự cố do đây là tuyến đường trên cao, kết cấu phức tạp.
Từ sự cố trên, nhiều người đặt câu hỏi: “Có nên để xe trọng tải lớn đi vào đường trên cao? Bởi nếu sự cố xảy ra, mức độ uy hiếp an toàn kết cấu công trình là rất lớn".
Phân tích hình ảnh hiện trường vụ xe đầu kéo đánh rơi 2 cuộn sắt, tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá dây xích để cố định các cuộn thép quá bé so với khối lượng hàng hóa. Trong trường hợp xe phanh gấp hoặc đi vào đoạn đường mấp mô rất dễ gây sự cố. Đây trước hết là lỗi của chủ xe và tài xế.
Trước băn khoăn có nên cho phép những xe này chạy ở đường trên cao, ông Tạo cho rằng đây là ý kiến có cơ sở. Đường bộ trên cao nếu không may xảy ra sự cố sẽ phải trả giá rất lớn so với đường nhựa trên mặt đất. Trên mặt đất có thể sửa chữa dễ dàng vì không ảnh hưởng kết cấu. Sự cố ở đường trên cao không chỉ có bề mặt, những sang chấn còn ảnh hưởng tới yếu tố kỹ thuật và tuổi thọ của các cấu kiện, thanh dầm… Đến một mức nhất định, lực quá lớn có thể gây nứt dầm, gãy dầm.
“Một cuộn sắt nặng hàng chục tấn, khi rơi xuống kết hợp với độ cao thùng xe sẽ tạo nên một trọng lượng rất lớn tác động lên mặt đường trên cao”, ông Tạo nói.
Nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khương Kim Tạo cũng nhận định việc cố định hàng hóa chuyên chở là một việc rất quan trọng nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Trong quá trình đăng kiểm, hiện chưa có đánh giá an toàn ở khía cạnh này. Ông Tạo cho rằng cơ quan chức năng cần tính toán với một khối lượng và kết cấu nhất định, chiếc xe cần có lực giữ bao nhiêu hoặc công cụ cố định như thế nào để đảm bảo không thể đánh rơi hàng hóa.
Tuy nhiên, việc xử lý các phương tiện vi phạm về cố định hàng hóa hiện còn khó khăn. Trước đó, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết pháp luật có quy định về xử lý hành vi vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc hoặc chằng buộc mà không chắc chắn. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định như thế nào là không chắc chắn, cho nên, quá trình xử lý không có đủ cơ sở để khẳng định hàng hóa được chằng buộc chắc hay không.
"Công an TP.HCM cho rằng đây là bất cập trong thực tiễn và đơn vị đã báo cáo, đề xuất Bộ Công an để có hướng dẫn, quy định cụ thể. Do đó, đơn vị đề xuất đối với dạng hàng hóa có hình tròn như cuộn thép khi vận chuyển phải có thêm kê chống lăn và dây xích cột chắc chắn”, thượng tá Hà nói.
Theo một chuyên gia từ Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt nam), việc cấp phép cho các xe tải trọng lớn đã được quy định rõ trong các thông tư của Bộ GTVT. Trước đó, cơ quan chức năng đã có nghiên cứu và tính toán mức độ chịu tải và kết cấu kỹ thuật của từng tuyến đường.
Về nguy cơ mất an toàn cho đường trên cao khi có sự cố từ xe trọng tải lớn, vị này cho rằng không nên quy định cứng nhắc việc cấm hay cho phép xe trọng tải lớn lưu thông ở đường trên cao. Ở khía cạnh an toàn giao thông, dù chằng buộc kỹ cũng có những tỷ lệ rủi ro nhất định. Khi xe đi ở đường trên cao gặp sự cố sẽ gây nguy hiểm hơn cho kết cấu hạ tầng. Trong khi đó, nếu sự cố ở đường dưới thấp, nguy cơ về sinh mạng con người sẽ bị đe dọa lớn hơn do tại đây có nhiều xe máy và lưu lượng người đông.
“Tôi chia sẻ với lo lắng của người dân cho kết cấu đường trên cao. Đây là quan điểm phù hợp, mặc dù sự cố xảy ra chỉ là xác suất nhỏ. Tuy nhiên, điều quan trọng là đánh giá kích thước và trọng lượng của xe từ đó có quy định cụ thể về cung đường, thời gian đi lại phù hợp”, vị này nói.
Trong khi đó, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình nhận định không thể vì xác suất xảy ra sự cố mà cấm xe trọng tải lớn đi vào đường trên cao. Ông cho rằng giải pháp là lực lượng chức năng phải xử lý khi có vi phạm về chằng buộc hoặc chở quá tải.
“Việc cấm xe tải trọng lớn đi lên đường trên cao không phù hợp. Các xe này có vai trò lớn trong việc duy trì các hợp đồng kinh tế, vận tải hàng hóa. Miễn là các xe trong phạm vi tải trọng được phép thì vẫn phải để cho họ lưu thông”, ông Bình nói.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Khương Kim Tạo đề xuất giải pháp cho xe trọng tải lớn đi ở đường trên cao trong khung giờ cao điểm để tránh gây ùn tắc và hạn chế nguy hiểm cho người tham gia giao thông khi có sự cố. Ngoài ra, vào ban đêm hoặc sáng sớm có thể cho phép xe tải trọng lớn đi đường dưới thấp bởi không gây ùn tắc và khi có sự cố sẽ giảm thiệt hại về thương vong, hạn chế nguy cơ hư hỏng kết cấu đường trên cao.
Bộ GTVT chỉ đạo xử lý nghiêm
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết thời gian gần đây xảy ra một số vụ việc ôtô chở thép cuộn khi tham gia giao thông để rơi cuộn thép xuống đường. Những sự cố này gây nguy hiểm cho người và phương tiện khác, làm hư hỏng kết cấu cầu đường, ùn tắc giao thông.
Để tránh lặp lại các sự cố tương tự, lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Hàng hải, Đường thủy, Đường sắt, sở GTVT các địa phương, Hiệp hội Vận tải ôtô tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải, xếp dỡ hàng, nhà ga, bến cảng, nhà máy sản xuất…. tuân thủ nghiêm các quy định về xếp hàng hóa trên ôtô. Trong đó đặc biệt chú trọng tới việc xếp, chằng buộc và vận chuyển hàng hóa là thép cuộn tròn trên xe.
Bộ GTVT yêu cầu các lực lượng chức năng xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về xếp dỡ hàng hóa, đặc biệt với hàng hóa nguy hiểm như thép cuộn.