Có nên 'đổi vai' cơ quan chủ trì chỉnh lý dự thảo luật?
Tiếp tục chương trình phiên họp, chiều 13-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đáng chú ý, theo Tờ trình của Chính phủ, Chính phủ đề nghị sửa Luật theo hướng việc chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được chuyển từ cơ quan chủ trì thẩm tra (trực tiếp giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội) thực hiện như hiện nay sang cho cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án thực hiện (gọi tắt là “đổi vai” so với hiện hành).
Nhiều ưu điểm
Cụ thể, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo và xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn là cơ quan trực tiếp chỉ đạo việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, việc "đổi vai" quy định trong dự thảo luật sẽ giúp khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong quá trình xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết thời gian qua.
Theo đó, việc này sẽ bảo đảm tính liên tục, thống nhất trong quá trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết từ khi nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất chính sách, soạn thảo, trình đến giai đoạn chỉnh lý dự thảo. Từ đó, sẽ tạo thuận lợi hơn cho việc tiếp thu hoặc giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội trong quá trình chỉnh lý dự thảo; bảo đảm sự phù hợp giữa nội dung của dự thảo với các chính sách đã được thông qua.
Đồng thời, việc này cũng được cho là sẽ tăng tính chủ động và trách nhiệm đến cùng của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trong quá trình chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Cùng với đó, sẽ đề cao sự phản biện nhằm góp phần bảo đảm tính khách quan, độc lập của hoạt động thẩm tra, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.
Thẩm tra dự án luật, hầu hết ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và ý kiến của nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội tán thành với quy định “đổi vai” trong dự thảo Luật với những lý do như được đề cập trong Tờ trình của Chính phủ.
Bên cạnh đó, cũng có một số ít ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và ý kiến ở một số Đoàn đại biểu Quốc hội không tán thành việc “đổi vai” này mà đề nghị tiếp tục thực hiện như quy định hiện nay để bảo đảm thuận lợi cho việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý dự án, đồng thời cũng tránh xáo trộn trong việc tổ chức thực hiện.
Chưa "chín" để đưa vào dự thảo luật
Thảo luận về nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đề nghị của Chính phủ lần này thực chất là "quay lại cái cũ". Theo đó, cách đây 17 năm trở về trước, "đường đi" của một dự án luật giống như quy định Chính phủ đang đề nghị.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, nếu "đổi vai", không cẩn thận thì lợi ích cục bộ của các bộ, ngành được giao chủ trì soạn thảo lại "đậm nét" trong các dự án luật. Vấn đề “đổi vai” chưa "chín", mà chưa "chín" thì chưa nên đưa vào dự thảo luật.
Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đây không phải lần đầu tiên Chính phủ đề nghị quy trình như vậy. “Cách đây mấy năm, khi sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ cũng đã nêu đề xuất này nhưng không nhận được sự đồng tình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại và nhấn mạnh, quy trình xây dựng luật phản ánh nguyên tắc tổ chức Nhà nước, trong đó có vai trò lập pháp của Quốc hội đã được Hiến pháp quy định. Chủ tịch Quốc hội không đồng ý với việc “đổi vai” này mà đề nghị tăng cường phối hợp giữa hai bên.