Có nên giải tán Ban đại diện cha mẹ học sinh?
Những người tham gia Ban đại diện cha mẹ học sinh trường, lớp thường rất nhiệt tình, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Đừng để họ làm sai hay bị hàm oan.
Năm học 2023-2024 vừa kết thúc với câu chuyện ồn ào không vui xung quanh bữa liên hoan của lớp 1C, Trường Tiểu học Gia Lương, Gia Lộc (Hải Dương). Trong rất nhiều ý kiến trái chiều quanh việc em học sinh của lớp không có được suất ăn liên hoan như 31 bạn còn lại chỉ vì mẹ không đóng tiền quỹ hội phụ huynh, có nhiều ý kiến lên án việc có quá nhiều loại quỹ trong trường học. Không ít người đề nghị dẹp bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ vì họ là "cánh tay nối dài" của giáo viên chủ nhiệm trong việc thu tiền…
Có con đang học phổ thông nên tôi rất hiểu tâm trạng của các bậc phụ huynh mỗi khi nhắc đến tiền trường. Bởi thực tế, ngoài học phí, trong mỗi năm học phụ huynh phải đóng góp rất nhiều khoản khác và việc thu góp luôn là vấn đề nhạy cảm của ngành giáo dục. Nhạy cảm vì có nhiều khoản một số trường thu không đúng quy định. Có hiện tượng lạm dụng Ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc thu giúp giáo viên chủ nhiệm, nhà trường một số khoản mà trách nhiệm tổ chức thu thuộc về nhà trường. Có trường trước đây công khai danh mục các khoản thu trên bảng trong các cuộc họp phụ huynh thì nay chỉ đọc trong cuộc họp, tránh cho việc phụ huynh chụp ảnh rồi phát tán trên mạng xã hội. Nhiều phụ huynh nghe qua loa, chỉ nhớ tổng số tiền phải góp và cố gắng góp cho đủ phần vì phục vụ việc học của con, phần vì không muốn mình là người đi ngược với số đông, dù có thể kinh tế họ khó khăn và có người trong lòng không đồng tình với một số khoản thu.
Trở lại câu chuyện của vị phụ huynh có con không được suất gà rán trong bữa liên hoan vì không đóng quỹ hội. Theo chị này, lớp con nhà chị có 2 loại quỹ gồm quỹ lớp và quỹ hội cha mẹ học sinh. Trong đó, tiền liên hoan cho các con là trích từ quỹ lớp, mà khoản này chị vẫn đóng, chỉ không đóng tiền quỹ hội. Đây chính là cái cớ dẫn đến câu chuyện ồn ào không đáng có vừa qua.
Theo quy định hiện hành, các khoản thu trong nhà trường gồm có tiền học phí, các khoản thu dịch vụ hỗ trợ giáo dục như tiền thuê lao công, nước uống, tiền ăn bán trú, tiền dạy thêm – học thêm, tiền điện, dịch vụ tin nhắn, sổ liên lạc điện tử… Đó là chưa kể các khoản tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, đồng phục, sách giáo khoa…; tiền vận động xã hội hóa giáo dục và nguồn kinh phí ủng hộ hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh mà nhiều nơi gọi là quỹ hội của lớp, của trường hoặc quỹ lớp, quỹ trường. Có khoản thu bắt buộc, có khoản thu là sự thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh trên cơ sở quy định của HĐND tỉnh; có khoản là ủng hộ tự nguyện.
Như vậy có thể thấy, chỉ nên duy trì một loại quỹ gọi là quỹ của Ban đại diện cha mẹ học sinh để phục vụ các hoạt động của ban trong đó có việc động viên, khen thưởng học sinh của lớp hay tổ chức liên hoan cho học sinh cuối năm cũng như tổ chức thăm hỏi ốm đau, hiếu hỉ khi cần. Quỹ này đóng góp trên tinh thần tự nguyện như quy định tại Thông tư 55 ngày 22/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Nội dung thu, chi cần được thảo luận dân chủ và thống nhất trong các cuộc họp phụ huynh.
Với một quỹ như vậy mà phụ huynh từ chối tham gia đóng góp không phải vì lý do kinh tế khó khăn thì đó là trường hợp cá biệt, không có ý thức tập thể.
Ít quỹ và minh bạch trách nhiệm, nghĩa vụ của người học, gia đình người học cũng như việc quản lý thu chi hợp tình, hợp lý thì sẽ không có chuyện đóng quỹ này, không đóng quỹ kia.
Còn với Ban đại diện cha mẹ học sinh, tôi cho rằng cần thiết phải duy trì hoạt động của tổ chức này. Vấn đề là, đừng để họ làm sai hay bị hàm oan. Thực tế, những người tham gia Ban đại diện cha mẹ học sinh là những người rất nhiệt tình. Ở lớp con tôi đang học, có những hoạt động tập thể như cho học sinh đi dã ngoại cuối năm, dù cô giáo chủ nhiệm không có mặt, các vị trong Ban đại diện cha mẹ học sinh và một số phụ huynh vẫn đồng hành, chăm lo chu đáo cho các con. Họ sẵn sàng dành thời gian để giúp học sinh của lớp tập văn nghệ, động viên học sinh khi tham gia thi đấu thể thao và nhiều hoạt động tập thể khác. Các con vui và cô giáo chủ nhiệm cũng đỡ vất vả. Tuy nhiên, không được lạm dụng Ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc giúp giáo viên thu tiền, hãy để họ làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/co-nen-giai-tan-ban-dai-dien-cha-me-hoc-sinh-383102.html