Có nên giảm thêm thuế để hạ giá xăng dầu?

Dù đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường nhưng giá xăng vẫn cao kỷ lục sau kỳ điều chỉnh ngày 11/5, khiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế khó đạt được như kỳ vọng.

Từ 15h ngày 11/5, giá mỗi lít xăng E5RON 92 tăng 1.490 đồng lên 28.950 đồng/lít, xăng RON95 tăng 1.550 đồng lên 29.980 đồng. Mức giá cao kỷ lục này đang gây áp lực nặng nề nên cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Theo tính toán, khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm GDP giảm khoảng 0,5% - mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.

Xăng dầu tăng nóng, có thể giảm thuế để "hạ nhiệt".

Xăng dầu tăng nóng, có thể giảm thuế để "hạ nhiệt".

Bên cạnh đó, kinh tế trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang cần phục hồi sau thời gian đình trệ vì dịch COVID-19, nếu giá xăng dầu tăng cao sẽ kéo theo chỉ số tăng giá của tất cả các ngành khác, nhất là lĩnh vực giao thông vận tải, logictisc…

Đặc biệt khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả các chính sách tài khóa đang triển khai thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cùng đồng quan điểm khi cho rằng xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất. Do đó, khi xăng tăng giá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh COVID-19, sức mua còn yếu, việc tăng giá này sẽ khiến quá trình hồi phục kinh tế chậm lại. Vấn đề cấp bách hiện nay là nhanh chóng kìm hãm đà tăng của giá xăng để ngăn chặn những biến động tiêu cực của thị trường.

“Nền kinh tế đang bước vào giai đoạn đầu hồi phục, các hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu nối lại. Nhưng giá xăng dầu tăng quá cao sẽ đẩy chi phí đầu vào của hàng hóa, tạo gánh nặng chi phí doanh nghiệp, đánh thẳng vào túi tiền người dân, kéo giảm đà hồi phục của toàn nền kinh tế”, ông Long nói.

Nên giảm thêm thuế

Theo chuyên gia Ngô Trí Long, giá xăng dầu trong nước hiện nay phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới và việc điều chỉnh hai “van” là thuế và quỹ Bình ổn giá (BOG). Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, quỹ BOG cạn kiệt, thì việc hạ nhiệt giá xăng chỉ còn trông vào “van” thuế.

Hiện mỗi lít xăng dầu bán ra thị trường phải gánh 4 loại thuế gồm thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế bảo vệ môi trường. Nhưng trong số này, thuế bảo vệ môi trường đã giảm 50% từ 1/4. Thuế nhập khẩu đã ở mức thấp, chỉ còn thuế tiêu thụ đặc biệt là có thể giảm. Tuy nhiên, ông Long thừa nhận việc giảm thuế cho mặt hàng xăng dầu hiện nay là khó, do nguồn thu đang bị ảnh hưởng nặng nề. Thu thuế đối với mặt hàng nhiên liệu đóng vai trò rất lớn trong thu ngân sách.

“Bài toán giảm giá xăng dầu trong ngắn hạn là quá khó nhưng về lâu dài, điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng xăng dầu là cần thiết. Nhà nước sẽ phải nghiên cứu rất kỹ và có giải pháp phù hợp, vừa kìm đà tăng giá xăng dầu, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách”, ông Long nhấn mạnh.

PGS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng nên cân đối thuế tiêu thụ đặc biệt. Bởi sắc thuế này chỉ nên đánh vào những hàng hóa dịch vụ gây hại, hàng xa xỉ trong khi xăng dầu là hàng hóa thiết yếu. Hơn nữa xăng dầu cũng đang chịu thuế bảo vệ môi trường.

Theo ông Thịnh, việc giảm, miễn các loại thuế tính trên tỉ lệ % giá thành sẽ bảo đảm tính linh hoạt và khả năng tác động tới các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế. Trường hợp nguồn thu từ các loại thuế, phí cố định trên giá xăng dầu bị giảm do các chính sách điều tiết mới, thì sẽ được cân đối một phần bởi nguồn thu từ dầu thô xuất khẩu.

Tuy vậy, ông Thịnh cũng lưu ý việc giảm giá xăng cần tính toán kỹ bởi thuế xăng, dầu của Việt Nam đang thấp hơn so với các nước trong khu vực. Nếu giảm giá xăng dầu quá thấp sẽ kéo theo tình trạng buôn lậu phát triển. Thực tế, ngay trong tháng 4 - 5 vừa qua, khi giá xăng trong nước điều chỉnh xuống thấp, đã có một số vụ buôn lậu xăng dầu bị phát hiện ở phía biên giới Tây Nam.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Đỗ Văn Bằng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cho biết xăng dầu chiếm khoảng 40 - 50% chi phí vận tải nên việc tăng giá xăng dầu gây áp lực rất lớn với doanh nghiệp vận tải. Để hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, nên tạm dừng thu thuế bảo vệ môi trường, khi doanh nghiệp khỏe lại rồi tính tiếp.

“Ngành vận tải đứng trước quá nhiều thách thức. Chỉ có điều chỉnh thuế, phí xăng dầu mới có thể hạ nhiệt giá xăng, giúp doanh nghiệp bớt khó”, ông Bằng nói và cho biết có thể.

Theo TS Nguyễn Bích Lâm, ở nước ta xăng dầu là một trong những mặt hàng chiến lược do nhà nước quản lý giá. Giá bán được quản lý trên cơ sở bảo đảm lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Theo quy định Bộ Công Thương nắm bắt giá xăng dầu trên thị trường thế giới, phối hợp với Bộ Tài chính phân tích những yếu tố về giá và thuế để điều chỉnh các loại thuế có liên quan đến xăng dầu. Đồng thời, hai bộ cùng các doanh nghiệp nhận định, đánh giá và phối hợp nhịp nhàng để sử dụng quỹ BOG xăng dầu.

“Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính và doanh nghiệp cần bám sát diễn biến thị trường xăng dầu, tình hình chính trị thế giới ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu để có giải pháp ứng phó linh hoạt với giá dầu tăng cao nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát trong 2022", ông Lâm nói.

Từ ngày 1/4, thuế môi trường giảm 50% (tương ứng 2.000 đồng) trên mỗi lít xăng, nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn tăng cao do giá dầu thế giới biến động khó lường. Hiện giá xăng đã tiến sát 30.000 đồng/lít, mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Ngoài việc "cõng" 4 sắc thuế gồm thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, VAT 10% theo giá bán và thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng/lít, mỗi lít xăng phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức (300 đồng/lít), mức trích lập quỹ bình ổn (300 đồng/lít) và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Liên Bộ cho biết cũng đã sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) theo hướng linh hoạt, giúp cho mặt hàng xăng dầu trong nước tăng thấp hơn đà tăng của thế giới. Nhưng khó khăn là quỹ BOG tại các doanh nghiệp đang âm nặng.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng quá cao có thể tính đến giải pháp giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.

"Tôi cho rằng nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao, thì giải pháp giảm thuế cần tiếp tục được tính tới. Chúng ta vẫn cần phải tính dài hơn hơn, có kịch bản nhiều hơn nữa. Như khi giá xăng dầu biến động mạnh hơn, Bộ Công Thương đã lên kịch bản, nếu giá 130 USD, 150 USD/thùng thì sẽ đề xuất đưa ra kịch bản tiếp tục giảm các thuế đối với xăng dầu, như thuế môi trường, tiêu thụ đặc biệt, VAT, đa dạng hóa nguồn cung…”, ông Đông nói

Hòa Bình

Nguồn VTC: https://vtc.vn/co-nen-giam-them-thue-de-ha-gia-xang-dau-ar676479.html